Vinh quang cuối cùng của Man United tại Champions League

Đêm Moscow huyền diệu - Ánh hào quang cuối cùng của Man United tại đấu trường Champions League

Nếu có ai đó hỏi rằng thời gian thực sự tàn nhẫn đến mức nào? Hãy kể cho họ nghe về lần cuối cùng, Manchester United bước lên đỉnh châu Âu.18 năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng, người hâm mộ Quỷ Đỏ thành Manchester được chứng kiến khoảnh khắc tột đỉnh vinh quang của đội bóng họ yêu.

18 năm ấy, đã chứng kiến bao thế hệ trẻ thơ trưởng thành, những gã trai năm xưa giờ đây đầu đã ngả bạc. Và nếu bạn hỏi rằng tại sao người ta cứ mãi nhung nhớ về một quá khứ xa xăm, cứ mãi ăn mày dĩ vãng, thì xin thưa rằng, đó chính là cách duy nhất để nhắc nhở những thế hệ cổ động viên của Man United hiện tại rằng – Họ đã từng có một quá khứ huy hoàng như thế.

Ngay cả khi những khái niệm đó chỉ còn là hồi ức mập mờ, thì chúng vẫn là tôn chỉ để những tín đồ của Quỷ Đỏ đặt trọn niềm tin và sự tôn nghiêm vào cái tên mà họ đã dành trọn tình yêu.

Các cầu thủ Man United vỡ òa sau khi loạt sút penalty khép lại tại Chung kết Champions League 2007-2008. Ảnh: Internet
Các cầu thủ Man United vỡ òa sau khi loạt sút penalty khép lại tại Chung kết Champions League 2007-2008. Ảnh: Internet

Ngày 21 tháng 5 năm 2008, cơn mưa giá buốt cùng cái rét tê tái của nước Nga bao trùm sân vận động Luzhniki (Lút nhi ki), Moscow, nhưng từng đó là quá ít để không đủ để khỏa lấp bầu không khí rực lửa trên các khán đài, nơi chứng kiến hai đại diện xuất sắc nhất của nước Anh bước vào trận chiến định đoạt ngôi vương UEFA Champions League mùa giải 2007-2008 khi Manchester United đối đầu Chelsea. 

Đối với người hâm mộ Ngoại hạng Anh, đây không đơn thuần là một trận Chung kết thông thường. Đêm Moscow ghi dấu một cột mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử Champions League, một trận chung kết “toàn Anh” được diễn ra. Và thậm chí, hai sắc xanh đỏ của hai câu lạc bộ, còn tô điểm cho sự đối đầu của 2 trường phái bóng đá đối lập.

Ở đây, chúng ta đang không nói về phong cách và lối chơi, mà phải nhắc tới một khái niệm vĩ mô hơn. Chính là bản sắc và tư duy làm bóng đá. Nếu như Chelsea được coi là gã đại gia mới nổi. Một thế hệ câu lạc bộ mới, thành danh và vươn mình từ túi tiền không đáy của gã tài phiệt khét tiếng người Nga, Roman Abramovich, thì Man United lại là đại diện của truyền thống, niềm kiêu hãnh của những “thế lực cũ”, những đội bóng có bề dày thành tích và một lịch sử đáng tự hào. 

Kiêu hãnh và định kiến, kim tiền và tôn nghiêm, với tất cả những sắc thái cũng như chất liệu làm nền ấy, cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Man United và Chelsea đã thực sự ghi dấu một đêm huyền thoại của bóng đá châu Âu, với tư cách là một trong những trận đấu kinh điển nhất lịch sử Champions League. Đó không chỉ là một cuộc chiến của những con sư tử dũng mãnh, kiêu hùng, mà còn chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn của những chiến binh thép. Nhưng có lẽ sau này, ít ai ngờ được rằng, đêm Moscow huyền ảo ấy, lại là khoảnh khắc chói sáng cuối cùng của Manchester United ở đấu trường Champions League.

Hành trình đến với trận chung kết của MU là sự kết hợp của bản lĩnh, tài năng và cả những khoảnh khắc thiên tài. United dễ dàng vượt qua bảng đấu có Roma, Sporting Lisbon và Dynamo Kyiv. Họ bất bại với 5 chiến thắng, 1 trận hòa, khi bộ đôi Ronaldo và Rooney liên tục tỏa sáng.

Bước vào vòng 16 đội, United đánh bại Lyon với tổng tỷ số 2-1 nhờ những bàn thắng quan trọng của Tevez và Ronaldo. Nếu có ai đó cho rằng việc chỉ phải gặp Lyon là một lợi thế lớn cho đoàn quân của Sir Alex Ferguson, thì có lẽ người đó cũng nên biết rằng, trong những thập niên 2010, chính đội bóng có biệt danh Sư tử sông Rhone (Ron), là những kẻ đã đặt bản cáo chung cho thế hệ Galacticos 1.0 của Real Madrid, khi liên tục loại đội bóng hoàng gia hỏi vòng knock-out C1 trong nhiều năm.

