100 triệu bảng cho Declan Rice – “Vụ cướp” của Arsenal

Khi tiếng còi khai cuộc vang lên trong trận tứ kết Champions League giữa Arsenal và Real Madrid, chẳng ai ngờ cái tên sẽ khai hoả rực rỡ kết liễu “Los Blancos” lại là Declan Rice. Một cầu thủ mà trước khi gia nhập “Pháo thủ”, người ta chỉ biết đến như một “lá chắn thép” nơi tuyến giữa, một máy quét chuyên kiểm soát và phá vỡ những đợt tấn công của đối thủ. Vậy mà trong đêm lịch sử ấy, chính Rice, với hai cú sút phạt ngoạn mục, đã hủy diệt gã khổng lồ hùng mạnh Real Madrid, khiến tất cả phải ngả mũ kính phục.

Đối với Arsenal, đây là một khoảnh khắc không thể quên. Sau bao năm chờ đợi, giấc mơ chinh phục cúp bạc Champions League danh giá lại gần hơn với “Pháo thủ”. Và vào buổi tối Emirates huyền ảo, trong một không gian ngập tràn sự kỳ vọng, Declan Rice đã biến mọi nỗi lo âu thành niềm vui sướng tột cùng khi ghi liền 2 bàn thắng nhấn chìm đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử đấu trường châu Âu.

Declan Rice góp công lớn giúp Arsenal quật ngã Real Madrid hùng mạnh.
Declan Rice góp công lớn giúp Arsenal quật ngã Real Madrid hùng mạnh. Ảnh: Internet

Trước giờ bóng lăn, Declan Rice được thừa nhận là một tiền vệ phòng ngự xuất sắc, với bộ kỹ năng phá bóng, đánh chặn và điều tiết trận đấu toàn diện. Anh luôn đứng ở nơi chiến tuyến quan trọng nhất, làm nhiệm vụ bảo vệ khung thành, giúp Arsenal kiểm soát tuyến giữa và hoá giải mọi nguy hiểm. Nhưng có ai ngờ, trong màn thư hùng với Real Madrid, Rice lại chuyển mình trở thành người hùng của trận đấu, không phải với những pha tắc bóng hay cắt bóng như thường lệ, mà bằng chính khả năng sút phạt hoàn hảo.

Chắc hẳn, không ít người trong số chúng ta, khi nhìn thấy Rice đứng trước quả bóng trong những tình huống đá phạt, đều không khỏi ngạc nhiên. Ai mà nghĩ rằng một tiền vệ phòng ngự sẽ là người nắm giữ số phận trận đấu với những pha sút phạt quyết định, đặc biệt khi đối thủ là một thế lực mạnh mẽ như Real Madrid? Nhưng rồi, chỉ trong vài phút ngắn ngủi, Rice đã chứng minh rằng anh không chỉ là một người cận vệ tuyến giữa. Anh còn là một mũi tiên phong có thể thay đổi trận đấu, mang lại sự khác biệt, và quan trọng hơn, là họng pháo ẩn mình có thể ghi những bàn thắng quyết định.

Pha sút phạt đầu tiên của Rice đến từ khoảng cách khoảng 25 mét, một cự ly không dễ để ghi bàn khi án ngữ phía trước khung gỗ “Los Blancos” là toà tháp đồ sộ Thibaut Courtois. Trong tình huống đó, tất cả đều hướng ánh mắt về phía Rice. Một cầu thủ phòng ngự, không phải chuyên gia sút phạt, liệu có thể làm nên chuyện?

Và rồi, như thể không có gì đáng sợ, Rice bước lên, chuẩn bị cho cú sút của mình. Anh đứng bình tĩnh, hít thở thật sâu, rồi với một cú vung chân nhẹ nhàng nhưng đầy quyết đoán, bóng cong vút vòng qua hàng rào, xoáy thẳng vào khung thành như những siêu phẩm để đời tưởng chừng đã được Roberto Carlos cất giữ mãi mãi vào ngôi đền huyền thoại. 

