Hồ sơ Man United – Kẻ lấy đi tâm trí hàng vạn CĐV của làng túc cầu

Hồ sơ Man United - Kẻ lấy đi tâm trí hàng vạn CĐV của làng túc cầu

“Kiếp trước tôi đã làm nên tội tình gì, mà kiếp này lại trót yêu đội bóng quái quỷ này cơ chứ?” – Một câu hỏi chắc hẳn là tiếng lòng chung của hàng triệu con tim người hâm mộ Manchester United. Mà quả thật, chúng ta đã làm gì đến nông nỗi phải yêu mến một đội bóng cách xa nửa vòng trái đất, trình diễn thứ bóng đá méo mó không ra hình hài, và vẫn chưa đủ điểm để chắc chắn trụ hạng cơ chứ?

Ấy thế nhưng, chí ít, trong thế giới bóng đá, mọi câu hỏi đều sẽ có thể tìm được lời giải đáp, với đối với những cổ động viên đã trót trao tình yêu ngang trái cho cái đội bóng có tên Man United ấy, câu trả lời có lẽ đã luôn ở trong thâm tâm họ.

Man United đã trải qua 145 năm lịch sử. Ảnh: Internet
Man United đã trải qua 145 năm lịch sử. Ảnh: Internet

Man United không phải đội bóng mạnh nhất, càng không phải cái tên vĩ đại nhất. Nhưng họ lại là câu lạc bộ đặc biệt nhất. MU không sống giữa lằn ranh của yêu và ghét, họ là đội bóng dung hòa cả hai thứ cảm xúc trái ngược đó. Nhiều người có thể căm thù đội bóng này, và là anti nhiệt thành nhất của nửa đỏ thành Manchester, nhưng lại luôn phải dành một sự trân trọng cho lịch sử đau thương và bi hùng của nó. 

Trong thế giới bóng đá đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt, có một cái tên luôn giữ vị thế độc tôn trong trái tim người hâm mộ toàn cầu: Manchester United. Không chỉ là một đội bóng, Man United là biểu tượng văn hóa, là niềm tin, là thanh âm vang vọng của cả một kỷ nguyên bóng đá chuyển mình. Hành trình của “Quỷ đỏ thành Manchester” trải dài hơn 145 năm lịch sử, khắc họa nên một bản anh hùng ca độc nhất, nơi chiến thắng không phải là điểm đến duy nhất, mà là cách vượt qua nghịch cảnh để tạo nên huyền thoại.

Từ Newton Heath đến Man United – Những bước chân đầu tiên

Manchester United ra đời năm 1878 với cái tên Newton Heath LYR Football Club, do những công nhân ngành đường sắt thành lập. Họ đá bóng để gây quỹ cho công đoàn và kết nối cộng đồng, một khởi nguồn mộc mạc nhưng mang đậm tinh thần lao động. Tuy nhiên, những năm đầu thế kỷ 20, CLB lâm vào khủng hoảng tài chính và đứng trên bờ vực giải thể.

John Henry Davies – một nhà tài trợ giàu lòng nhân ái – đã cứu lấy CLB năm 1902, đổi tên thành Manchester United và truyền vào đó một khát vọng vươn lên. Mùa giải 1907-1908, họ giành chức vô địch First Division lần đầu tiên, báo hiệu sự trỗi dậy mạnh mẽ. Đến năm 1910, sân Old Trafford được khánh thành với biệt danh “Nhà hát của những giấc mơ” – không chỉ vì kiến trúc hiện đại mà vì nơi đây nuôi dưỡng giấc mơ chinh phục của hàng triệu người hâm mộ.

Thập kỷ đen tối và thảm họa Munich 1958

Dưới sự dẫn dắt của Sir Matt Busby từ năm 1945, Man United trở thành CLB đầu tiên ở Anh đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ, tạo nên thế hệ “Busby Babes” đầy tài năng như Duncan Edwards, Tommy Taylor, Eddie Colman. Họ giành hai chức vô địch Anh (1956, 1957) khi độ tuổi trung bình chưa đầy 22.

