Trong những trang sử huyền thoại của bóng đá thế giới, có không ít những đội bóng gắn liền với biểu tượng chiến thắng, nhưng không phải đội bóng nào cũng trở thành một khái niệm đặc biệt biểu trưng cho cả một hệ tư tưởng, triết lý bóng đá có tầm ảnh hưởng tới cả lịch sử của bộ môn thể thao này. Và nếu có một CLB nào đó được tạc khắc như một biểu tượng thuần khiết nhất của cái đẹp, sự sáng tạo và khát vọng cống hiến nghệ thuật trong làng túc cầu, thì cái tên đó, không ai khác, chính là Barcelona.
Từ sân cỏ Camp Nou đến những con phố Catalonia, bóng đá nơi đây không chỉ là một môn thể thao. Nó là văn hóa, là chính trị, là hơi thở và linh hồn của cả một sắc tộc. Và đó là khi những cuộc chơi trên sân cỏ, đối với tất cả những cầu thủ từng khoác lên mình sắc áo đỏ – lam, đều không còn ý nghĩa đơn thuần của một trận bóng nữa, mà đã trở thành cuộc chiến bảo tồn và phát huy bản sắc của xứ sở.

Bóng đá Tây Ban Nha cũng phức tạp và mang nặng tư tưởng thù địch y như cơ cấu chính trị của quốc gia này. Trong vô vàn những cuộc tranh đấu không mùi thuốc súng, bóng đá trở thành mặt trận cho những làn sóng xung đột văn hóa sâu sắc giữa những xứ tự trị, hay những tỉnh lỵ đối lập nhau. Barcelona thậm chí đã từng công khai muốn rời bỏ La Liga để gia nhập Ligue 1, như một nước cờ chuẩn bị cho cuộc ly khai của xứ Catalonia.
Dẫu vậy, những câu chuyện sâu xa và dễ khiến người ta đau đầu ấy, cũng không xóa nhòa được một định lý rằng: Sau tất cả, xét trên khía cạnh bóng đá thuần túy, Barcelona còn 1 tầng ý nghĩa đặc biệt hơn – Đó là thánh địa của bóng đá tấn công, thánh địa của những nghệ sĩ sân cỏ.
FC Barcelona ra đời năm 1899, được sáng lập bởi Joan Gamper và một nhóm cầu thủ đa quốc tịch với lý tưởng xây dựng một CLB không chỉ đại diện cho thể thao mà còn là biểu tượng văn hóa của xứ Catalonia. Câu khẩu hiệu “Mes que un club” (Hơn cả một CLB) ra đời từ chính tinh thần ấy: Barca không đơn thuần là một đội bóng, mà còn là niềm tự hào dân tộc, là tiếng nói chống lại sự áp bức chính trị, đặc biệt trong những năm đen tối dưới chế độ độc tài Franco.
Chính hoàn cảnh lịch sử đó đã góp phần hình thành nên bản sắc của Barcelona: một CLB đấu tranh, kiêu hãnh và luôn hướng đến cái đẹp. Tại sao lại nói như vậy? Bởi trong bối cảnh thế kỷ 20, khi bóng đá bị chi phối hoàn toàn bởi chính trị, thì không chỉ riêng Real Madrid, mà tất cả các câu lạc bộ sở hữu tiền tố “Real” trong tên gọi, đều nhận được một sự ưu ái nhất định, khi đối đầu với những câu lạc bộ địa phương khác.
Barca hay Bilbao cũng không phải ngoại lệ. Và nếu như Athletic Bilbao lựa chọn việc chỉ sử dụng cầu thủ có xuất thân từ quê nhà của đội bóng – Xứ Bastque, Bóng đá đối với họ không chỉ là tỷ số mà là cách chơi. Và họ chọn tấn công như một sứ mệnh.
Barcelona không đơn thuần là một đội bóng chơi tấn công, họ là hiện thân của một triết lý: bóng đá phải gắn với thẩm mỹ, bóng đá là nghệ thuật sống. Trong thời đại mà phần lớn các đội bóng ưu tiên sự thực dụng, Barca vẫn kiên định giữ vững bản sắc của mình, như một người nghệ sĩ không bao giờ đổi phong cách dù bị thời cuộc cuốn đi.
