Anfield, vẫn luôn là nơi những giấc mơ được viết nên. Nơi các cậu bé Liverpool lớn lên với khát khao được khoác lên mình màu áo đỏ huyền thoại, được nghe tiếng hát “You’ll Never Walk Alone” vang vọng từ khán đài Spion Kop, được trở thành một phần của câu lạc bộ mà họ hằng yêu mến. Đối với Trent Alexander-Arnold, giấc mơ đó đã trở thành hiện thực – một hiện thực đẹp đẽ kéo dài suốt gần một thập kỷ.
Cho đến hôm nay.
Hình ảnh Trent trong màu áo trắng tinh khôi của Real Madrid xuất hiện trên mọi mặt báo, trang tin thể thao và mạng xã hội. Dù đó chỉ là những bức ảnh chế, nhưng ai cũng hiểu rằng, viễn cảnh những hình ảnh ấy thành sự thật, chỉ còn là vấn đề thời gian. Và khoảnh khắc Arnold cầm trên tay chiếc áo trắng xa lạ, rồi sẽ như một nhát dao đâm thẳng vào trái tim những người yêu mến “The Kop”. Những gì mà người hâm mộ Liverpool lo sợ nhất cuối cùng đã xảy ra: Alexander-Arnold, đứa con của thành phố, người mang trong mình DNA của Liverpool, đã rời Merseyside theo dạng chuyển nhượng tự do để đến với gã khổng lồ Tây Ban Nha.

“Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người tại Liverpool, CLB mà tôi đã dành trọn trái tim suốt từng ấy năm. Nhưng đã đến lúc tôi cần một thử thách mới,” câu nói của Trent tại buổi họp báo ra mắt Real Madrid vang lên như một lời biện minh không thể thuyết phục. Trên khán đài Kop, những lá cờ mang hình ảnh của anh từ từ được hạ xuống, thay vào đó là nỗi thất vọng, sự phẫn nộ và một câu hỏi không lời đáp: Tại sao ban lãnh đạo Liverpool lại để điều này xảy ra?
Sự ra đi của anh gợi nhớ lại vụ Steve McManaman năm 1999 – khi cầu thủ “cưng” của Anfield rời sang Real theo diện Bosman, gây chấn động cả châu Âu. Lần này, lịch sử đau lòng lặp lại, đặt ra hàng loạt vấn đề nhiều lớp: từ khía cạnh chiến thuật, tài chính, cảm xúc cho đến tầm nhìn chiến lược của Liverpool.
Có một nét tương đồng giữa 2 thương vụ McManaman và Alexander-Arnold, đó chính là sự chậm trễ và chủ quan của Ban lãnh đạo Liverpool trong việc gia hạn hợp đồng. Đối với Steve McManaman, cầu thủ này từng bị Ban lãnh đạo The Kop “chèn ép” và đưa ra một đề xuất đãi ngộ bèo bọt trong những cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng. Bởi giới chủ Liverpool khi ấy vẫn ngây thơ nghĩ rằng: Mối liên kết mang tính địa phương giữa cầu thủ và câu lạc bộ, sẽ khiến các cầu thủ gốc Scouser khó lòng rời đi. Không chỉ riêng McManaman, bất kỳ cầu thủ nào trưởng thành từ lò đào tạo câu lạc bộ, hoặc có gốc gác Merseyside khi ấy, cũng đều bị đối xử bất công. Họ chỉ được trả một mức lương rẻ mạt, với những điều khoản hợp đồng bèo bọt, khác biệt hoàn toàn so với những đồng đội có xuất thân ngoài Liverpool.
McManaman ra đi vì cảm thấy mình không được tôn trọng ngay tại chính quê hương mình. Và phần nào đó, điều này cũng đúng với Alexander-Arnold. Theo nhiều nguồn tin, Liverpool chỉ thực sự nghiêm túc trong việc đàm phán gia hạn hợp đồng với Trent khi mùa giải 2024-2025 đã bắt đầu. Khi đó, Real Madrid đã âm thầm tiếp cận cầu thủ này ngay từ thời điểm mùa hè 2023, và gieo vào đầu anh viễn cảnh về những chiếc cúp Champions League.
Sau khi Jurgen Klopp ra đi vào cuối mùa giải 2023-2024, Liverpool bước vào giai đoạn chuyển giao đầy bất ổn. Sự thiếu vắng một kế hoạch rõ ràng, cùng với việc không thể hiện quyết tâm đua tranh danh hiệu bằng những bản hợp đồng đẳng cấp đã khiến Trent cảm thấy thiếu niềm tin vào tương lai. Tương tự như cái cách mà Liverpool để mất McManaman, họ luôn tự tin rằng gốc gác “dân địa phương” sẽ là thứ giữ chân Trent ở lại Anfield lâu dài. Bên cạnh đó, giám đốc điều hành Michael Edward sau khi lên nắm quyền, cũng đã xúc tiến trở lại việc đàm phán gia hạn với Trent. Bộ óc chiến lược thiên tài giúp Edward gần như là người duy nhất tại Liverpool, hiểu rõ nguy cơ đội bóng có thể để mất cầu thủ biểu tượng của mình, và ông cũng sẵn sàng trao cho Trent những mức đãi ngộ kỷ lục để giữ chân anh.
