Hồ sơ Liverpool – Khi nhà vua thức giấc

Hồ sơ Liverpool - Khi nhà vua thức giấc

Vào những ngày cuối tháng 4 rực lửa của các sân cỏ châu Âu, đâu đó tại một thành phố cảng cổ kính rêu phong phía tây bắc nước Anh, người ta lại nghe thấp thoáng có một thanh âm đặc biệt, vang vọng không chỉ trên những bậc thềm của The Kop huyền thoại tại Anfield, mà còn trong trái tim của hàng triệu người trên khắp thế giới. “You’ll Never Walk Alone” – đó không đơn thuần là một bài thánh ca bóng đá, đó là linh hồn, là lời thề nguyện, là bản tuyên ngôn về sự gắn kết và tinh thần bất diệt của Liverpool. Nó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt một lịch sử đầy vinh quang, nhuốm màu bi kịch, khắc khoải chờ đợi và rồi, là màn giá lâm huy hoàng của một vị vua tưởng chừng đ ã bị chôn vùi bởi quá khứ bi thương.

Chỉ còn 3 điểm, tương đương với 1 chiến thắng nữa, Liverpool sẽ chính thức trở thành tân vương của bóng đá Anh. Chức vô địch quốc gia lần thứ 20, không chỉ đồng nghĩa với việc, Lữ Đoàn Đỏ đã chính thức cân bằng thành tích tại giải vô địch quốc nội với đại kình địch Manchester United, mà còn là cột mốc đánh dấu sự kiện đội bóng này chính thức quay trở lại với vị thế xưa cũ của mình: Câu lạc bộ vĩ đại nhất nước Anh.

Liverpool và chức vô địch Ngoại hạng Anh. Ảnh: Internet
Liverpool và chức vô địch Ngoại hạng Anh. Ảnh: Internet

Để thực sự hiểu về Liverpool, chúng ta không thể chỉ nhìn vào những chiếc cúp bạc lấp lánh. Phải cảm nhận được hơi thở của thành phố cảng Merseyside, phải lắng nghe tiếng vọng từ quá khứ hào hùng của Shankly, Paisley, phải thấu hiểu nỗi đau của Heysel, Hillsborough, phải đồng cảm với 30 năm dài đằng đẵng khát khao danh hiệu vô địch quốc gia, và phải hòa mình vào cuộc cách mạng đầy cảm xúc mà Jürgen Klopp đã tạo ra để đưa “nhà vua” trở lại ngai vàng. Hồ sơ về Liverpool là bản hùng ca về sự trỗi dậy, sụp đổ và hồi sinh – một hành trình mà ở đó, bước hành hương của những người mặc áo đỏ, chưa bao giờ cô độc.

Mọi đế chế vĩ đại đều có một người đặt nền móng. Với Liverpool, đó là Bill Shankly. Khi ông đến Anfield năm 1959, CLB đang ngụp lặn ở giải Hạng Hai. Nhưng với tầm nhìn, nhiệt huyết và khả năng truyền lửa phi thường, Shankly đã thổi một luồng sinh khí mới, biến Liverpool từ một đội bóng tầm thường thành một thế lực. “Mục tiêu của tôi là làm cho người dân hạnh phúc,” ông từng nói. Và ông đã làm được điều đó.

Shankly không chỉ xây dựng đội bóng, ông xây dựng cả một văn hóa. Ông tạo ra “The Boot Room” – nơi các chiến lược gia huyền thoại sau này được tôi luyện. Ông biến khán đài The Kop tại Anfield thành một bức tường âm thanh đáng sợ. Ông đặt nền móng cho lối chơi pressing mạnh mẽ, tinh thần chiến đấu không khoan nhượng. Quan trọng hơn cả, ông tạo ra sự kết nối máu thịt giữa đội bóng và người hâm mộ, gieo vào lòng họ niềm tin mãnh liệt vào một “pháo đài bất khả xâm phạm”. Những chức vô địch quốc gia, FA Cup và chiếc cúp UEFA đầu tiên chỉ là sự khởi đầu cho một đế chế đang thành hình – Một đế chế đỏ.

Nếu Shankly là người khai quốc, thì Bob Paisley và sau đó là Joe Fagan chính là những vị vua đưa Liverpool lên đỉnh cao thống trị tuyệt đối. Kế thừa và phát huy triết lý từ “The Boot Room”, Paisley đã biến Liverpool thành cỗ máy chiến thắng hủy diệt bậc nhất lịch sử. Giai đoạn cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 là kỷ nguyên vàng son không thể tranh cãi.

