“Bố già nước Ý” Silvio Berlusconi: Công thần AC Milan hóa thành tội đồ quốc gia

Ngày 12/6/2023, Văn phòng truyền thông của Đảng Forza Italia chính thức đưa ra thông báo về sự kiện Cựu thủ tướng nước Ý – Ông Silvio Berlusconi, đã qua đời ở tuổi 86, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo.

Với tư cách là một cựu Chính trị gia từng nhiều lần nắm giữ cương vị Thủ tướng, sự ra đi của Berlusconi đã nhận được nhiều lời quan tâm chia buồn từ giới chính trường quốc tế. Nhưng ở một phương diện khác, lời từ giã cõi đời của người đàn ông này còn mang đến những nỗi buồn khôn nguôi dành cho những người yêu bóng đá Ý, đặc biệt là các fan của Câu lạc bộ AC Milan.

Vị Chủ tịch huyền thoại trong lịch sử AC Milan.
Vị Chủ tịch huyền thoại trong lịch sử AC Milan. Ảnh: Internet

Bởi hơn ai hết, Silvio Berlusconi chính là người đàn ông đặc biệt nhất trong lòng các Milanista, người đã mở ra một kỷ nguyên hoàng kim của nửa đỏ thành Milan, và cũng là một trong những chứng nhân chứng kiến sự sụp đổ của đế chế huy hoàng đó.

Silvio Berlusconi sinh ngày 29/09/1936 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Năm 1961, ông tốt nghiệp ngành luật với tấm bằng cử nhân xuất sắc. Tuy nhiên, với nhãn quan nhạy bén và tư duy kinh doanh cấp tiến, Berlusconi quyết định áp dụng những kiến thức có được về ngành Luật vào công việc kinh doanh, khởi đầu với lĩnh vực xây dựng, và sau đó lấn sân sang truyền thông – tài chính.

Với sự phát triển nhanh như vũ bão trong sự nghiệp kinh doanh, Berlusconi tận dụng các mối quan hệ trong giới chính trường để huy động vốn vào những thương vụ làm ăn khổng lồ, bắt đầu từ dự án xây dựng “Thành phố xanh” Milano 2, và rồi sau đó, ông lấn sân sang lĩnh vực truyền hình, khởi nghiệp từ việc xây dựng một đài truyền hình cáp nhỏ mang tên Telemilano, sau đó thành lập công ty truyền thông Fininvest – Hãng truyền thông đầu tiên tại Ý sở hữu một kênh truyền hình tư nhân cấp quốc gia.

Danh tiếng và tiền bạc có được nhờ công việc kinh doanh truyền hình khiến Berlusconi dần hướng con mắt tham vọng sang lĩnh vực chính trị. Nhưng đó không phải là câu chuyện có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Dẫu vậy, ông trùm truyền hình sinh năm 1936 đã tìm thấy một con đường đi tắt đón đầu khác, con đường đó mang tên: AC Milan.

Berlusconi tạo ra nhiều thế hệ cầu thủ tuyệt vời cho "Rossoneri"
Berlusconi tạo ra nhiều thế hệ cầu thủ tuyệt vời cho “Rossoneri”. Ảnh: Internet

Năm 1986, Berlusconi chính thức trở thành Chủ sở hữu của Câu lạc bộ nửa đỏ thành Milano. Và cũng từ đây, tên tuổi của ông bắt đầu được biết đến rộng rãi trong làng túc cầu giáo.

Ở thời điểm Berlusconi lên nắm quyền, Milan đang trong giai đoạn khủng hoảng cả về mặt thành tích và bản sắc, dẫu cho họ vẫn sừng sững dưới tư cách một biểu tượng chiến thắng của bóng đá Ý. Rossoneri khi đó đã trải qua 17 năm không thể đăng quang tại cup C1, đồng thời cũng đã có 9 năm trắng tay tại đấu trường Serie A. Chẳng những thế, đội bóng này còn từng 2 lần phải xuống chơi tại Series B sau những án phạt và phong độ nghèo nàn của mình trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Có lẽ ngay cả những người hâm mộ trung thành nhất của đội bóng cũng khó mà ngờ được rằng, cái ngày 18/7/1986 ấy, thời khắc mà người đàn ông quyền lực bậc nhất nước Ý bước xuống thảm cỏ sân vận động San Siro từ máy bay trực thăng, lại là thời khắc thay đổi hoàn toàn lịch sử AC Milan, khi mở ra một chương mới vĩ đại và hùng tráng của đội bóng thành Milano.