Thủ môn Courtois, dù đã bay người hết sức, vẫn bất lực ngăn chặn. Một đường cong hoàn hảo, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn ở sự tự tin, lạnh lùng trước sức ép của trận đại chiến lẫn đối thủ tầm cỡ. Mọi người không thể tin vào mắt mình. Một tiền vệ phòng ngự, với một cú sút như thế, đã mở tỷ số trận đấu và khiến cả cầu trường Emirates bùng nổ trong niềm hân hoan tột độ.

Declan Rice phô diễn "vũ khí bí mật" sút phạt.
Declan Rice phô diễn “vũ khí bí mật” sút phạt. Ảnh: Internet

Không chỉ dừng lại ở đó, bàn thắng thứ hai của Rice còn khiến tất cả phải trầm trồ hơn thế. Sau bàn thua choáng váng, giờ đây, Real Madrid buộc phải cẩn trọng bố trí nhân sự, bảo đảm kẽ hở tương tự không tái diễn. Nhưng mọi công phu dàn xếp phòng ngự của ông lớn La Liga đều trở nên vô nghĩa khi Declan Rice lại một lần nữa bước lên chấm sút phạt, lần này ở một vị trí bó vào trung lộ hơn, từ khoảng cách tương tự.

Không còn yếu tố bất ngờ, mọi người háo hức chờ đợi Rice tái hiện tuyệt phẩm mở tỷ số 12 phút trước. Ngôi sao 26 tuổi không làm bất kỳ ai phải thất vọng, bằng nét vẽ cầu vồng làm rung chuyển lục địa già. Với một sự tự tin tuyệt đối, Rice tung chân nhắm thẳng vào góc chữ A khung thành, bóng xoáy bổng cuộn qua hàng rào, đáp xuống nơi Courtois không tài nào chạm tới. 

Một khoảnh khắc thiên tài nữa được chuyển hoá thành bàn thắng mỹ miều, giúp Arsenal nhân đôi cách biệt để đặt một chân vào Bán kết. 2 cú sút phạt, 2 bàn thắng và Kylian Mbappe chỉ biết trề môi lắc đầu, thán phục phong độ thăng hoa mà đồng nghiệp bên kia chiến tuyến phô diễn.

Sau trận đấu với Real Madrid, tất cả những hoài nghi về mức giá 100 triệu bảng dành cho Rice đã hoàn toàn biến mất. Không phải chỉ vì anh chơi tốt trong một trận đấu, mà là vì những gì anh mang lại cho Arsenal.

"Bom tấn" xứng đáng từng xu "Pháo thủ" bỏ ra.
“Bom tấn” xứng đáng từng xu “Pháo thủ” bỏ ra. Ảnh: Internet

Quay ngược thời gian trở về mùa hè 2023, “Pháo thủ” đã gây xôn xao làng túc cầu bằng quyết định chi số tiền kỷ lục lịch sử CLB, để đổi lấy sự phục vụ của Rice từ đối tác cùng thành phố West Ham. Không phải ai cũng tán thành với mức giá đầy tranh cãi mà Arsenal bỏ ra kích hoạt bom tấn tuyến giữa. 

Các nhà phân tích bóng đá, các CĐV trung lập, và không ít người hâm mộ đối thủ đã chỉ trích việc đầu tư 100 triệu bảng cho một tiền vệ phòng ngự. Họ chê bai “Pháo thủ”, mỉa mai đội chủ sân Emirates đã “thổi phồng” giá trị của Rice, mạnh miệng dự đoán cầu thủ sinh năm 1999 sẽ sớm sụp đổ trước áp lực.

Tuy nhiên, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là: Liệu các quyết định phá két của Arsenal có thực sự sai lầm? Hay là người ta đang nhìn nhận vấn đề từ một góc độ sai lầm, khi mà họ chỉ tập trung vào số tiền đại gia bắc London bỏ ra, mà không chịu nhìn nhận toàn diện về giá trị mà Rice mang lại cho đội bóng?

Rice không chỉ đơn thuần là một cầu thủ phòng ngự, mà là một mắt xích có khả năng thay đổi cục diện trận đấu, đóng vai trò như một ngôi sao sáng trong đội hình. Chính sự toàn diện của anh, từ khả năng bọc lót, điều tiết trận đấu, cho đến tham gia vào các pha tấn công, đã biến canh bạc của “Pháo thủ” trở nên đáng giá đến từng xu.