Ba chiếc Cúp C1 (tiền thân Champions League) trong vòng 5 năm (1977, 1978, 1981), cùng vô số danh hiệu quốc nội – Liverpool dưới thời Paisley là định nghĩa của sự thống trị. Họ không chỉ là vua của nước Anh, mà là vua của cả châu Âu. Với những huyền thoại như Kenny Dalglish, Graeme Souness, Ian Rush, Alan Hans3en trong đội hình, Liverpool khi đó mang một hào quang của sự bất khả chiến bại. Mỗi trận đấu dường như là một màn trình diễn sức mạnh, và chiến thắng là điều tất yếu. Joe Fagan tiếp nối thành công đó với cú ăn ba lịch sử năm 1984 (VĐQG, League Cup, Cúp C1), giúp ngai vàng của Liverpool trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.

Kenny Dalglish, từ vị thế huyền thoại sân cỏ bước lên làm HLV kiêm cầu thủ, tiếp tục duy trì mạch thành công với cú đúp quốc nội năm 1986. Nhưng rồi, bóng tối bắt đầu bao phủ lên vương triều màu đỏ, theo một cách không thể ngờ tới, thảm kịch và bi thương tới tột cùng.

Thảm họa Heysel năm 1985, nơi 39 người thiệt mạng trước trận chung kết Cúp C1 với Juventus, đã giáng một đòn mạnh vào danh tiếng CLB và dẫn đến lệnh cấm các CLB Anh tham dự cúp châu Âu trong nhiều năm. Đó là một vết sẹo không bao giờ lành, không chỉ với Liverpool, mà với cả nền bóng đá Anh. 

Lữ Đoàn Đỏ, từ niềm tự hào của bóng đá xứ sở sương mù, trở thành kẻ tội đồ kéo nền thể thao nước này thụt lùi phát triển hàng chục năm. Việc bị cấm tham dự cúp châu Âu khiến cả Liverpool lẫn các câu lạc bộ Anh không thể thu hút ngôi sao, và gần như trở thành khán giả trong cuộc đua “toàn cầu hóa” của bóng đá thế giới.

Nhưng những nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Bốn năm sau, thảm họa Hillsborough năm 1989 cướp đi sinh mạng của 97 cổ động viên Liverpool, con số thống kê chính thức được cập nhật vào năm 2021, khi Andrew Devine – Nạn nhân cuối cùng của thảm họa, qua đời sau 32 năm chống chọi với những tổn thương não không thể chữa trị. 

Thảm họa Hillsborough năm 1989 cướp đi sinh mạng của 97 cổ động viên Liverpool. Ảnh: Internet
Thảm họa Hillsborough năm 1989 cướp đi sinh mạng của 97 cổ động viên Liverpool. Ảnh: Internet

Đó không chỉ là mất mát về con người, mà còn là sự tổn thương sâu sắc về tinh thần, kéo theo cuộc đấu tranh đòi công lý kéo dài hàng thập kỷ, một cuộc chiến đã trở thành một phần bản sắc kiên cường của CLB và thành phố. Kenny Dalglish, người đã gánh vác nỗi đau cùng cộng đồng, cuối cùng cũng kiệt sức và rời đi. Triều đại thống trị kéo dài gần hai thập kỷ đã đi đến hồi kết trong bi thương. Ngai vàng bắt đầu lung lay.

Khi Ngoại hạng Anh ra đời năm 1992, Liverpool bước vào một kỷ nguyên mới với tư cách là đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh. Nhưng trớ trêu thay, chiếc cúp bạc danh giá nhất xứ sở sương mù lại cứ mãi lẩn tránh họ. Ba thập kỷ tiếp theo là một hành trình dài đằng đẵng của nỗi khát khao, của sự chờ đợi đến khắc khoải.

Những HLV đến rồi đi – Souness, Roy Evans, Gerard Houllier, Rafael Benítez, Roy Hodgson, Brendan Rodgers – mang theo những hy vọng rồi lại thất vọng. Người hâm mộ The Reds đôi khi vẫn có dịp được ăn mừng với những điểm sáng huy hoàng: cú ăn ba cúp năm 2001 của Houllier, và đặc biệt là đêm Istanbul huyền diệu năm 2005. Bị AC Milan dẫn 3-0 sau hiệp một trận chung kết Champions League, Liverpool đã tạo nên cuộc lội ngược dòng vĩ đại nhất lịch sử giải đấu dưới sự dẫn dắt của người đội trưởng quả cảm Steven Gerrard. Đó là minh chứng cho tinh thần Liverpool không bao giờ chết, một khoảnh khắc nhắc nhở thế giới về dòng máu hoàng gia vẫn chảy trong huyết quản CLB.

