Hồ sơ Real Madrid – “Dải ngân hà” vĩ đại

Ngai vàng UEFA Champions League là vị trí của thể thay đổi qua mỗi mùa giải, chức vô địch FIFA Club World Cup đôi khi chứng kiến những cái tên lạ hoắc lên ngôi. Nhưng những sự biến thiên đó vốn dĩ không thể làm lay chuyển một định luật, một chân lý bất biến, rằng thế giới bóng đá hiện đại, ở cấp độ câu lạc bộ, chỉ tồn tại một thực thể thống trị duy nhất, cái tên được mệnh danh là Hoàng đế của những vị vua – Real Madrid Club de Futbol, chủ nhân của 15 chiếc cúp bạc C1 – Champions League, điểm đến mơ ước của mọi siêu sao, miền đất thánh vĩnh hằng của những tín đồ túc cầu giáo tôn thờ thứ bóng đá của vinh quang và chiến thắng.

Đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha không đơn thuần là một CLB thể thao – họ là một tượng đài lịch sử, một biểu tượng vĩnh cửu của chiến thắng, lòng kiêu hãnh và khát vọng chinh phục không bao giờ nguôi.

Real Madrid là thế lực hùng mạnh bậc nhất lịch sử túc cầu.
Real Madrid là thế lực hùng mạnh bậc nhất lịch sử túc cầu. Ảnh: Internet

Khởi đầu của Real Madrid được bắt đầu khi bóng đá được mang tới thành phố Madrid bởi những giảng viên và sinh viên của Học viện Tự do, trong đó có nhiều người đến từ Cambridge và Oxford. Họ thành lập Câu lạc bộ Bóng đá Sky vào năm 1897, thi đấu vào những buổi sáng Chủ nhật tại Moncloa. Câu lạc bộ tách ra làm hai vào năm 1900: Câu lạc bộ bóng đá Madrid và Club Espanol de Madrid.

Vào ngày 6 tháng 3 năm 1902, sau khi hội đồng mới đứng đầu là Juan Padros được bầu ra, Câu lạc bộ Bóng đá thành Madrid được chính thức thành lập, với tên gọi chính thức là Madrid FC. Đội bóng này được vua Alfonso XIII phong tước hiệu “Real” (Hoàng gia), điều không chỉ làm nên tên gọi mà còn là nguồn gốc cho khí chất vương giả bao trùm CLB từ thuở ban sơ, qua đó, chính thức đổi tên thành Real Madrid FC.

Và có một chi tiết khá thú vị về tiền tố “Real” trong tên gọi của đội bóng mà có thể bạn chưa biết, hoặc không quá để ý. “Real” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Hoàng gia, và nó hoàn toàn khác biệt với từ “real” trong tiếng Anh, vốn cùng mặt chữ, nhưng khác biệt về tần ý nghĩa. Dẫu vậy, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đôi khi người hâm mộ Real Madrid vẫn dùng tầng ý nghĩa “real” – “Hàng thật, hàng chính hãng, chính hiệu” của tiếng Anh, để nói về đội bóng của họ, như một cách để châm biếm đại kình địch cùng thành phố Atletico Madrid. Đại ý có thể hiểu là: “Tụi tao mới là Madrid xịn, tụi mày chỉ là hàng nhái, hàng sọp pe mà thôi!”

Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha ra đời.
Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha ra đời. Ảnh: Internet

Quay trở lại với câu chuyện lịch sử, danh xưng “Real” được trao tặng bởi vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 20, như một hình thức vinh danh dành cho các câu lạc bộ thể thao có đóng góp lớn về văn hóa – xã hội, đồng thời thể hiện mối liên kết thân cận với Hoàng gia Tây Ban Nha.

CLB đầu tiên và nổi tiếng nhất được trao danh hiệu này chính là Real Madrid, vào năm 1920. Ngoài ra, danh hiệu này cũng được trao cho nhiều đội bóng khác, và nó đã gắn liền với tên tuổi của họ tới tận ngày nay. Điểm chung của các đội bóng này, chính là biểu tượng chiếc vương miện được gắn lên logo đội bóng. Đó là những Real Sociedad, Real Betis, Real Zaragoza, Real Valladolid, Real Mallorca và Real Oviedo.

Mỗi đội bóng “Real” đều mang trong mình bản sắc truyền thống, và sự tôn vinh đó góp phần định hình chiều sâu văn hóa trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Tước hiệu này không chỉ mang giá trị biểu tượng mà còn thể hiện mối gắn bó giữa thể thao và chế độ quân chủ, một đặc điểm rất đặc trưng trong văn hóa thể thao châu Âu đầu thế kỷ 20.