Một trong những động thái đầu tiên của Berlusconi sau khi đã sở hữu trọn vẹn AC Milan, chính là nỗ lực tìm mọi cách để đưa về Arrigo Sacchi – Vị Huấn luyện viên được ca tụng là Nhà cải cách của bóng đá Ý thời bấy giờ. Một năm sau ngày Bố già Silvio lên nắm quyền, Sacchi chính thức cập bến Milan, mang theo một bản kế hoạch dài hạn, đầy tính “độc tài”, nhưng hoàn toàn đủ sức thuyết phục về khả năng thành công của nó.

Bỏ ngoài tai những lời than thở từ nhóm cầu thủ ngôi sao về tính cách máy móc và độc đoán của Sacchi, Berlusconi lựa chọn trao mọi quyền hành trong phòng thay đồ cho vị Huấn luyện viên người Ý. AC Milan ngay lập tức trở thành một trại quân huấn với giáo án luyện tập khắc nghiệt, và đặc biệt là đạo luật đòi hỏi sự “phục tùng tuyệt đối” từ các cầu thủ đối với Huấn luyện viên.

Tuy nhiên, những sự bất mãn manh nha trong tâm trí các cầu thủ Milan đã nhanh chóng bị dập tắt, bởi dưới sự dẫn dắt thiên tài của Sacchi, họ đã sớm có được thành công rực rỡ. Ngay mùa giải đầu tiên, Sacchi đã giúp Milan đăng quang chức vô địch Series A mùa giải 1987 – 1988. Thế nhưng, mọi thứ chưa dừng lại ở đó, mùa giải 1988 – 1989, Berlusconi vùng tiền đưa 2 siêu sao Hà Lan là Ruud Gullit và Frank Rijkaard về San Siro, hợp cùng Marco van Basten trở thành bộ 3 Hà Lan Bay trứ danh trong lịch sử bóng đá thế giới.

Với màn trình diễn siêu hạng của dàn sao đẳng cấp thế giới, Milan giành 2 chức vô địch C1 liên tiếp vào các mùa giải 88/89 và 89/90.

Sau sự ra đi của Sacchi, lần lượt Fabio Capello và Carlo Ancelotti trở thành những cái tên nổi bật nhất được lựa chọn ngồi vào chiếc ghế nào tại Milano, và những vị huấn luyện viên huyền thoại này lại tiếp tục nối dài chuỗi ngày vinh quang của đội bóng áo sọc đỏ đen. Phòng truyền thống của đội bóng tiếp tục chào đón thêm 3 danh hiệu C1 – UEFA Champions League nữa vào các năm 1994, 2003 và 2007, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến màn hủy diệt Dream Team Barcelona của Thánh Johan Cruyff với tỷ số 4-0 của thầy trò Fabio Capello trong trận Chung kết Champions League 1993/1994.

Tính tổng cộng, dưới triều đại của Berlusconi, AC Milan đã giành 5 UEFA Champions League và 8 Scudetto.

Bên cạnh 3 vị Huấn luyện viên huyền thoại là Sacchi, Capello và Ancelotti, Don Silvio còn đưa về sân San Siro hàng loạt cầu thủ siêu sao vốn là niềm khao khát của các câu lạc bộ lớn trên thế giới thời bấy giờ, có thể kể đến những cái tên như bộ ba Hà Lan Bay Marco van Basten – Ruud Gullit – Frank Rijkaard, Alexandro Nesta, Andrea Pirlo, Roberto Donadoni, Cafu, Ricardo Kaka… bên cạnh việc nâng tầm hai ngôi sao trẻ trưởng thành từ lò đào tạo của Câu lạc bộ: Franco Baresi và Paolo Maldini.