Arsenal, dưới sự dẫn dắt của Arteta, đã xây dựng một đội hình không chỉ có những ngòi nổ sáng giá như Bukayo Saka, Martin Odegaard hay Gabriel Martinelli, mà còn duy trì sự ổn định vững chắc nơi tuyến giữa lẫn hàng phòng ngự. Declan Rice chính là mảnh ghép quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của nhà cầm quân Tây Ban Nha. Với Rice, Arsenal không chỉ có được một cỗ máy phòng ngự chất lượng, mà còn sở hữu thủ lĩnh trên sân cỏ, một lãnh đạo có thể điều phối thế trận và luôn sẵn sàng lùi sâu để bảo vệ khung thành khi cần thiết.

80 phút chạm trán Real Madrid, Rice bẻ gãy mối liên kết giữa bộ ba Jude Bellingham – Luka Modric – Eduardo Camavinga bằng 5 nỗ lực tranh chấp. Anh đánh chặn xông xáo, pressing tầm cao ngay trên phần sân đối phương, bóp nghẹt trung tuyến “Los Blancos” và vờn bỡn họ bằng tỷ lệ chuyền bóng chính xác lên đến 90%. 

Những gì Rice phô diễn không chỉ là chân giá trị của một tiền vệ phòng ngự đắt giá, mà còn là đẳng cấp của một cầu thủ có khả năng gánh vác trọng trách và tỏa sáng khi đội bóng cần anh nhất.

Declan Rice công thủ toàn diện.
Declan Rice công thủ toàn diện. Ảnh: Internet

Có thể, những người không ưa Arsenal sẽ nói rằng đội bóng này đã chi quá nhiều tiền cho một cầu thủ phòng ngự. Họ mặc sức chỉ trích mức giá của Rice và cho rằng Pháo thủ đã “vung tay quá trán”. Dù vậy, Arsenal có sai khi chiêu mộ Declan Rice? Hoàn toàn không!

Không ai có thể hiểu rõ hơn chính Ban lãnh đạo Pháo thủ về những gì họ cần trên thương trường khốc liệt, nơi đồng tiền ngày càng mất giá. Để thâu tóm các viên ngọc chất lượng hiếm có, chi phí cao là điều tất yếu.

Arteta đã xây dựng một đội bóng trẻ trung, năng động, nhưng vẫn cần một nền tảng vững chắc để đương đầu các địch thủ lớn. Rice chính là người cung cấp nền tảng ấy. Chắc chắn, trong mắt Arteta và những người đứng đầu sân Emirates, Rice là một phi vụ dài hạn. Và làn gió mới mẻ từ chấm sút phạt, một khía cạnh ít ai để ý trước đây mà anh mang đến trong màn vùi dập Real Madrid đã chứng minh rằng đây là một quyết định đúng đắn.

Những người đã từng nghi ngờ về mức giá 100 triệu bảng mà Arsenal bỏ ra để chiêu mộ Rice giờ đây phải lặng im. Họ không thể không công nhận rằng với những gì số 41 mang lại cho đội bóng, mức giá đó hoàn toàn xứng đáng. Và trong đêm huy hoàng tại thủ đô xứ sương mù, không có gì là ngẫu nhiên khi Rice lại là người gánh vác trọng trách và tỏa sáng rực rỡ.

Arsenal không cần sự chỉ trích về cách họ tiêu tiền. Đội bóng này đã và đang xây dựng một đội hình không chỉ có sức mạnh tấn công mà còn sở hữu sự ổn định và bản lĩnh thi đấu. Declan Rice chính là nét chấm phá giúp đội bóng này hoàn thiện bức tranh kiệt tác.

Số 41 Pháo thủ đã khắc ghi tên tuổi vào lịch sử Champions League, không phải chỉ vì anh là chủ nhân 2 cú sút phạt thành bàn đầu tiên trong khuôn khổ 1 trận cầu vòng knock-out, mà còn vì cách anh làm được điều đó – với sự điềm tĩnh, sự tự tin lẫn khả năng vượt qua sức ép, khiến cả thế giới bóng đá phải thán phục rằng Arsenal đã có được một bản hợp đồng vô giá.