Theo thời gian, khi mà Real Madrid vươn mình trở thành thế lực hùng mạnh nhất của bóng đá châu Âu, cộng thêm việc họ vốn là đội bóng đại diện của thủ đô Madrid, thì danh xưng “Đội bóng Hoàng gia” dần trở thành thương hiệu độc quyền của Los Blancos, bởi khi này, họ đã không còn đơn thuần là di sản của nền quân chủ nói chung nữa, mà đã trở thành tấm bội tinh danh giá gắn trên hoàng bào của các đời vua Tây Ban Nha – Vị quân vương cao quý nhất của nền quân chủ quốc gia này.

Real Madrid thời kỳ đầu là hiện thân của giới quý tộc Tây Ban Nha, chơi thứ bóng đá thanh lịch nhưng không thiếu phần hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ đến khi bước vào kỷ nguyên châu Âu, đội bóng này mới thật sự trở thành thế lực toàn cầu.

Thập niên 1950 là bước ngoặt đưa Real lên đỉnh cao châu lục. Năm 1955, Real Madrid là một trong những đội tiên phong sáng lập giải đấu Cúp C1 – tiền thân của UEFA Champions League. Và từ đó, họ lập nên một di sản không tưởng: 5 lần vô địch liên tiếp từ 1956 đến 1960. Những Alfredo Di Stefano, Puskas, Paco Gento… không chỉ là huyền thoại của Real Madrid, mà còn là huyền thoại của bóng đá thế giới.

Sân vận động Bernabeu tưng bừng ánh sáng mỗi đêm châu Âu, nơi các cầu thủ Real hóa thân thành những chiến binh quý tộc quyền quý nhưng không kém phần gai góc và mạnh mẽ. Họ không chỉ giành cúp – họ định hình văn hóa chiến thắng tại lục địa già. Bất kể đối thủ là ai, bất kể bị dẫn bao nhiêu bàn, người hâm mộ vẫn giữ một niềm tin rằng Real Madrid rồi sẽ vùng lên để giành lấy chiến thắng chung cuộc. Đây là thời kỳ đặt nền móng cho tham vọng bá quyền kéo dài suốt 1 thế kỷ của giới lãnh đạo Real Madrid. Ngay sau khi gặt hái những vinh quang đầu tiên, những người khoác lên mình tấm áo trắng của Los Blancos đã thấm nhuần một hệ tư tưởng: Họ, phải trở thành những kẻ vĩ đại nhất lịch sử.

Di Stefano giúp Real Madrid thống trị lục địa già.
Di Stefano giúp Real Madrid thống trị lục địa già. Ảnh: Internet

Giai đoạn từ những năm 1960 đến đầu 1980, Real Madrid tiếp tục là thế lực số một Tây Ban Nha, nhưng họ chững lại ở đấu trường châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, sự đi xuống của Real Madrid xuất phát từ bối cảnh chính trị bất ổn tại Tây Ban Nha. Đội bóng Hoàng gia, vốn nhận được sự hậu thuẫn từ chính quyền độc tài Franco, dần đánh mất vị thế khi nhà cầm quyền này không còn tiếng nói trên chính trường châu Âu.

Dẫu vậy, khi xét đến những yếu tố chuyên môn thuần túy, việc Real Madrid đánh mất vị thế tại đấu trường châu Âu, chủ yếu liên quan tới sự trỗi dậy của các nền bóng đá Anh, Ý và Đức. Real Madrid từng thống trị cúp C1 trong giai đoạn sơ khai của giải đấu này, một phần bởi các đội bóng Anh thời kỳ đó không mặn mà với đấu trường châu lục.

Bước sang giai đoạn thập niên 1960, khi người Anh dần trở nên nghiêm túc hơn với các giải đấu châu Âu, trong khi người Đức và Ý cũng thúc đẩy sự phát triển của bóng đá cấp câu lạc bộ, sau thành công của đội tuyển quốc gia tại World Cup và EURO, thì cuộc cạnh tranh danh hiệu cũng trở nên khốc liệt hơn, và Real Madrid dần trở thành kẻ thất thế.

Phải đến cuối thập niên 1990, Real mới tìm lại ánh hào quang Champions League với chức vô địch năm 1998 dưới sự dẫn dắt của HLV Jupp Heynckes. Thế nhưng, không giống như những đội bóng khác, giới lãnh đạo Real Madrid chưa bao giờ hài lòng với chỉ 1 chiếc cúp vô địch sau 30 năm. Danh hiệu Champions League trở thành đòn bẩy để Los Blancos kích hoạt một chiến lược bóng đá dài hơi – Chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu thế giới, thiết lập chu kỳ thống trị mới của đội bóng.