Tại Tứ kết, Man United tái ngộ AS Roma, và đây mới đúng là một chiến thắng dễ dàng đối với đội chủ sân Old Trafford. Chiến thắng 2-0 trên sân khách, cùng bàn thắng duy nhất của Tevez ở lượt về đã giúp MU nhẹ nhàng đặt chân vào Bán kết, nơi họ sẽ đối đầu với 1 thử thách cực đại – Barcelona.

Hòa 0-0 sau 90 lượt đi trên sân Nou Camp, Man United đã trải qua thử thách khó khăn nhất trong mùa giải thần thánh của họ. Deco và Messi – Cặp đôi tấn công của Barca đã có một đêm hành hạ hàng phòng ngự của đội khách, áp lực kinh hoàng đến từ bộ đôi thiên tài này thậm chí đã khiến Paul Scholes suýt chút nữa luống cuống đá phản lưới nhà.

Trở về Old Trafford trong trận lượt về, cục diện bất ngờ đảo chiều khi Paul Scholes thực hiện cú sút xa để đời, đưa Quỷ đỏ tiến vào chung kết. Man United đã chinh phục từng thử thách với lối chơi kỷ luật, chắc chắn, nhưng không kém phần hoa mỹ. Giờ đây, trước mắt họ là Chelsea – Đội bóng vừa đánh bại Đương kim Á quân Liverpool một cách thuyết phục sau 2 lượt trận Bán kết.

Cú sút xa của Paul Scholes đưa Man United vào Chung kết. Ảnh: Internet
Cú sút xa của Paul Scholes đưa Man United vào Chung kết. Ảnh: Internet

Và rồi, cái ngày định mệnh mà mọi con tim yêu bóng đá đều chờ đợi, cuối cùng đã đến. Manchester United và Chelsea biến đấu trường Champions League trở thành câu chuyện nội bộ của Ngoại hạng Anh, với trận Chung kết diễn ra tại nước Nga xa xôi.

Trận đấu khởi đầu với tốc độ cao, cả hai đội nhập cuộc đầy quyết tâm. Chelsea với hàng tiền vệ giàu sức mạnh gồm Lampard, Ballack và Makelele, trong khi United sở hữu hàng công đáng sợ với Ronaldo, Rooney và Tevez. Cùng sở hữu phong cách và tư duy chơi bóng “thuần Anh”, nghĩa là ưa chuộng những đường bóng tốc độ cao và không ngại va chạm, Chelsea và MU đã cùng nhau biến mặt cỏ Luzhniki thành một đấu trường La Mã, với những bước chạy xé gió của các ngôi sao, và những màn va chạm nảy lửa của những chiến binh.

Phút 26, khoảnh khắc định mệnh đầu tiên xuất hiện. Wesley Brown tạt bóng từ cánh phải, Ronaldo băng vào, bật cao hơn tất cả, đánh đầu hiểm hóc tung lưới Petr Cech. 1-0 cho United. Pha đánh đầu tuyệt mỹ ấy, đã là lần lập công thứ 42 của Ronaldo trong mùa giải siêu phàm của cầu thủ người Bồ Đào Nha. 

Nhưng 1 bàn thua không đủ để khiến Chelsea nao núng, đoàn quân của huấn luyện viên Avram Grant vùng lên mạnh mẽ, tạo ra hàng loạt cơ hội uy hiếp khung thành Van De Sar. Và đúng vào phút cuối cùng của hiệp 1, một pha bóng lập bập trong vòng cấm, Lampard chớp thời cơ, ghi bàn gỡ hòa. 1-1. Mọi thứ lại trở về vạch xuất phát.

Sau giờ nghỉ, Chelsea trở thành đội nắm thế chủ động nhờ hàng tiền vệ cơ động và thể thực dồi dào. Drogba liên tục khuấy đảo hàng phòng ngự MU với những pha tì đè xâm nhập vòng cấm, Lampard suýt chút nữa có bàn thắng thứ hai khi cú sút của anh dội xà ngang. Dù thất thế trong mặt trận giữa sân, nhưng Man United cũng không chịu kém cạnh trong khâu tấn công, khi Tevez và Giggs có cơ hội nhưng đều bị Petr Cech cản phá xuất sắc.

Khi thời gian trôi đi, mọi thứ ngày càng trở nên căng thẳng. Cả hai đội đều không muốn mắc sai lầm. Hiệp 2 khép lại với tỷ số 1-1, đưa trận đấu vào hiệp phụ. Cả hai đội đều đã thấm mệt, nhưng không ai chịu nhường bước. Lampard lại có cơ hội, nhưng cú dứt điểm trúng xà ngang lần thứ hai. Phút 116, một bước ngoặt đột ngột đã xảy ra: Drogba nóng nảy tát vào mặt Vidic, nhận thẻ đỏ trực tiếp. Chelsea chỉ còn 10 người.