Thế nhưng, tất cả đã quá muộn.

Mất Trent, Liverpool đầu tiên sẽ hứng chịu những tổn thất nặng nề về mặt chuyên môn. Cầu thủ khoác áo số 66 luôn được xem là một trong những ngôi sao quái kiệt nhất châu Âu, khi sở hữu một bộ kỹ năng và tư duy chơi bóng độc nhất vô nhị: Là hậu vệ cánh, nhưng lại có nền tảng tấn công tốn, với khả năng chuyền bóng đa dạng, chính xác, tố chất điều tiết trận đấu và cả những cú sút xa búa bổ.
Việc mất anh đồng nghĩa Liverpool mất đi “cầu thủ kiến tạo lối chơi” quan trọng nhất của mình. Những pha mở bóng đổi cánh 50m hay chọc khe xé toang hàng thủ đối phương – thứ vũ khí đã trở thành thương hiệu của Liverpool – giờ không còn. Liverpool của Arne Slot chắc chắn sẽ phải đổi mới hoàn toàn bộ khung đội hình, để thích nghi với một đấu pháp mới, nơi họ không còn hưởng lợi từ những đường phân phối bóng chất lượng từ phần sân nhà.
Không quá lời khi nói rằng Alexander-Arnold là “một tài năng có một không hai, người đã đóng vai trò không ai có thể thay thế” trong đội hình Liverpool suốt những năm tháng đỉnh cao vừa qua. Nhưng nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở vấn đề chuyên môn, thì ít ra Liverpool vẫn còn có thể cảm thấy may mắn. Chỉ có điều, những viễn cảnh khủng hoảng tồi tệ hơn về mặt giá trị, bản sắc và sức hút mới là thứ đang chờ đợi họ.
Từ góc độ tài chính, để một ngôi sao tầm cỡ Alexander-Arnold ra đi tự do thực sự là thất bại nặng nề của ban lãnh đạo Liverpool. Ở tuổi 26, Trent bước vào độ chín sự nghiệp và có giá trị thị trường cực cao – nhiều chuyên gia ước tính nếu còn hợp đồng, anh có thể có giá không dưới 70-80 triệu bảng.
Con số này đủ để The Kop tái đầu tư một hoặc hai tân binh chất lượng. Thế nhưng giờ đây, CLB mất trắng khoản tiền kếch xù đó. Với mô hình tài chính tự cung tự cấp của Fenway Sports Group (FSG), việc mất đi một tài sản lớn mà không thu hồi được phí chuyển nhượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách mua sắm cầu thủ mới. Liverpool những năm qua vốn không vung tiền không tiếc tay như Man City hay Chelsea; họ buộc phải mua bán cân đối. Vậy nên, mất Trent miễn phí chẳng khác nào “hao hụt” đi 80 triệu trong két – một đòn giáng mạnh vào kế hoạch tái thiết đội hình.
Trent Alexander-Arnold không chỉ là một cầu thủ xuất sắc; anh còn là một người con của thành phố cảng Liverpool. Sinh ra và lớn lên tại Merseyside, trưởng thành từ lò đào tạo Kirkby, anh là hiện thân cho giấc mơ của mọi cậu bé Scouser khoác lên mình màu áo đỏ. Suốt những năm qua, người hâm mộ Liverpool tự hào hát vang về Trent như họ từng làm với Steven Gerrard – “Scouser in our team!” (Chúng ta có một chàng Scouser trong đội hình!). Anh là niềm kiêu hãnh địa phương, biểu tượng cho sự kết nối giữa CLB và cộng đồng bản địa. Vì vậy, việc Trent dứt áo ra đi đã tạo nên cú sốc cảm xúc to lớn với các Kopites.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, không ít người hâm mộ bày tỏ sự “thất vọng và tức giận tột độ” khi chứng kiến một biểu tượng của mình chọn rời bỏ đội bóng thời niên thiếu. Theo tường thuật, thông tin Alexander-Arnold đạt thỏa thuận với Real đã làm dấy lên sự phẫn uất tột độ trong cộng đồng người hâm mộ Liverpool.
- “Một phần lịch sử của đội bóng này đã biến mất”
Những cổ động viên Lữ Đoàn Đỏ chua chát nhận định trên Mạng xã hội. Và thậm chí, chưa cần bàn tới nét văn hóa địa phương đặc trưng tại Liverpool, thì việc một đội bóng đang là Đương kim vô địch Ngoại hạng Anh, lại để tuột mất ngôi sao sáng nhất của mình, người được quy hoạch là đội trưởng tương lai của câu lạc bộ, và thậm chí, lại còn là tài năng có xuất thân từ chính lò đào tạo của đội bóng. Tất cả những điều ấy, đã đủ để tạo nên một thất bại lớn lao về mặt danh tiếng, dành cho Liverpool.