Tuy nhiên, ngày 6/2/1958, bi kịch ập đến tại sân bay Munich khi chiếc máy bay chở đội bóng rơi trong lúc cất cánh lần ba. 23 người tử nạn, trong đó có 8 cầu thủ chủ chốt. Duncan Edwards – người được xem là thiên tài vượt cả Bobby Charlton ra đi ở tuổi 21. Cả thế giới bàng hoàng trước một trong những thảm họa hàng không nặng nề nhất lịch sử, và là tai nạn thảm khốc nhất mà làng bóng đá từng chứng kiến, sau sự kiện Superga – Thảm họa tai nạn máy bay kinh hoàng năm 1949, đã tước đi mạng sống của toàn bộ lứa cầu thủ thuộc “Thế hệ vàng” của câu lạc bộ Torino.

Thảm họa Munich 1958 hằn sâu trong lịch sử của Man United. Ảnh: Internet
Thảm họa Munich 1958 hằn sâu trong lịch sử của Man United. Ảnh: Internet

Trong những năm tháng ấy, nhìn vào Manchester United, người ta không chỉ thấy hình ảnh của một đội bóng quật cường và kiên định, mà còn chứng kiến ở Old Trafford, những hình ảnh tuyệt mỹ và nhân văn của bóng đá: Real Madrid, đội bóng số 1 châu Âu, trực tiếp đề nghị cho Man United mượn một số cầu thủ để thi đấu phần còn lại của mùa giải, đồng thời tổ chức hàng loạt trận giao hữu, và trao phần lớn doanh thu từ các trận đấu này cho Ban lãnh đạo Quỷ đỏ, như một cách để giúp họ tái xây dựng đội bóng.

Liverpool – Kẻ tử thù đến từ thành phố láng giềng cũng chẳng mấy thân thiện, cũng bất ngờ đưa ra lời đề nghị cho Man United mượn cầu thủ. Theo những nguồn tin bên lề, Ban lãnh đạo The Kop còn chủ động đề nghị chi trả toàn bộ số tiền lương của những cầu thủ mà họ cho Man United mượn. 

Trong thời khắc của mất mát và đau thương, không còn chỗ cho lòng thù hận và ghét bỏ, triệu con tim yêu bóng đá khi ấy đã hòa chung nhịp đập với người Man United, chảy chung dòng nước mắt với người thân của những cầu thủ xấu số. 

Sir Matt là một số ít nạn nhân sống sót sau tai nạn. Dù đang trong cơn đau đớn và suy sụp, ông vẫn gây bất ngờ khi tuyên bố: “Tôi sẽ xây dựng lại đội bóng này từ tro tàn.” Thậm chí, người đàn ông này còn khiến tất cả tưởng rằng mình đã mất trí, khi ngay trong những ngày tang tóc ấy, ông đã lập ra một lời thệ ước: Muộn nhất là 10 năm sau, Manchester United sẽ là nhà vô địch châu Âu.

Nhưng rồi, điều không tưởng ấy đã trở thành hiện thực. Năm 1968, Manchester United giành cúp C1 châu Âu sau khi đánh bại Benfica 4-1 tại Wembley. Với Bobby Charlton, George Best và Denis Law – ba huyền thoại vĩ đại, nhưng cũng là những người đàn ông bất hạnh khi phải nếm trải nỗi ám ảnh của “những người sống sót” sau thảm họa Munich, Busby hoàn tất hành trình tái sinh từ đổ nát. Đó là chức vô địch mang ý nghĩa lịch sử và cảm xúc lớn bậc nhất trong làng túc cầu.

Bởi nó không đơn thuần chỉ là một danh hiệu, mà là món quà từ thiên đường của một thế hệ tuổi trẻ rực rỡ, mà bản hùng ca vang vọng của một đội bóng vươn lên từ tàn dư vĩnh cửu của đau thương và mất mát.