Tấn công với Barcelona không đơn giản là đưa bóng vào lưới đối phương. Đó là sự kiểm soát, là nhịp điệu, là câu chuyện kể bằng đường chuyền ảo ma không tuân theo logic thông thường. Họ là đội bóng sẵn sàng triển khai tới 125 đường chuyền qua lại, chỉ để tìm một khoảnh khắc hoàn hảo, để tạo ra một đường cắt ngang vào không gian nhỏ nhất, phá vỡ kết cấu chặt chẽ nhất. Lối chơi ấy đòi hỏi sự đồng điệu tuyệt đối từ trí tuệ, cảm xúc đến trực giác và nhịp đập trái tim của mỗi cầu thủ.
Mỗi thời kỳ thành công của Barca đều xoay quanh triết lý bóng đá duy mỹ: từ Johan Cruyff – người đầu tiên thổi vào Barca tinh thần bóng đá tổng lực, đến Pep Guardiola, người biến tiki-taka thành thứ ngôn ngữ chiến thuật tri phối cả một kỷ nguyên bóng đá, cho đến những ngôi sao lừng lẫy như Maradona, Rimario, Rivaldo, Ronaldinho, Lionel Messi, và hiện tại là những Raphinha, Lamine Yamal…

Trong những năm tháng rực rỡ ấy, người ta không chỉ đến Camp Nou để xem Barca chiến thắng, mà để chiêm ngưỡng cách họ chiến thắng. Bằng sự hào hoa của Ronaldinho, bằng ma thuật của Messi, bằng sự nhịp nhàng và ăn khớp đến mức siêu thực của Xavi và Iniesta, Barca biến sân cỏ thành một sân khấu, nơi mỗi trận đấu là một vở ballet được dàn dựng tỉ mỉ.
Tượng đài của bóng đá tấn công không chỉ xây bằng danh hiệu, mà bằng cách đội bóng ấy khắc sâu vào tâm trí người hâm mộ. Barcelona đã làm được điều đó – khiến cả thế giới nhớ về họ không chỉ vì chiến thắng, mà vì họ đã dạy cho cả thế giới biết yêu bóng đá theo một cách rất khác: một cách đầy thẩm mỹ, tinh tế và không khoan nhượng với sự tầm thường.
Và khi nhắc đến thứ bóng đá đẹp mà câu lạc bộ xứ Catalonia theo đuổi, thì chắc chắn không thể bỏ qua một cái tên: Johan Cruyff. Thánh Johan không chỉ là một HLV, ông là kiến trúc sư của một triết lý bóng đá mang tính cách mạng, mà sau này đã trở thành kim chỉ nam cho đường lối phát triển của Barcelona trong hơn nửa thế kỷ.
Cruyff không phải người khai sinh ra bóng đá tổng lực. Người thầy của ông – Huấn luyện viên vĩ đại Rinus Michels mới là tác giả của trường phái này. Nhưng chính Johan Cruyff, mới là người đưa nó bước lên đỉnh cao của nghệ thuật kỹ – chiến thuật.
Khi trở lại Camp Nou vào cuối thập niên 80 trên cương vị HLV, Cruyff đã đưa triết lý bóng đá tổng lực của người Hà Lan vào hệ thống thi đấu của Barca, xây dựng đội hình “Dream Team” đầu tiên và đặt nền móng cho La Masia – học viện đào tạo trẻ dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về kiểm soát bóng và di chuyển chiến thuật.
Cruyff quan niệm: “Chơi bóng là công việc rất đơn giản, nhưng chơi bóng đơn giản thì lại vô cùng khó” Từ tư tưởng đó, ông đặt ra một phong cách: kiểm soát bóng để kiểm soát trận đấu, chiếm lĩnh không gian bằng sự linh hoạt thay vì sức mạnh cơ bắp. Những cầu thủ như Guardiola, Laudrup, Stoichkov, Bakero trở thành những viên gạch đầu tiên cho tòa tháp tư duy chiến thuật hiện đại của Barca.