Nhưng Istanbul, hay những lần về nhì đầy tiếc nuối ở Ngoại hạng Anh (đặc biệt là mùa 2008/09 và 2013/14), không thể che lấp sự thật rằng Liverpool đã đánh mất vị thế thống trị của mình. Ngai vàng vô địch quốc gia vẫn là nỗi ám ảnh. Những ngôi sao như Fowler, Owen, Gerrard, Torres, Suarez đến rồi đi, để lại những khoảnh khắc thiên tài nhưng không đủ để đưa CLB trở lại đỉnh cao một cách bền vững. Sự chờ đợi kéo dài, nỗi đau như cứa sâu thêm vào tim các Kopites sau mỗi mùa giải.

Tháng 10 năm 2015, Jurgen Klopp đến Anfield. Một HLV người Đức với nụ cười rạng rỡ, phong cách máu lửa và triết lý bóng đá “Gegenpressing” đầy năng lượng. Ông không hứa hẹn những danh hiệu ngay lập tức, nhưng ông hứa sẽ biến “những người nghi ngờ thành những người tin tưởng”. Và ông đã làm được điều đó, thậm chí còn hơn thế nữa.

Jurgen Klopp đến Liverpool và mở ra một chương mới trong lịch sử đội bóng. Ảnh: Internet
Jurgen Klopp đến Liverpool và mở ra một chương mới trong lịch sử đội bóng. Ảnh: Internet

Jurgen Klopp, một kẻ xa lạ tới từ nước Đức, đã làm một việc mà không một vị chiến lược gia nào dám làm: Chỉ trích cổ động viên Liverpool, nghi ngờ và phán xét về thứ tình yêu vĩnh cửu dành cho đội bóng của họ. Sau một trận đấu bạc nhược của các cầu thủ ở Ngoại hạng Anh ở mùa giải 2015 – 2016, Klopp chứng kiến các cổ động viên trên khán đài The Kop lũ lượt bỏ về sớm, khi hồi còi mãn cuộc vẫn còn tới 10 phút nữa mới cất lên.

Ông ngay lập tức bày tỏ sự thất vọng trên truyền thông: “Các cầu thủ là người chịu trách nhiệm về màn trình diễn và kết quả tệ hại trên sân. Nhưng hãy thử tưởng tượng việc họ đang thi đấu và chứng kiến các cổ động viên bỏ về hết khi ngước lên khán đài, đó mới chính là thứ khiến họ sụp đổ. Tôi không nghĩ rằng mình lại phải chứng kiến cảnh tượng đó tại một đội bóng như Liverpool. Chúng tôi cần các cổ động viên, nhưng nếu họ không cần chúng tôi nữa thì đành vậy.”

Các bạn hãy thử đoán xem điều gì đã xảy ra với Klopp và các cầu thủ Liverpool sau đó? Không một lời chỉ trích, không một sự phản bác. Nhóm Hooligan Liverpool khét tiếng vì sự côn đồ, cuồng loạn và vô tổ chức, không đưa ra bất kỳ phản hồi nào. Đổi lại, ở trận đấu kế tiếp, khi Liverpool vẫn không thể dành chiến thắng, và chỉ có được một kết quả hòa 2-2 chật vật trước đối thủ yếu hơn là West Brom, không một cổ động viên Liverpool nào bỏ về sớm nữa.

Họ ở lại, tiếp nối những khúc hòa ca vang vọng trên khán đài The Kop. Jurgen Klopp có thể đã chỉ trích họ một cách gay gắt, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông ấy đã đúng. Người Liverpool không thể bỏ rơi đội bóng, bỏ rơi các cầu thủ của họ. Họ sẽ lại đứng trên các khán đài, cất vang bài hát truyền thống của câu lạc bộ, như cái cách mà thế hệ cha ông của họ đã làm, bất chấp đội bóng có sa sút, khủng hoảng và tồi tệ đến đâu. Klopp kêu gọi, Anfield đáp lời, Klopp thổi bùng ngọn lửa huyên náo, và bức tường thanh âm trên 4 mặt khán đài Anfield lại một lần nữa bùng lên những khúc nhạc tự hào.

Klopp không chỉ là một HLV, ông là một biểu tượng, một nguồn cảm hứng. Ông tái tạo lại năng lượng cho Anfield, xây dựng lại đội hình một cách khôn ngoan với những bản hợp đồng chiến lược (Mane, Salah, Firmino, Van Dijk, Alisson, Fabinho…), và thổi vào các cầu thủ một niềm tin mãnh liệt. Thứ bóng đá “heavy metal” của ông cuốn hút, cuồng nhiệt và đầy hiệu quả.

