Góc nhìn Alexander-Arnold: Vì sao bóng đá hiện đại không có chỗ cho lòng trung thành?

Góc nhìn Alexander-Arnold: Vì sao bóng đá hiện đại không có chỗ cho lòng trung thành?

Here We Go! Thương vụ chuyển nhượng Trent Alexander-Arnold từ Liverpool sang Real Madrid vào mùa hè 2025, đã chính thức được ấn định, hàng loạt nhà báo uy tín hàng đầu châu Âu đồng loạt lên tiếng xác nhận thông tin này. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc, người hâm mộ Liverpool sẽ phải chia tay ngôi sao biểu tượng của sân Anfield, đứa con cưng của đất cảng.

Hàng loạt bình luận, bài viết chỉ trích Alexander-Arnold như một kẻ phản bội, đã xuất hiện tràn lan trên các nền tảng Mạng xã hội. Xét về mặt cảm xúc, đây âu cũng là một động thái dễ hiểu. Dù cho điểm đến sắp tới của hậu vệ người Anh không phải là Man City hay Man United, nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh của người hâm mộ Liverpool, việc Trent rời đi khi đang ở đỉnh cao phong độ, dù là tới bất kỳ đâu, cũng có thể bị coi như một hành động hủy hoại lòng tin của những cổ động viên Lữ Đoàn Đỏ.

20 năm, đó là quãng thời gian mà Arnold gắn bó cùng màu áo đỏ, từ khi còn là một cầu thủ nhí được tuyển chọn vào học viện bóng đá của Liverpool, cho tới hiện tại, khi anh đã được biết đến với tư cách là một trong những siêu sao hàng đầu của bóng đá thế giới. Và dường như, việc Trent Alexander-Arnold chia tay sân Anfield để cập bến Santiago Bernabeu – một sàn diễn lớn, hoành tráng và hào nhoáng hơn, lại khiến người ta phải dấy lên những tranh cãi về một luận điểm: Liệu “lòng trung thành” có còn tồn tại trong bóng đá hiện đại?

Trent Alexander-Arnold chuẩn bị chia tay Liverpool để gia nhập Real Madrid? Ảnh: Internet
Trent Alexander-Arnold chuẩn bị chia tay Liverpool để gia nhập Real Madrid? Ảnh: Internet

Ngược dòng ký ức trở lại 10 năm về trước, khi Steven Gerrard chính thức chia tay Liverpool để cập bến LA Galaxy. Ở thời điểm ấy, sự phẫn uất cũng là thứ cảm xúc dâng trào trong lòng các Liverpudlian, nhưng nó không dành cho người đội trưởng vĩ đại của họ, mà hướng tới Brendan Rodgers – Vị huấn luyện viên trưởng đương nhiệm của đội bóng.

Dù vừa giúp Liverpool đạt chiến tích về nhì Ngoại hạng Anh mùa 2013 – 2014 và trở lại sân chơi Champions League sau nhiều năm vắng bóng, nhưng việc Rodgers tỏ ra quá vụng về khi thực thi chính sách loại bỏ công thần, tìm mọi cách để đẩy những trụ cột của đội bóng như Pepe Reina hay Daniel Agger khỏi Anfield, đã khiến vị thế của ông lung lay dữ dội. Và rồi, khi Rodgers dám đụng tới cả Steven Gerrard, thì sức chịu đựng của người hâm mộ Liverpool đã vượt khỏi giới hạn.

Dẫu vậy, câu chuyện ngày hôm nay mà chúng ta muốn nhắc đến ở đây, là cách mà Gerrard ra đi. Vị đội trưởng vĩ đại bậc nhất lịch sử Liverpool đã chia tay đội bóng theo cái cách không thể nghiệt ngã hơn, và việc phải chứng kiến Gerrard ra đi khiến người hâm mộ Liverpool đau đớn bao nhiêu, thì khi Trent xuất hiện và tỏa sáng, họ lại đặt hi vọng vào cậu nhóc này bấy nhiêu.

Trent Alexander-Arnold là sản phẩm của lò đào tạo trẻ Liverpool, anh chính thức ra mắt đội 1 vào mùa giải 2016 – 2017, và nhanh chóng vươn tầm trở thành một trong những trụ cột đội bóng dưới thời Jurgen Klopp. Đỉnh cao đầu tiên của Trent chính là mùa giải 2018 – 2019 thần thánh, khi anh góp công lớn giúp Liverpool cán đích ở vị trí thứ 2 Ngoại hạng Anh với số điểm kỷ lục 97, đồng thời khai sinh ra khoảnh khắc “corner taken quickly” huyền thoại, đưa The Kop ngược dòng kỳ diệu trước Barcelona tại Bán kết cúp châu Âu, và sau đó đăng quang UEFA Champions League.