Sir Alex Ferguson – Người xây dựng đế chế bất tử

Năm 1986, khi bóng đá Anh tụt dốc không phanh sau hàng loạt án phạt từ UEFA, Man United cũng bước vào thời kỳ thoái trào và thường xuyên ngụp lặn ở giữa bảng xếp hạng, Sir Alex Ferguson được bổ nhiệm vào ghế Huấn luyện viên trưởng. 

Sir Alex Ferguson mở ra một kỷ nguyên thành công rực rỡ của Man United. Ảnh: Internet
Sir Alex Ferguson mở ra một kỷ nguyên thành công rực rỡ của Man United. Ảnh: Internet

Khi quý ngài Máy sấy tóc lần đầu đặt chân lên thảm cỏ Old Trafford tháng 11 năm 1986, Manchester United đang là một tượng đài phủ bụi danh tiếng lớn nhưng thành tích nghèo nàn. Đội bóng giàu truyền thống của nước Anh đã trải qua 19 năm không vô địch quốc nội. Vị HLV người Scotland, với giọng nói cương quyết và ánh mắt lạnh lùng, đến với một sứ mệnh tưởng chừng bất khả: khôi phục đế chế.

Những năm đầu nhiệm kỳ của ông là chuỗi ngày đầy giông bão, tới nỗi đã từng có thời điểm, trát sa thải chỉ còn cách Sir Alex Ferguson đúng một trận thua nữa. Chỉ một kết quả tệ trước Nottingham Forest ở FA Cup năm 1990 nữa thôi, ông sẽ phải cuốn gói khỏi Manchester. Nhưng Mark Robins ghi bàn, Man United giành chiến thắng, và rồi cũng từ khoảnh khắc bước ngoặt ấy, nền móng của một triều đại rực rỡ nhất lịch sử bóng đá, đã từng bước thành hình.

Sir Alex không chỉ đơn thuần là một chiến lược gia. Ông là người gieo bản sắc, trồng văn hóa chiến đấu vào từng sợi DNA của cầu thủ. Dưới tay ông, những con người bình thường trở nên phi thường: từ Eric Cantona – nghệ sĩ điên rồ và dữ dội, đến Roy Keane thủ lĩnh gai góc, người đàn ông của máu và sắt; từ Ryan Giggs – cơn lốc đường biên ở cánh trái, David Beckham với những đường bóng ma thuật nơi cánh phải, cho đến Paul Scholes trầm lặng nhưng toàn năng.

Năm 1992, thế hệ vàng Class of 92 ra đời. Những Giggs, Beckham, Scholes, anh em nhà Neville – những cầu thủ lớn lên từ học viện được Ferguson tôi luyện không chỉ bằng chiến thuật, mà bằng bản lĩnh và tinh thần của người Manchester. Ông không xây dựng đội hình ngôi sao, ông tạo ra những con người biết chiến đấu vì huy hiệu trên ngực áo.

Ferguson không ngại làm mới chính mình. Mỗi thế hệ, ông đều tái thiết đội hình. Khi Cantona rời đi, ông có Yorke và Cole. Khi Beckham ra đi, ông tạo cơ hội cho Ronaldo và Rooney. Khi Van Nistelrooy rời sân, ông có Tevez và Berbatov. Sự thích nghi ấy giúp Man United không ngừng tiến hóa từ đội bóng phản công đến kiểm soát thế trận.

Cú ăn ba năm 1999 là đỉnh cao. Hai bàn thắng chỉ trong 103 giây bù giờ ở Camp Nou trước Bayern Munich không chỉ là một trận thắng, đó là định nghĩa cho tinh thần Quỷ đỏ: không bao giờ bỏ cuộc, kể cả khi đối mặt với định mệnh. Ferguson nói: “Bóng đá, đôi khi, là một trò chơi không công bằng. Nhưng tối nay, Chúa là người Manchester.”