AC Milan xác lập vị thế ông lớn châu Âu trong giai đoạn Berlusconi cầm quyền.
AC Milan xác lập vị thế ông lớn châu Âu trong giai đoạn Berlusconi cầm quyền. Ảnh: Internet

Tháng 4/2008, Silvio Berlusconi chính thức đưa ra thông báo về việc sẽ từ nhiệm chức Chủ tịch Câu lạc bộ AC Milan để chuẩn bị nhậm chức Thủ tướng Ý, tuy nhiều ý kiến cho rằng việc từ chức chủ tịch chỉ là bức bình phong trên danh nghĩa, còn thực tế, AC Milan vẫn thuộc quyền điều khiển của bố già thành Milano.

Tuy vậy, sự kiện này cũng được coi như một cột mốc đánh dấu chấm hết cho kỷ nguyên Berlusconi tại AC Milan – Một kỷ nguyên không thể có mỹ từ nào khác để diễn tả, ngoài “huy hoàng và rực rỡ”.

Dưới thời vị chủ tịch đầy uy quyền này, AC Milan không chỉ trình diễn một thứ bóng đá chiến thắng, mà còn sở hữu những siêu sao hàng đầu thế giới ở gần như mọi vị trí thi đấu. Ánh hào quang chiến thắng của Milan đồng thời cũng là chất xúc tác để nâng tầm giải bóng đá Ý, đưa Series A vào thời kỳ “Bảy Chị Em” – Thứ biến giải đấu quốc nội của đất nước Địa Trung Hải trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh trong những thập niên cuối của thế kỷ 20.

Quay trở lại với câu chuyện chính trường của Berlusconi, như tôi đã đề cập ở đầu video về việc ông ta đã biến Milan trở thành công cụ “đi tắt đón đầu” trong sự nghiệp chính trị. Với việc mua lại Milan, Berlusconi sớm trở thành một trong những thần tượng của các tifosi, và nghiễm nhiên dành trọn thiện cảm của tầng lớp trẻ hoặc giới bình dân nước Ý – Những tín đồ cuồng nhiệt của môn thể thao vua, mà trong khi, AC Milan lại là một trong những đội bóng mang tính biểu tượng của xứ sở hình chiếc ủng.

Những thành công và danh hiệu tới tập của Milan trong giai đoạn 1988 – 1994 đã giúp uy tín của Berlusconi vì vậy mà cũng lên như diều gặp gió. Ông nhanh chóng thành lập Đảng Forza Italia – Với tên gọi của đảng được lấy cảm hứng từ câu khẩu hiệu của hội cổ động viên Milan.

Đảng phái này trở thành một hiện tượng chính trị lớn, khi nhanh chóng kết nạp được hàng trăm ngàn thành viên chỉ trong thời gian ngắn, vốn là những cổ động viên trung thành của câu lạc bộ, và giờ đây đã xem Berlusconi chẳng khác vị hoàng đế của họ.

AC Milan là bàn đạp cho Berlusconi thâu tóm quyền lực chính trường.
AC Milan là bàn đạp cho Berlusconi thâu tóm quyền lực chính trường. Ảnh: Internet

Một bộ phận không nhỏ những người hâm mộ bóng đá Ý khác nhanh chóng nhận ra Berlusconi có vẻ như chẳng yêu quý Milan nhiều như những gì ông ta thường phát biểu trên báo đài, mà câu lạc bộ này rốt cuộc cũng chỉ là một thứ công cụ để ông trùm truyền thông nước Ý sớm leo lên bàn cờ chính trị mà thôi.

Luận điểm này đúng hay sai, có lẽ nhiều năm sau người ta sẽ vẫn còn tranh cãi, nhưng chỉ biết một thực tế rằng, kể từ khi sở hữu Milan, sự nghiệp chính trường của Berlusconi cũng xuôi chèo mát mái đến lạ thường. Ông có tới 4 lần đắc cử vị trí Thủ tướng nước Ý, với tổng thời gian tại nhiệm là 9 năm.

Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị và kinh doanh của vị Chủ tịch này đã sớm lụi tàn khi thế giới bước sang thế kỷ 21. Trên cương vị Thủ tướng, ông tỏ ra là một người yếu kém về nhiều lĩnh vực điều hành đất nước, và bị cáo buộc là một trong những nguyên nhân đẩy nước Ý rơi vào những cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội. Trong khi đó, công việc kinh doanh của Berlusconi cũng không mấy sáng sủa, khi hệ thống đài truyền hình của ông cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới.

Chẳng những sự nghiệp sa sút, đời tư của Berlusconi cũng vướng phải khá nhiều bê bối. Trong thời gian làm Thủ tướng Italia, ông bị cáo buộc dính líu tới nhiều tổ chức mafia đang bị Chính phủ truy nã, ngoài ra, ông cũng bị phanh phui về việc tổ chức những buổi tiệc thác loạn quá đà khi vẫn đang còn là chính khách.

Sau những năm tháng hào quang rực rỡ, về cuối đời, Berlusconi chỉ có thể sống khép mình để tránh những thị phi bủa vây. Năm 2016, ông bị chẩn đoán Ung thư tuyến tiền liệt, và liên tục phải sống chung với bệnh tật cho tới khi qua đời vào tháng 6/2023.

Đoạn kết cuộc đời trầm lắng của "Bố già nước Ý"
Đoạn kết cuộc đời trầm lắng của “Bố già nước Ý”. Ảnh: Internet

Nhìn nhận lại cuộc đời của Silvio Berlusconi, không ít Milanista có lẽ cũng phải thừa nhận rằng: “Dẫu cho ông có là kẻ tội đồ của nước Ý, thì trong lòng người hâm mộ AC Milan, ông mãi mãi vẫn là người hùng của riêng họ.”

Rất nhiều người dân Ý căm hận Berlusconi, nhưng trong lễ quốc tang dành cho ông, vẫn đâu đó xuất hiện những người mang quốc tịch Ý, và cả những người không mang trong mình dòng máu Ý, mặc chung một màu áo sọc đỏ đen, hát vang lời ca “Forza Milan! Forza Italia!”, để tiễn biệt người hùng của họ về nơi an nghỉ.

Dẫu cho Berlusconi có thực sự chỉ xem Milan như là công cụ tiến thân hay không, thì thực tế không thể phủ nhận chính là tâm huyết và lòng nhiệt thành của ông dành cho đội bóng này. Những danh hiệu, truyền thống và nét văn hóa bóng đá đặc trưng của Rossoneri – Chính là minh chứng rõ ràng nhất cho di sản mà Berlusconi đã để lại cho thế hệ sau của nửa đỏ thành Milan.

Bóng đá thế giới đương đại thường dùng danh xưng “Bố già” để nói về Florentino Perez – Vị Chủ tịch đầy quyền uy của Real Madrid, nhưng với tư cách là một người Ý, một tỷ phú, dân chơi, doanh nhân, chính khách lừng lẫy, có lẽ danh xưng ấy nên được dành tặng cho Silvio Berlusconi – Một người Ý chính gốc, một hình tượng như “từ trang sách bước ra”, khi khiến nhiều người liên tưởng tới nhân vật Don Vito Corleone trong bộ tiểu thuyết The Godfather đình đám của nhà văn Mario Puzo.

Một đời vinh hoa, ngạo nghễ của vị Cố Chủ tịch Berlusconi đã khép lại với những nốt nhạc trầm buồn. Đối với các Milanista, sự ra đi của ông không chỉ là nỗi mất mát của của một con người, mà có lẽ, cũng mang đến cả những nỗi niềm tiếng nuối về một giai đoạn huy hoàng, nay đã khuất xa, chỉ còn lại vang bóng một thời.