Didier Drogba lĩnh thẻ đỏ sau khi tát vào mặt Vidic. Ảnh: Internet
Didier Drogba lĩnh thẻ đỏ sau khi tát vào mặt Vidic. Ảnh: Internet

4 phút còn lại của hiệp phụ là quá ít để Man United có thể cụ thể hóa lợi thế hơn người. Nhưng có lẽ ít ai nhận ra rằng, việc Drogba bị truất quyền thi đấu, sẽ khiến Chelsea phải nhận hậu quả nặng nề như thế nào trong loạt sút luân lưu đầy may rủi sắp tới.

Bước vào loạt penalty định mệnh, Tevez và Carrick xuất sắc hoàn thành 2 loạt đá đầu tiên cho MU, trong khi Ballack và Belletti cũng không mắc phải một sai lầm nào. Đến loạt sút thứ 3, Cristiano Ronaldo là người đảm nhận trọng trách trên chấm 11 mét. Thế nhưng, một thoáng lưỡng lự khi thực hiện bước chạy đà quen thuộc của CR7, đã khiến anh bị Petr Cech bắt bài. 

Thủ thành của Chelsea xuất sắc cản phá cú sút phạt quá hiền của Ronaldo, và khi Lampard hoàn thành lượt sút thứ 3 cho Chelsea với một cú ra chân trái phá, người Man United, có lẽ đã bắt đầu nghĩ về một kết cục không thể đau đớn hơn – Nơi mà ngôi sao số 1 của họ trở thành tội đồ, và Man United sẽ ngậm ngùi thua cuộc.

Nhưng không, định mệnh có lẽ đã không bỏ rơi Sir Alex Ferguson và các học trò, hay nói cách khác, số phận đã quá nghiệt ngã với Chelsea, với John Terry và người hâm mộ của họ. Đội trưởng của Chelsea là người đảm nhận cú sút phạt đền thứ 5 – Khi tỉ số luân lưu đang là 4-4, nếu thành công, Chelsea sẽ chính thức đăng quang UEFA Champions League.

Nhưng rồi, John Terry trượt chân, cú sút của anh chỉ có thể chạm vào khung gỗ và bật ra ngoài. Tinh thần của các cầu thủ Chelsea, vốn đang lên rất cao, bỗng chốc như bị dội một gáo nước lạnh giữa ngày mưa buốt giá. Để rồi điều gì đến cũng phải đến, ý chí sắt thép của tập thể Chelsea, vốn đã bị bẻ gãy sau pha trượt chân kia, cuối cùng đã không thể chiến thắng được một Man United vừa từ cõi chết trở về.

Pha trượt chân tai hại của John Terry tạo cơ hội cho Man United đăng quang. Ảnh: Internet
Pha trượt chân tai hại của John Terry tạo cơ hội cho Man United đăng quang. Ảnh: Internet

Erwin Van Der Sar xuất sắc cản phá cú sút của Nicolas Anelka ở lượt luân lưu thứ 7, và Manchester United, chính thức đăng quang ngôi vương Champion League lần thứ 3 trong lịch sử. Cristiano Ronaldo – Người ghi bàn mở tỉ số, đồng thời cũng là kẻ đã sút hỏng penalty, đổ gục xuống sân và òa khóc như một đứa trẻ. Hơn ai hết, CR7 đã nếm trải cảm giác chới với trên lằn ranh mong manh giữa tư cách người hùng và kẻ tội đồ. Nhưng thật may mắn cho anh, khi đêm mưa Moscow năm ấy, đã gọi tên người thắng cuộc cuối cùng – Manchester United.

Đêm Moscow không chỉ là trận chung kết Champions League, mà còn là biểu tượng của một Manchester United đỉnh cao. Đó là danh hiệu Champions League thứ ba trong lịch sử của họ, là khoảnh khắc vinh quang nhất của Sir Alex Ferguson trong giai đoạn hoàng kim.

Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về đêm Moscow bất diệt vẫn còn mãi. Đó là đêm của bản lĩnh, của vinh quang, của những biến số không tưởng, và của những giọt nước mắt đàn ông. Ronaldo bật khóc vì sung sướng, vì vừa trải qua cảm giác tội lỗi và nỗi sợ thất bại, Michael Ballack và John Terry cũng bật khóc, nhưng đó lại là những giọt nước mắt đau đớn của những sai lầm không thể cứu vãn, của sự nghiệt ngã mà số phận mang đến với họ.

Và trên tất cả, đó là đêm của Manchester United – một đội bóng không vĩ đại nhất, không giàu truyền thống nhất, cũng không đẹp mắt và hoa mỹ nhất, nhưng đã từng một thời, họ được ca tụng với danh xưng: “Đội bóng của những đêm châu Âu nhiệm màu, đội bóng của những kỳ công bất diệt.”