“Năm thằng gầy đánh một thằng mập” – câu nói nửa đùa nửa thật ấy của Đoàn Nguyên Đức (hay bầu Đức) từng làm dậy sóng dư luận bóng đá Việt. Không chỉ là một phát ngôn bộc trực, đó còn là minh chứng cho cá tính thẳng thắn, quyết liệt của ông bầu phố Núi trong hành trình gần hai thập kỷ gắn bó với bóng đá Việt Nam. Từ một doanh nhân thành đạt nơi đại ngàn Tây Nguyên đến “ông bầu” quyền lực bậc nhất làng bóng, bầu Đức đã trải qua biết bao thăng trầm, để lại những dấu ấn đậm nét cùng không ít tranh cãi.
Vậy tại sao người hâm mộ Việt Nam lại nên dành ít nhất một lời cảm ơn cho người đàn ông mà “tai tiếng” nhiều hơn “danh tiếng”, với hàng loạt phát ngôn “nổ như pháo rang” trên báo? Người bị tố là ảo tưởng quyền lực, thao túng nền bóng đá Việt Nam, hành xử thiếu chuyên nghiệp? Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng dành chút ít thời gian để ngồi lại, và nhìn nhận một cách công tâm nhất về Bầu Đức – Về những phán xét “công – tội” mà người đời dùng để nhắc về ông, và đặc biệt, là về lý do vì sao, bóng đá Việt Nam thực sự nợ Bầu Đức một lời cảm ơn, từ tận đáy lòng, chứ không phải là những câu bỡn cợt châm biếm trên Mạng xã hội.

Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962 trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở Bình Định. Tuổi thơ cơ cực theo gia đình lên Gia Lai lập nghiệp, cậu bé Đức từng làm đủ nghề lao động chân tay để phụ giúp cha mẹ. Con đường học vấn không trải hoa hồng – ông thi trượt đại học tới bốn lần rồi quyết định rẽ sang hướng khác, bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Từ một xưởng mộc nhỏ mở năm 1990 chuyên đóng bàn ghế cho học sinh, Đoàn Nguyên Đức dần mở rộng kinh doanh sang sản xuất nội thất, rồi vươn ra hàng loạt lĩnh vực như cao su, thủy điện, địa ốc…
Năm 2006, ông thành lập Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) – tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, và từng là người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2008. Dù giàu có và bận rộn, trong sâu thẳm, Đoàn Nguyên Đức vẫn luôn đau đáu một tình yêu mãnh liệt: bóng đá.
Niềm đam mê bóng đá của bầu Đức bắt nguồn từ lòng tự tôn dân tộc và khát khao đưa bóng đá Việt vươn tầm. Ông từng tâm sự rằng mình “làm bóng đá vì rất thích bóng đá”, và cái “cục tức” khi thấy Việt Nam luôn e ngại Thái Lan chính là động lực thúc đẩy ông đầu tư bài bản vào bóng đá.
“Trước đây, Việt Nam mình cứ gặp Thái là sợ… Nghĩ sao mà bực bội… Từ đó, tôi quyết đầu tư, làm cho thật bài bản. Hồi 2006 tôi bắt tay với Arsenal làm học viện bóng đá cũng chỉ vì bóng đá Thái Lan” – bầu Đức từng trải lòng về lý do sâu xa khiến ông quyết tâm thay mới bộ mặt của bóng đá VIệt Nam. Thực vậy, năm 2007, bất chấp nhiều ánh mắt hoài nghi, ông đã bắt tay với CLB Arsenal danh tiếng của Anh và học viện JMG toàn cầu để lập nên Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG tại Pleiku.
Đây là mô hình học viện bóng đá tiên phong ở Việt Nam khi kết hợp đào tạo trẻ bài bản, khoa học theo chuẩn quốc tế. Để có đất xây học viện, bầu Đức không ngại cho đốn cả rừng cao su đang thu hoạch; để vận hành, ông sẵn sàng chi 4-5 triệu USD mỗi năm nhằm gắn mác Arsenal cho “lò” đào tạo của mình. Chính quyết định táo bạo mang tính đột phá này của bầu Đức đã đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho công cuộc đào tạo trẻ hiện đại tại Việt Nam, trở thành hình mẫu để nhiều lò đào tạo khác noi theo.