Hai thập kỷ sau, Pep Guardiola, người học trò cưng của Cruyff không chỉ kế thừa mà còn nâng tầm triết lý đó thành một biểu tượng toàn cầu. Dưới thời Pep, tiki-taka không chỉ là chiến thuật mà là triết lý sống. Đội hình với Xavi, Iniesta, Busquets và Messi chơi như những nhạc công với cây đàn là trái bóng, điều khiển nhịp độ, tạo nên những chuỗi phối hợp hàng trăm đường chuyền, kéo giãn đội hình đối phương đến cực hạn.

Barca giai đoạn 2008–2012 không chỉ giành 14 danh hiệu lớn nhỏ, mà còn làm thay đổi cả cách người ta tiếp cận bóng đá. Các đội bóng khắp thế giới tìm cách bắt chước hoặc chống lại tiki-taka, từ đó tạo ra những cuộc cách mạng chiến thuật mới. Nhưng trong tâm thức người hâm mộ, không đội bóng nào có thể chơi tiki-taka “chuẩn” như Barca, vì họ không chỉ học cách đá, mà thấm nhuần cả triết lý sống phía sau từng pha bóng.
Lối chơi ấy không chỉ đòi hỏi sự thông minh, mà còn cần lòng can đảm bởi nó dễ bị tổn thương nếu thiếu sự chính xác tuyệt đối. Nhưng cũng chính vì thế, tiki-taka mang vẻ đẹp mong manh, thuần khiết và khó sao chép. Nó là biểu hiện cao nhất của bóng đá vị nghệ thuật, nơi chiến thắng là hệ quả, chứ không phải mục tiêu duy nhất.
Nếu Cruyff gieo hạt và Guardiola vun trồng, thì Lionel Messi chính là đóa hoa nở rực rỡ nhất trong vườn địa đàng Camp Nou. Từ cậu bé bị thiếu hormone tăng trưởng đến người ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử CLB, Messi là hiện thân của bóng đá vị nghệ thuật. Những pha đi bóng như múa ballet, những cú sút cong vào góc xa, những đường kiến tạo tưởng chừng không ai thấy tất cả tạo nên một biểu tượng vượt lên trên cả sân cỏ.
Messi không đơn độc. Sánh bước cùng anh trong ngôi đền của những nghệ sĩ huyền thoại là Ronaldinho, người gieo nụ cười lên môi các CĐV bằng những pha xử lý siêu thực. Có Samuel Eto’o, kẻ săn bàn lạnh lùng. Có Henry, Ibrahimovic, Neymar, Luis Suarez… mỗi người một cá tính, nhưng khi khoác lên mình chiếc áo sọc đỏ xanh, họ đều hòa mình vào triết lý chung: bóng đá phải đẹp, phải dâng hiến.
Và dĩ nhiên, trên hành trình xây dựng và bảo tồn triết lý ấy, người ta cũng đã không ít lần chứng kiến thứ bóng đá đẹp mắt của Barca phải hứng chịu những thất bại ê chề, nếu không muốn nói là nhục nhã. Tại Chung kết Champions League 1994, Dream Team của Thánh Johan thảm bại 0-4 trước AC Milan của Fabio Capello, trong một trận đấu mà hàng công siêu đẳng của Barca hoàn toàn bất lực trước đội hình thi đấu kỷ luật, thực dụng của đội bóng nước Ý.

Thất bại ấy không chỉ là một cái tát vào niềm tự hào của Johan Cruyff, về thứ sức mạnh mà ông luôn tôn thờ. Nó còn là bản cáo chung cho một triều đại, khi mà kể từ đó trở về sau, Barcelona đã không còn lọt vào bất kỳ trận Chung kết C1 nào, cho tới tận năm 2006.
Đến triều đại của Pep Guardiola – Thời kỳ mà Barcelona của vị huấn luyện viên này luôn được xưng tụng là câu lạc bộ mạnh nhất lịch sử, họ cũng từng phải đón nhận thất bại ê chề trước Inter Milan của Jose Mourinho tại Bán kết Champions League mùa 2009 – 2010, và Chelsea của Roberto Di Matteo tại Bán kết cúp châu Âu mùa 2011 – 2012. Điểm chung của những thất bại này là gì? Có thể bạn sẽ dễ dàng nhận ra, đó là việc những đội bóng từng đánh bại Barcelona trên đỉnh cao phong độ, đều là những câu lạc bộ được dẫn dắt bởi các huấn luyện viên theo trường phái thực dụng, ưa chuộng việc phòng ngự hơn là kiểm soát bóng và tấn công.