Có thể thấy rằng, ngay cả khi đã chìm vào bóng tối suốt hàng thập kỷ, bị coi là một thế lực hết thời, người Real Madrid vẫn mang trong mình một hệ tư tưởng quật cường và ngạo nghễ. Họ hiểu được vị thế của mình trong bản đồ bóng đá thế giới, và tự tin vào việc sẽ tìm lại vị thế đó, dù sớm hay muộn.

"Dải ngân hà" của Chủ tịch Perez trình làng.
“Dải ngân hà” của Chủ tịch Perez trình làng. Ảnh: Internet

Nếu Barcelona là đại diện cho học viện La Masia và bóng đá học thuật, thì Real Madrid là thiên đường của những siêu sao, những galacticos – nơi hội tụ của những ngôi sao sân cỏ đủ sức định hình lại bộ mặt bóng đá thế giới.

Florentino Perez – một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất lịch sử CLB – đắc cử chủ tịch vào năm 2000. “Bố già” ngành xây dựng trở thành ông trùm của đội bóng Hoàng gia bằng một chiêu trò mà có lẽ, chỉ những gã quý tộc thủ cựu liều mạng của thời Phục hưng, với truyền thống đấu súng tay đôi, mới dám thực hiện. Cú hích ấy mang tên Luis Figo.

Perez – Người đã quá rành rẽ với những mánh mẹo “đòn bẩy kinh tế”, đã chơi một chiêu thao túng song phương khiến cả thế giới bóng đá việt vị. Ông đưa ra cam kết trong cuộc họp kín của hội đồng tranh cử chức Chủ tịch Real Madrid rằng: “Nếu tôi đắc cử, Luis Figo – Đội trưởng của Barcelona, sẽ là bản hợp đồng đầu tiên cập bến Bernabeu trong nhiệm kỳ của tôi.”

Sau đó, thông qua người đại diện của Figo, ông ta lại gài bẫy ngôi sao này bằng cách đưa ra một ván cược sinh tử: “Này Luis, tôi đang thất thế trong cuộc tranh cử ghế Chủ tịch Real, nhưng nếu tôi đắc cử, cậu sẽ phải gia nhập đội bóng. Cậu có dám đánh cược không?”

Mọi chuyện sau đó, đã trở thành lịch sử. Mở đầu nhiệm kỳ với một màn tâm lý chiến hạ nhục đại kình địch Barca, và rồi duy trì triều đại của mình bằng cách giẫm đạp cả châu Âu dưới gót giày, đó là cái cách mà Florentino Perez dùng để đưa  Real Madrid trở lại ngai vàng. 

Từ Luis Figo, Zidane, Ronaldo de Lima, Beckham đến Kaka, Cristiano Ronaldo… Real không chỉ chiến thắng, họ trở thành biểu tượng toàn cầu, với tư cách một “Đế chế thể thao”, vươn tầm ảnh hưởng sang cả những bộ môn khác như bóng rổ.

Chiến lược của Pérez giúp Real thống trị truyền thông, mở rộng thị trường châu Á – Mỹ và đưa CLB thành tổ chức thể thao giá trị nhất thế giới. Năm 2002, cú volley của Zidane vào lưới Leverkusen đưa Real đến chức vô địch C1 thứ 9 – “La Novena”. Nhưng sau đó, khi vị chủ tịch này kết thúc nhiệm kỳ, Real lại rơi vào giai đoạn tụt dốc về mặt thành tích, khi những năm 2004 – 2010, Real thường bị loại sớm khỏi Champions League.

Mọi thứ thay đổi vào năm 2009, khi Florentino Perez trở lại ghế chủ tịch và lập tức đưa về Cristiano Ronaldo, Kaka, Benzema, Xabi Alonso. Real bước vào cuộc cách mạng hiện đại với kỷ nguyên thứ 2 của Dải Ngân Hà, nhưng họ cũng phải chờ đến năm 2014 mới chạm tới La Decima – chức vô địch Champions League thứ 10 – sau 12 năm chờ đợi.

"Galacticos 2.0" đưa "Los Blancos" tìm lại ánh hào quang.
“Galacticos 2.0” đưa “Los Blancos” tìm lại ánh hào quang. Ảnh: Internet

Giai đoạn 2016 – 2018 dưới triều đại Zidane chứng kiến Real Madrid tạo nên một chương mới trong tiết trình lịch sử của họ, khi vô địch Champions League 3 năm liên tiếp – điều chưa từng có trong kỷ nguyên hiện đại. Những Ramos, Modric, Kroos, Marcelo, Casemiro, Benzema, Ronaldo… đưa Real lên đỉnh cao tuyệt đối.