Hành trình trở lại bắt đầu bằng những thất bại đau đớn ở các trận chung kết (Europa League 2016, Champions League 2018), nhưng chính những thất bại đó càng tôi luyện bản lĩnh cho Lữ Đoàn Đỏ. Để rồi, vinh quang đã thực sự trở lại. Chức vô địch Champions League thứ 6 vào năm 2019 là lời khẳng định đanh thép: Ngọn cờ đầu của Ngoại hạng Anh đã chính thức trở lại.

Nhưng đỉnh cao cảm xúc, khoảnh khắc mà mọi Kopite chờ đợi suốt 30 năm, chính là chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 2019-2020. Giọt nước mắt của Klopp, của các cầu thủ, của hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới trong đêm đăng quang đã nói lên tất cả. Sự chờ đợi kết thúc. Gánh nặng lịch sử được trút bỏ. Nhà vua đã thực sự trở về ngai vàng nước Anh. Klopp không chỉ mang về danh hiệu, ông đã phục hồi niềm tự hào, khôi phục bản sắc và đưa Liverpool trở lại vị thế vốn có. Ngày ông rời đi vào mùa hè 2024, là một cuộc chia tay đầy cảm xúc, khép lại một chương vàng son rực rỡ.

Liverpool đăng quang Ngoại hạng Anh mùa giải 2019-2020. Ảnh: Internet
Liverpool đăng quang Ngoại hạng Anh mùa giải 2019-2020. Ảnh: Internet

Mùa giải 2024 – 2025 đánh dấu một chương mới tại Anfield với sự xuất hiện của HLV Arne Slot, người kế nhiệm di sản khổng lồ của Klopp. Áp lực là cực lớn. Câu hỏi đặt ra: Liệu sự trở lại của nhà vua dưới thời Klopp có phải là một kỷ nguyên bền vững, hay chỉ là một chương huy hoàng đơn lẻ?

Tính đến tháng 4 năm 2025, Liverpool dưới thời Slot đã đạt được những thành tựu mà ngay cả những cổ động viên lạc quan nhất của đội bóng cũng không dám nghĩ tới. Họ chỉ còn cách chức vô địch quốc gia lần thứ 20 đúng 1 chiến thắng nữa. 

Đội bóng đang trong giai đoạn chuyển giao, kết hợp giữa những trụ cột còn sót lại từ thời Klopp với những nhân tố mới và triết lý của Slot. Việc duy trì được cường độ, bản sắc và sự hiệu quả như thời Klopp là một thách thức không hề nhỏ. Nhưng Slot đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người thừa kế Jurgen Klopp, khi ông dẫn dắt đội bóng trải qua một mùa giải thành công ngoài mong đợi, với chức vô địch quốc gia chỉ còn đếm ngược ngày cập bến Anfield. 

Nhiều ý kiến cho rằng, với người Liverpool, vô đich Ngoại hạng Anh còn ý nghĩa hơn cả việc đăng quang Champions League. Và lý giải về quan niệm này, người ta chỉ có thể hiểu một cách trừu tượng, rằng Liverpool không chỉ là một câu lạc bộ bóng đá. Đó là một câu chuyện về sự vươn lên từ khó khăn, về đỉnh cao danh vọng, về bi kịch và mất mát, về sự chờ đợi tưởng chừng vô vọng và rồi là sự trở lại đầy ngoạn mục. Hành trình của họ là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần tập thể, của sự kiên cường và lòng trung thành vô bờ bến giữa đội bóng và người hâm mộ.

“You’ll Never Walk Alone” không chỉ là một khúc đồng ca, đó là lời thệ ước, là kim chỉ nam đã dẫn dắt Liverpool vượt qua những giai đoạn tăm tối nhất. Cuộc tái lâm vương quyền dưới thời Jurgen Klopp là một trong những câu chuyện truyền cảm hứng vĩ đại nhất của thể thao hiện đại. Giờ đây, dưới một triều đại mới, thử thách lại tiếp diễn. Nhưng dù thế nào đi nữa, với di sản hào hùng, với Anfield luôn rực lửa và với bài thánh ca bất hủ trên môi, Liverpool sẽ luôn bước tiếp, không bao giờ đơn độc, trên hành trình khẳng định vị thế hoàng gia của mình. Ngai vàng có thể tạm thời đổi chủ, nhưng khát vọng và tinh thần của nhà vua thì luôn còn mãi.