Chính điều đó đã đặt ra một nghi vấn về việc liệu thứ bóng đá mà Barcelona tôn thờ đã hết thời? Hoặc liệu họ có sai lầm khi luôn đặt tính thẩm mỹ lên trên sự hiệu quả? Ưu tiên sự thỏa mãn cảm xúc hơn là giới hạn lý trí?
Đây là những câu hỏi mà thậm chí tới 100 năm sau, chúng ta cũng chưa chắc có được lời giải xác đáng. Chỉ biết rằng, ở thời điểm hiện tại, với sự hiện diện của Hansi Flick, và trước đó là Xavi Hernandez trên băng ghế huấn luyện, Barcelona lại đang từng bước trở lại với đỉnh cao vinh quang, sau những năm tháng khủng hoảng kể từ khi chia tay Lionel Messi.
Hansi Flick – Kẻ đã trực tiếp dìm “tiki taka” xuống bùn lầy nhục nhã, bằng chiến thắng 8-2 trước đội bóng này dưới cương vị huấn luyện viên trưởng Bayern Munich, giờ đây lại đang tự tay biến Barca thành cỗ máy hủy diệt châu Âu. Messi, Xavi, Iniesta đã rời đi. “Bóng đá tổng lực” đã trở thành triết lý lỗi thời, Tiki taka cũng chỉ còn hiện diện trong những câu chuyện kể. Chỉ có duy nhất một thứ vẫn tồn tại ở Barcelona, đó là sự chấp niệm với bóng đá tấn công. Bất chấp những thất bại ê chề, người Barcelona vẫn kiên định với con đường mà họ lựa chọn, tấn công, tấn công và tấn công.
Flick đến mang theo tinh thần kỷ luật thép và cá tính rực lửa của người Đức, kết hợp cùng những đôi chân ma thuật của những ngôi sao tại Nou Camp, nâng tầm đẳng cấp của những đứa trẻ lò La Masia. Hơn ai hết, có lẽ Flick lại là người hiểu rõ chấp niệm của người Barca về bóng đá đẹp nhất, và ông lại càng hiểu rõ rằng: Những thất bại trong quá khứ, rốt cuộc cũng chỉ là một phép thử, thách thức sự kiên định của những thế hệ cầu thủ Barcelona.

Bạn có bao giờ tự hỏi rằng, ngay cả trong những năm tháng khủng hoảng tồi tệ nhất, khi đội bóng này chẳng như mất đi huyền thoại Lionel Messi, mà còn chìm trong nợ nần và những bê bối tài chính, đối diện nguy cơ phá sản và bị xóa sổ, tại sao họ lại vẫn thu hút được những ngôi sao hàng đầu châu Âu cập bến Nou Camp hay không?
Tại sao Ilkay Gundogan – Trụ cột của Man City khi ấy, chấp nhận giảm lương để gia nhập Barca? Tại sao Dani Olmo thậm chí còn chẳng thèm nhận tiền hoa hồng, vẫn một mực quyết tâm khoác áo đội bóng này? Hay những Memphis Depay, Robert Lewandowski, Adama Traore, Joao Cancelo… vì sao vẫn chọn Barca dù biết chắc rằng đội bóng này không thể tìm lại ánh hào quang trong ngày một ngày hai, lại càng không thể đáp ứng được những đãi ngộ mà họ mong muốn?
Phải chăng chính thứ DNA bóng đá nghệ thuật thấm nhuần trong từng tấc đất tại Nou Camp, tình yêu vô bờ bến, vô điều kiện với bóng đá tấn công đẹp mắt, đã trở thành thứ mị lực khiến bất kỳ ngôi sao bóng đá nào cũng sẵn sàng chấp nhận vứt bỏ tất cả, hóa thân thành kẻ lữ hành can đảm, để tìm kiếm những thử thách mới ở vùng đất xứ Catalonia – Nơi mà giờ đây, vẫn còn được biết đến với tư cách: Thánh địa cuối cùng của bóng đá đẹp?
Leave a Reply