Dẫu vậy, trước khi trở thành “idol” trong làng bóng đá Việt với tư cách là người “ươm mầm” tài năng trẻ, bầu Đức đã sớm ghi dấu ấn trong vai trò ông bầu một đội bóng chuyên nghiệp. Năm 2001, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu hướng tới chuyên nghiệp hóa, Đoàn Nguyên Đức mạnh dạn bỏ hơn 10 tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho đội bóng Hoàng Anh Gia Lai tại quê nhà. Chỉ một năm sau, ông gây sốc khi chi khoản tiền kỷ lục mời bằng được Kiatisuk Senamuang – chân sút số một Đông Nam Á khi đó – về đầu quân cho câu lạc bộ phố núi.
Thương vụ “bom tấn” năm 2002 ấy ngay lập tức phát huy hiệu quả: từ một đội hạng Nhất, HAGL thăng hạng và vô địch V-League liền hai mùa 2003-2004, mở ra thời kỳ hoàng kim cho “đội bóng phố Núi”.

Danh tiếng của HAGL và cá nhân bầu Đức cũng từ đó vang xa, ông được truyền thông ca ngợi là doanh nhân dám chơi lớn vì thể thao nước nhà. Đến năm 2011, cùng với các “ông bầu” có tâm huyết khác, bầu Đức tham gia sáng lập Công ty VPF – đơn vị điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhằm chuyên nghiệp hóa và minh bạch hóa công tác tổ chức giải.
Rõ ràng, từ rất sớm, tư duy làm bóng đá của Đoàn Nguyên Đức đã mang tầm nhìn dài hạn: đầu tư mạnh tay cho cầu thủ giỏi, cơ sở hạ tầng hiện đại và cơ chế vận hành tiên tiến, đặt nền móng cho những đổi thay lớn. Có thể nói, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, cùng Gạch Đồng Tâm Long An của bầu Thắng, chính là 2 đội bóng đầu tiên trong lịch sử, định hình và đặt nền móng cho bóng đá chuyên nghiệp cấp câu lạc bộ tại Việt Nam.
Trong bối cảnh mà “nền bóng đá chuyên nghiệp” vẫn chỉ là câu hô hào khẩu hiệu, bởi ngay cả những lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn khi ấy, cũng chưa có kinh nghiệm vận hành thể thao chuyên nghiệp, thì mô hình hoạt động của Hoàng Anh Gia Lai chính là kim chỉ nam cho người làm bóng đá Việt – Một Câu lạc bộ đã kiện toàn và hoàn thiện bộ máy, sở hữu đầy đủ những yếu tố tài chính, nhân sự, quy trình vận hành, để cấu thành một đội bóng chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh danh hiệu trong nước, và xa hơn nữa, là vươn tới các đấu trường châu lục.
Sau thành công của Hoàng Anh Gia Lai với 2 chức vô địch V.League liên tiếp, đồng thời vươn tầm quốc tế với những thương vụ chuyển nhượng bom tấn gây tiếng vang lớn, bầu Đức đã có đầy đủ cơ sở và động lực để thành lập Học viện Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG. Sau 7 năm âm thầm vun trồng, năm 2014, lứa cầu thủ khóa một của học viện – với những cái tên sáng giá như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Trần Hữu Đông Triều… – bước ra ánh sáng trong màu áo U19 Việt Nam.

Lối chơi kỹ thuật, đẹp mắt và đầy nhiệt huyết của họ nhanh chóng chinh phục trái tim người hâm mộ. Công Phượng và đồng đội được tung hô như “những đứa trẻ của bầu Đức”, trở thành biểu tượng cho hy vọng đổi thay của bóng đá nước nhà. Đến năm 2015, bầu Đức đi một nước cờ táo bạo nữa: ông đôn gần như cả lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai – JMG lên đá V.League trong màu áo CLB phố núi khi họ mới chỉ 19-20 tuổi.
Quyết định này xuất phát từ triết lý làm bóng đá rất riêng của ông: tạo môi trường thi đấu đỉnh cao sớm để các cầu thủ trẻ nhanh chóng trưởng thành, dẫu biết phải chấp nhận rủi ro về thành tích. Quả thực, Hoàng Anh Gia Lai những mùa giải đầu tiên với dàn cầu thủ “non” đã chật vật trụ hạng. Nhưng về lâu dài, trải nghiệm đó tôi luyện bản lĩnh cho Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… giúp họ trở thành trụ cột ở đội tuyển quốc gia sau này.