Trent có thể là một cái tên gây nhiều tranh cãi về mặt chuyên môn, khi anh là hậu vệ, nhưng lại cực kém trong khâu phòng ngự. Bù lại, khả năng triển khai bóng, phát động tấn công của cầu thủ người Anh, chính là chất xúc tác biến anh trở thành một ngôi sao độc nhất vô nhị trong bóng đá, với vai trò của một “hậu vệ chia bài”.

Khi Trent Alexander-Arnold rời đi, Liverpool sẽ thiếu một hậu vệ biết chia bài. Ảnh: Internet
Khi Trent Alexander-Arnold rời đi, Liverpool sẽ thiếu một hậu vệ biết chia bài. Ảnh: Internet

Nhưng nói về những vấn đề ngoài chuyên môn, có một điều mà rất ít người hâm mộ bóng đá có thể nghĩ tới, ít nhất là tính tới trước mùa giải 2024 – 2025, đó là việc Trent chia tay Liverpool.

Ở thị trường chuyển nhượng mùa đông vừa qua, Real Madrid đã đưa ra đề nghị về một bản hợp đồng trị giá 20 triệu bảng để phá vỡ giao kèo hiện tại của anh với Liverpool, tuy nhiên, The Reds đã thẳng thừng từ chối. Tuy nhiên, đây không phải là một lời đề nghị mang tính hời hợt của đội bóng hoàng gia. Việc Trent và Liverpool vướng mắc trong quá trình gia hạn hợp đồng, khiến bố già Perez tỏ ra tự tin trong việc sở hữu cầu thủ này, vào tháng 1 hoặc tháng 7 năm 2025.

Vậy đâu là nguyên do dẫn đến việc “đứa con cưng của Anfield” không chịu gia hạn hợp đồng với Liverpool, và chuẩn bị chia tay đội bóng mà anh hâm mộ từ thời ấu thơ? Đây sẽ là câu chuyện mà người ta không thể dùng tình cảm hay cảm xúc để lý giải.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, gia nhập Real Madrid hiện tại, là mục tiêu đáng mơ ước đối với mọi cầu thủ. Liverpool, dù là một đội bóng vĩ đại, nhưng rõ ràng so với Real Madrid, họ vẫn thua kém 1 bậc. Khoác áo Real Madrid không chỉ đồng nghĩa với cơ hội gặt hái danh hiệu cao hơn, mà còn nâng tầm mọi ngôi sao, biến họ trở thành cỗ máy kiếm tiền thực thụ. Dĩ nhiên, mức đãi ngộ mà Trent nhận được tại Real sẽ không thể thấp hơn so với đề nghị mà Liverpool đưa ra. 

Đứng giữa ranh giới của việc được khoác áo đội bóng số 1 thế giới, nâng tầm thương hiệu cá nhân, và việc gắn bó với đội bóng thuở thiếu thời, nhưng tương lai mịt mù và bất ổn, thì có lẽ nếu đặt vào vị trí của Trent, nhiều người cũng sẽ dễ dàng lựa chọn phương án an toàn và hấp dẫn hơn, đó là Real Madrid.

Trent khó lòng từ chối đãi ngộ khủng từ Real Madrid. Ảnh: Internet
Trent khó lòng từ chối đãi ngộ khủng từ Real Madrid. Ảnh: Internet

Và tại sao lại nói tương lai tại Liverpool là bất ổn? Họ đang là đội bóng dẫn đầu Ngoại hạng Anh, và gần như chắc chắn sẽ vô địch mùa này kia mà? Có lẽ, chức vô địch quốc gia mà Liverpool nhiều khả năng sắp giành được, sẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hãy nhìn lại những vấn đề mà đội bóng này đang trải qua trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây. 

Tiền mùa giải 2024 – 2025, họ chỉ chi ra vỏn vẹn 50 triệu bảng cho 2 bản hợp đồng là Federico Chiesa và Giorgi Mamardashvili. Nhìn rộng hơn nữa, trong suốt 10 năm qua, dưới thời cầm quyền của 2 đời huấn luyện viên là Jurgen Klopp và Arne Slot, Liverpool luôn là đội bóng chi tiêu ít nhất trong số các ông lớn châu Âu. Và điều đó nói lên một thực tế rất dễ hiểu: Họ thiếu tham vọng.