Câu chuyện của Liverpool hiện tại khiến nhiều người liên tưởng đến Arsenal hơn một thập kỷ trước – thời kỳ cuối triều đại Arsene Wenger. Arsenal khi đó từng là thế lực lẫy lừng với “The Invincibles” 2004 bất bại cả mùa, nhưng rồi dần sa sút khi các ngôi sao liên tục rời bỏ đội bóng. Những Patrick Vieira, Thierry Henry, Cesc Fàbregas, Samir Nasri rồi Robin van Persie… lần lượt nói lời chia tay, để lại Arsenal với khoảng trống tài năng khó lấp đầy.
Chính Wenger sau này thừa nhận ông “nhiều lần buộc phải để cầu thủ ra đi” vì áp lực tài chính xây sân vận động mới, chính là Emirates hiện tại. Liverpool thì chẳng phải chịu áp lực tài chính gì, nhưng có lẽ giới lãnh đạo đội bóng này đã đến lúc phải tự nhìn nhận rằng, họ đang quá cứng nhắc trong việc áp dụng chính sách “mô hình vận hành khép kín” dành cho đội bóng. Đây là chính sách được vận hành dựa trên một tiêu chí duy nhất: Lấy lợi nhuận để vận hành đội bóng.
Lần cuối cùng người ta chứng kiến Liverpool tung hoành trên thị trường chuyển nhượng, với những bản hợp đồng bom tấn liên tiếp, đã là câu chuyện của năm 2018, khi họ phá kỷ lục chuyển nhượng với Virgil van Dijk, Alisson Becker, mua về Fabinho, Naby Keita với những mức giá chuyển nhượng đáng tự hào.
Để rồi sau gần 7 năm, FSG vẫn đang trong quá trình “thu hồi vốn”. Họ hài lòng với những gì đội bóng đạt được sau kỳ chuyển nhượng năm 2018, và chủ trương thắt lưng buộc bụng, ngồi chờ những dòng tiền lãi đổ trở lại hầu bao. Hợp đồng chuyển nhượng Darwin Nunez với tổng giá trị lên tới 75 triệu bảng, và thương vụ hỏi mua Moses Caicedo với lời chào hàng kỷ lục 115 triệu bảng, thực tế chỉ xuất hiện trong bối cảnh Liverpool buộc phải thay máu lực lượng.
Điều đó có nghĩa là Ban lãnh đạo đội bóng này đã quá thỏa mãn với việc họ sở hữu 1 chức vô địch Champions League, thêm một, hoặc một vài chức vô địch Ngoại hạng Anh nữa trong tương lai. Sự thỏa mãn này đã khiến cả Alexander-Arnold người hâm mộ Liverpool nhận ra một thực tế đau lòng rằng: “Liverpool sẽ không thể đạt đến đẳng cấp của những Real Madrid hay Barcelona, bởi họ không có đủ tham vọng.”

Liverpool của hiện tại và Arsenal của Wenger đều giống nhau ở chỗ: Họ cảm thấy hài lòng với những thành tựu hiện có, và miễn là cứ làm ăn có lãi, họ sẽ không có nhu cầu phát triển đội bóng thêm nữa. Để rồi, trong một cái thế giới mà “mọi thứ đều vận động”, thì nếu bạn đứng yên, đồng nghĩa với việc bạn đang thụt lùi. Liverpool đã chính thức đăng quang ngôi vương Ngoại hạng Anh lần thứ 20 một cách thuyết phục, nhưng rồi Alexander-Arnold ra đi, và người hâm mộ đội bóng thì càng có lý do để lo ngại rằng: Ban lãnh đạo của họ sẽ cảm thấy “Như vậy là đủ rồi!”
Và ở mùa giải kế tiếp, khi Arsenal tiến thêm một bước nữa trong quá trình hoàn thiện bộ khung đội hình, Man City trở lại với một cuộc thay máu toàn diện, những đứa trẻ của Chelsea tiếp tục trưởng thành, thì Liverpool – Đội bóng vừa “cắt đi một phần máu thịt”, liệu có đủ sức bảo vệ ngai vàng mà họ vừa dành được? Hay rồi họ sẽ lại cảm thấy hài lòng vì vừa đòi lại được ngôi vị đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh, và vì thế nên chẳng cần đầu tư gì nữa?
Bài học nhãn tiền về sự suy kiệt bản sắc của Arsenal vẫn còn đó, và dường như Ban lãnh đạo Liverpool cũng đã sớm nhận ra sai lầm. Các nguồn tin thân cận của câu lạc bộ cho biết, giới chủ Mỹ đã sẵn sàng móc hầu bao chi ra không dưới 200 triệu bảng để chuẩn bị cho công cuộc bổ sung lực lượng. Mọi thứ xem chừng có vẻ đã muộn, họ sẽ không thay đổi được thực tại rằng, đứa con cưng của thành phố cảng – Trent Alexander-Arnold sẽ ra đi. Dẫu vậy, muộn đội khi còn hơn không, và nếu không muốn giẫm chân vào vết xe đổ của Arsenal, có lẽ điều Liverpool cần làm trong tương lai, là không để xảy ra thêm bất kỳ một “hiện tượng” McManaman, hay Alexander-Arnold nào nữa.
Leave a Reply