Bầu Đức không chỉ góp quân cho đội tuyển mà còn trực tiếp góp công vào những thành công vang dội của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 2017-2022. Trên cương vị Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7 (2014 – 2018) phụ trách tài chính, chính ông là người lặn lội sang Hàn Quốc mời HLV Park Hang-seo về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vào cuối năm 2017. Để thuyết phục thầy Park, bầu Đức cam kết chi trả mức lương khoảng 800 triệu đồng mỗi tháng (gần 35.000 USD) cho HLV người Hàn, hoàn toàn từ tiền túi của mình.
Quyết định táo bạo ấy nhanh chóng đơm hoa kết trái: HLV Park đã dẫn dắt Việt Nam tạo nên hàng loạt kỳ tích lịch sử (Á quân U23 châu Á 2018, Top 4 ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, SEA Games 2019 – 2021, vào vòng loại cuối World Cup 2022…). Và trong những chiến công vang dội đó, dấu ấn của bầu Đức luôn hiện hữu. Lò HAGL đóng góp nhiều trụ cột cho tuyển quốc gia – riêng AFF Cup 2018, đội hình vô địch có tới 9 cầu thủ xuất thân từ Hoàng Anh Gia Lai.

Danh tiếng và tầm ảnh hưởng của bầu Đức trong làng bóng đá Việt là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, người đàn ông này cũng gắn liền với không ít tai tiếng, mà phần lớn là những phát ngôn gây bão, những động thái làm mình làm mẩy gây sức ép lên Liên đoàn, và cả những hoạt động bị cho là “cố tình thao túng” nền bóng đá Việt.
Ông Đoàn Nguyên Đức từng thẳng thừng tuyên bố rằng, nếu lứa cầu thủ U19 Việt Nam của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… không vô địch được SEA Games, thì cứ việc gọi ông là Đức “Nổ”. Phát ngôn này xuất hiện vào năm 2014, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam sa sút trầm trọng, và lứa U19 khi ấy gần như trở thành chiếc phao cứu sinh duy nhất, đủ khả năng vớt vát niềm tin của người hâm mộ nước nhà.
Thế nhưng, kết quả thì ai cũng biết, U23 Việt Nam, với nòng cốt là lứa cầu thủ khóa 1 Hoàng Anh Gia Lai – JMG, bại trận ê chề tại Bán kết trước đối thủ dưới cơ Myanmar, và như một lẽ hiển nhiên, biệt danh “Đức Nổ” cũng gắn liền với ông bầu này từ đó.
Những tranh cãi về sự “chí công vô tư” của ông Đức còn trở thành tâm điểm tranh luận, khi xuất hiện thông tin về những “bản hợp đồng nô lệ” mà ông áp lên các cầu thủ thuộc học viện JMG. Cụ thể, tất cả lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Toàn… đều bị ràng buộc hợp đồng với Hoàng Anh Gia Lai tới năm… 28 tuổi, trong khi bản giao kèo này được liệt vào dạng “hợp đồng đào tạo trẻ”, tức là các cầu thủ không hề được chia hoa hồng, đồng thời phải chấp nhận mức lương cực kỳ thấp so với mặt bằng chung.
Vụ việc này không chỉ khiến hình ảnh của bầu Đức xấu đi trong mắt giới truyền thông, mà còn là sai phạm nghiêm trọng về nguyên tắc làm bóng đá, khiến CLB Hoàng Anh Gia Lai hứng chịu vô số chỉ trích từ dư luận. Việc toàn bộ dàn cầu thủ lứa Công Phượng ngay lập tức rời đi sau khi hết hạn hợp đồng ở tuổi 28, càng khiến dư luận được phen xì xào bàn tán: “Sống sao mà để tụi nó đi hết không đứa nào thèm nhìn mặt” – Một cư dân mạng giấu tên nhận định.

Chẳng những gặp vấn đề trong việc chứng minh sự trong sạch khi làm bóng đá, bầu Đức cũng bị gắn mác “Chí Phèo”, khi mà câu nói “Cùng lắm thì tôi bỏ giải”/”Cùng lắm tôi bỏ làm bóng đá” gần như đã trở thành câu cửa miệng của ông, mỗi khi câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai gặp vấn đề về pháp lý hay bị tố vi phạm quy tắc của Liên đoàn bóng đá.
Nhìn chung, phát ngôn của bầu Đức luôn là con dao hai lưỡi. Nó làm ông nổi bật như một kẻ “phá vỡ sự im lặng”, nhưng cũng khiến ông bị cho là cảm tính và hiếu thắng. Thậm chí tờ Lao Động từng nhận xét một số tuyên bố của bầu Đức có phần “hàm hồ”, ví dụ như việc ông đòi sa thải HLV Miura khi đội tuyển chơi chưa như ý: “Sa thải Miura, tôi lo tất cho Đội tuyển quốc gia”.