Chức vô địch thứ 15 năm 2024 tiếp tục khẳng định Real là vị vua không ngai của châu Âu, vượt xa mọi đối thủ truyền thống như AC Milan (7), Bayern Munich (6) hay Liverpool (6).

Ký ức về La Novena năm 2002 với cú volley không tưởng của Zidane, La Decima năm 2014 sau cú đánh đầu nghẹt thở của Ramos ở phút 90+3 trước Atletico, hay cú hat-trick Champions League 2016 – 2018 dưới thời Zidane – tất cả đã khắc sâu vào lịch sử như những chương sử thi hùng tráng nhất của đội bóng vĩ đại này.

Điều làm nên bản sắc Real không chỉ là tiền bạc, danh hiệu hay siêu sao – mà là tinh thần “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Trận đấu Bán kết lượt về Champions League mùa giải 2021 – 2022 gặp Man City là một minh chứng điển hình. Để thua 4-3 sau trận lượt đi, bị dẫn 0-1 đến phút 89, Real Madrid ghi liền 2 bàn rồi kết liễu đối thủ trong hiệp phụ – dù trước đó gần như bị đoàn quân của Pep Guardiola dồn ép nghẹt thở trong cả hai lượt trận. Đó là thứ không thể lý giải bằng chiến thuật hay thống kê – đó là bản lĩnh vô hình chỉ Real Madrid sở hữu. Slogan “Hasta el final, vamos Real” (Đến cuối cùng, chúng ta vẫn tiến bước) không chỉ là khẩu hiệu – đó là lời tuyên chiến với mọi nghịch cảnh.

Không đơn thuần là CLB giàu truyền thống, Real Madrid còn là biểu tượng vĩnh cửu của sự kế thừa và đổi mới. Họ đã trải qua những giai đoạn chuyển giao thế hệ không ít lần – từ Di Stefano đến Zidane, từ “Kền kền trắng” thập niên 80 – 90 đến “Dải ngân hà” đầu thế kỷ 21, và gần đây là lứa cầu thủ trẻ như Mbappe, Bellingham, Vinicius Jr, Rodrygo, Tchouameni, Camavinga – những người kế tục tinh thần hoàng gia trong thời đại mới.

Real Madrid luôn có cách tái sinh, từ những đổ vỡ tưởng chừng như kết thúc – như sau thời Cristiano Ronaldo, họ mất đi chân sút vĩ đại nhất lịch sử CLB, nhưng vẫn vô địch Champions League lần thứ 14 và 15 trong vòng 5 năm.

Real Madrid bất diệt.
Real Madrid bất diệt. Ảnh: Internet

Không CLB nào biết cách chiến thắng ở châu Âu như Real Madrid. Đó là sự tổng hòa của bản lĩnh, DNA vương giả, và lời nguyền dành riêng cho các CLB đối thủ mỗi khi phải bước vào Bernabeu – thánh địa của nhà vua, và đồng thời, cũng là tử địa cho tất cả những kẻ dám thách thức quyền uy tuyệt đối của vị Hoàng đế ấy.

Ở nơi khác, việc vô địch Champions League là một giấc mơ, là câu chuyện cổ tích với một happy ending, nhưng ở Real Madrid, đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là trọng trách mà mọi cầu thủ, từ siêu sao hàng đầu hay tài năng trẻ vô danh, nghiễm nhiên phải gánh vác và thấm nhuần tư tưởng.

Có thể nói, khi nhắc tới danh xưng đội bóng vĩ đại nhất, Real Madrid được gọi tên không chỉ vì kho tàng danh hiệu đồ sộ, những biệt hiệu mỹ miều hay hình ảnh hào nhoáng.  Họ là hiện thân của khát khao chiến thắng thuần túy, đồng thời cũng khiến không ít người ghét bỏ khi bị gắn liền với giai cấp thống trị thủ cựu và ngạo mạn. 

Thế nhưng, sự song hành giữa cảm xúc yêu và ghét, giữa chiến thắng và thủ đoạn, giữa thực dụng và xấu xí, mới là những thứ tạo nên sức hút mãnh liệt của đội bóng Hoàng gia – Những kẻ mang trong mình tư duy của bậc Đế vương: Họ thi đấu không phải để làm hài lòng khán giả, họ chiến đấu vì nghĩa vụ cao cả khi khoác lên mình màu áo trắng Hoàng gia. Họ là vua của mọi vị vua trong thế giới bóng đá. Họ là Real Madrid Club de Futbol.