Chức vô địch Ngoại hạng Anh 2024 – 2025, nói thẳng ra, nếu Liverpool đạt được, thì nó cũng là hệ quả từ khả năng cầm quân của Arne Slot, và phần nhiều là sự may mắn, khi các đối thủ của họ luôn tự bắn vào chân mình, trong khi Liverpool thì lại trải qua một giai đoạn không gặp bất kỳ ca chấn thương nghiêm trọng nào.

Danh hiệu lớn đầu tiên sau 5 năm của Liverpool lại không xuất phát từ sự đầu tư bài bản hay chiến lược phát triển lâu dài của ban lãnh đạo. Và ai mà biết được, khi một vài cái tên trong nhóm trụ cột như Salah, Alisson, Van Dijk rời đội, hoặc xuống phong độ hay là gặp chấn thương dài hạn, thì những màn sa sút phong độ thảm hại như mùa giải 2020 – 2021 hay 2022 – 2023 có tái diễn hay không?

Xét ở 2 phương diện trên, việc Trent Alexander-Arnold lựa chọn đầu quân cho Real Madrid để theo đuổi những khát vọng cá nhân, là điều hoàn toàn dễ hiểu và nên được cảm thông. Dẫu sao thì với tư cách một đứa con cưng của đội bóng, anh đã giúp Liverpool gặt hái mọi danh hiệu cao quý. Mối tình này, nếu có điều gì đó để tiếc nuối, thì chỉ là việc họ không thể gắn bó cùng nhau đến cuối hành trình mà thôi.

Và nếu đem Steven Gerrard ra để làm thước đo về sự trung thành, thì có lẽ có một điều mà người Liverpool cần nhớ lại, rằng để giữ chân Gerrard, đội bóng cũng đã phải chi ra số tiền lương kỷ lục 110.000 bảng/tuần vào năm 2005. Thậm chí, nếu Liverpool không may mắn đăng quang Champions League mùa giải 2004 – 2005, thì Steven khi ấy, cũng đã sẵn sàng gật đầu để gia nhập Chelsea.

Steven Gerrard trong quá khứ từng suýt rời Liverpool. Ảnh: Internet
Steven Gerrard trong quá khứ từng suýt rời Liverpool. Ảnh: Internet

Một trường hợp tương tự là Francesco Totti, người luôn nổi tiếng với giai thoại “từ chối Real Madrid để gắn bó với AS Roma”, liệu bạn đã từng nghe qua “một nửa sự thật” còn lại của câu chuyện, rằng chính Totti là người đã quậy đục nước để được Roma mở cửa chuyển nhượng đến Real Madrid, tuy nhiên sau đó, thương vụ này đã đổ bể, khi Hoàng tử thành Rome bị các băng đảng Mafia Ý đe dọa tính mạng và buộc phải ở lại?

Hay nói về những trường hợp như của Paul Scholes, Ryan Giggs, Javier Zanetti, Paolo Maldini… Không ai có quyền nghi ngờ họ về lòng trung thành và tình yêu với đội bóng. Nhưng hãy thử hỏi rằng, nếu các đội bóng mà những ngôi sao này khoác áo không phải là Man United, Inter Milan hay AC Milan – Những tên tuổi vĩ đại của bóng đá châu Âu, thì liệu họ có sẵn sàng gắn bó trọn đời trong chiếc áo đấu của câu lạc bộ hay không?

Một vài trường hợp có thể coi là nằm ngoài logic lý trí, như Buffon hay Del Piero – Những cầu thủ sẵn sàng cùng Juventus xuống chơi tại Series B khi đội bóng này bị giáng đòn trừng phạt sau bê bối Calciopoli, có thể coi là những nhân chứng hiếm hoi của lòng chung thủy, tình yêu vô điều kiện với đội bóng của họ, nhưng đó có lẽ cũng là những trường hợp hi hữu, hiếm có khó tìm trong thế giới bóng đá.

Tựu chung lại, túc cầu, nói sao chăng nữa, cũng chỉ là một cuộc chơi, nơi tham vọng, kim tiền và giấc mộng tỏa sáng luôn là khát khao đích thực của mọi cầu thủ. Nếu Liverpool không thể giữ chân Trent Alexander-Arnold, thì họ cũng chỉ biết tự trách mình, khi đã không thể hiện đủ tiềm lực tài chính và tham vọng, để chứng minh rằng đứa con cưng của họ có thể đạt được mọi ước muốn, khát khao trong màu áo này mà thôi.