Phát ngôn này bị coi là quá khích, thể hiện sự can thiệp thô bạo vào chuyên môn (dù sau đó chính bầu Đức đã góp phần mời được HLV Park – một lựa chọn thay thế thành công). Ngoài ra, không ít lần ông bị cổ động viên đối thủ chỉ trích là “tự cho mình là nhất, không coi ai ra gì” – nhất là sau những xung đột với VPF hay VFF.
Ở chiều ngược lại, với nhiều cổ động viên trung lập, những phát biểu “thẳng như ruột ngựa” của bầu Đức lại đem đến làn gió mới, vạch trần các vấn nạn cố hữu. Giới bóng đá thường kháo nhau: “V-League mà thiếu bầu Đức thì còn gì là vui” – đủ thấy ông đã trở thành nhân vật trung tâm của mọi cuộc bàn tán, mỗi khi lên tiếng là tạo sóng gió.
Nhưng rồi, tựu chung lại, và xét cho cùng, sau từng ấy câu chuyện về bầu Đức, có lẽ chúng ta cũng đã hình dung được phần nào bức chân dung bao quát về con người ông – Một ông bầu công thì nhiều, mà tội thì chẳng bao nhiêu. Những sự chỉ trích nhắm đến bầu Đức, phần nhiều là hướng tới mặt tiêu cực của con người ông – Một người có cá tính, nhưng luôn khiến người khác nóng mặt bởi những phát ngôn không giống ai.
Trong khi đó, xét về công lao, khi đã nhìn lại lịch sử sâu xa từ thời kỳ Hoàng Anh Gia Lai mới xuất hiện trên bản đồ V.League, sẽ không ngoa khi nói rằng bầu Đức chính là hoa tiêu mở lối cho con thuyền bóng đá Việt Na.
Ông vừa là người đưa màu cờ sắc áo của đội tuyển Việt Nam trở lại trong trái tim người hâm mộ, giữa đêm trường tăm tối trong những năm tháng bê bối và khủng hoảng, là người định hướng cho con đường phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong thời kỳ sơ khởi.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định bầu Đức là người tiên phong trong nhiều lĩnh vực của bóng đá Việt: từ việc chuyên nghiệp hóa CLB, mở học viện bóng đá liên kết quốc tế đầu tiên, đến đóng góp nhân sự và tài chính cho đội tuyển quốc gia. Giới chuyên môn ghi nhận ông là “người đặt nền móng cho sự thành công của bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua”.
HLV lão làng Lê Thụy Hải từng nhận định: thành công của U23 Việt Nam tại Thường Châu 2018, và đội tuyển Việt Nam sau này, có dấu ấn rất lớn của bầu Đức – ông đã mở đường cho công tác đào tạo trẻ để sản sinh ra cả một lứa cầu thủ tài năng cho nước nhà.
Trong một buổi chiều cuối năm 2022, HLV Park Hang-seo – sau khi chia tay đội tuyển – đã lặng lẽ bay lên Gia Lai gặp bầu Đức để nói lời cảm ơn. Hai người đàn ông trung niên ôm nhau thắm thiết, mắt ai cũng rưng rưng xúc động. Khoảnh khắc ấy, được báo giới ví như “cái ôm tri kỷ”, là sự thừa nhận cho một chặng đường đầy trái ngọt mà họ cùng góp công tạo nên. Nó cũng tựa như thước phim tua chậm về hành trình đầy đam mê của bầu Đức – người đã thắp lên ngọn lửa mới cho bóng đá Việt, để rồi chính ngọn lửa ấy lan tỏa và bùng cháy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Với nhiều người hâm mộ, bầu Đức mãi là hình ảnh của một “ông bầu quốc dân” – buồn vui cùng bóng đá, sẵn sàng xả thân vì bóng đá. Có thể ông không hoàn hảo, có lúc nóng nảy, cảm tính, nhưng suy cho cùng, tất cả cũng chỉ vì ông yêu bóng đá Việt Nam bằng một tình yêu cuồng nhiệt. Và đó là lý do, mà mỗi người hâm mộ bóng đá Việt, ít nhất nên dành cho người đàn ông này một lời tri ân: Cảm ơn bầu Đức!
Leave a Reply