Tổng cộng, Sir Alex đem về 38 danh hiệu trong 26 năm, một con số siêu thực trong bóng đá hiện đại. Khi ông giải nghệ năm 2013, cả thế giới bóng đá rúng động. Hàng triệu người hâm mộ khóc. Không ai chỉ nghĩ ông là HLV của Man United, ông là hiện thân của chính CLB ấy. Là linh hồn. Là ngọn lửa.

Di sản ông để lại không chỉ là phòng truyền thống đầy cúp, mà là một bản sắc: chơi bóng bằng trái tim, bằng khát vọng chiến đấu đến tận phút cuối. Với Sir Alex Ferguson, Manchester United không chỉ là đội bóng đó là lý tưởng, là niềm tin vào điều không thể.

Nhưng rồi, như một quy luật tất yếu của lịch sử, sự vĩ đại không thể đong đếm của Sir Alex cuối cùng lại là hồi chuông báo hiệu cho sự tàn lụi của Manchester United – Một Man United không còn bóng dáng người cha già vĩ đại của mình. Sau Sir Alex, chiếc ghế HLV trưởng như một chiếc ngai vàng đẫm áp lực. David Moyes chỉ trụ lại 10 tháng. Van Gaal, Mourinho, Solskjaer đều có thời điểm rực sáng nhưng không duy trì được bản lĩnh và bản sắc. Danh hiệu ít ỏi như FA Cup 2016, League Cup 2017, Europa League 2017 phần nào xoa dịu cơn khát nhưng không đủ tái hiện thời hoàng kim.

Sir Alex vẫn dõi theo MU nhưng ông chưa tìm được người "kế vị" xứng đáng. Ảnh: Internet
Sir Alex vẫn dõi theo MU nhưng ông chưa tìm được người “kế vị” xứng đáng. Ảnh: Internet

Sự xuất hiện của Erik ten Hag mang đến một mùa giải khởi sắc. Với phong cách kiểm soát bóng, pressing tầm cao và tư duy phát triển cầu thủ trẻ, ông giúp Man United vô địch League Cup 2023, đưa đội đến top 3 Premier League và vào chung kết FA Cup.  Nhưng rồi, thêm một lần nữa, những biến động từ ban lãnh đạo, thương vụ bán cổ phần cho Sir Jim Ratcliffe, cùng sức ép truyền thông, cũng như hệ lụy từ đường lối vận hành bóng đá sai lầm của các đời lãnh đạo trước, lại một lần nữa đẩy MU vào bờ vực lụn bại. 

Ten Hag ra đi trong ê chề, Ruben Amorim đến nhưng vẫn chưa cho thấy những cải thiện đáng kể. Man United, sau 12 năm kể từ lần cuối cùng đăng quang một danh hiệu cao quý, vẫn đang loay hoay vãn hồi thế cục. Nhưng ngay cả khi đã trải qua 12 năm tràn ngập bóng tối ấy, những người hâm mộ Quỷ Đỏ, có lẽ cũng không cần tới những luận giải dài dòng, để trả lời câu hỏi: Tại sao họ lại yêu Man United.

Manchester United là câu lạc bộ nổi tiếng nhất thế giới không chỉ vì danh hiệu, mà còn bởi những cảm hứng mà nó mang lại, vì những khoảnh khắc vẻ vang tạo nên một câu chuyện như trong thần thoại. Một câu chuyện có thăng trầm, có bi kịch, có hào quang, và có cả những nét đẹp nhân văn. Họ không phải là đội bóng hoàn hảo, nhưng họ là đội bóng của những con người tin rằng bóng đá là thứ tín ngưỡng và đức tin cao cả.

Với Manchester United, mỗi trận đấu là một chương sử, mỗi bàn thắng là một tuyên ngôn, và mỗi người hâm mộ là một phần không thể thiếu trong bản trường ca bất tận mang tên “Quỷ đỏ”. Huyền thoại chưa bao giờ ngủ yên – nó chỉ đang đợi thời khắc để bừng cháy lần nữa, rực rỡ hơn bao giờ hết.