Mesut Ozil: Nhạc trưởng số 10 cuối cùng của bóng đá thế giới

Mesut Ozil - Số 10 cổ điển cuối cùng của bóng đá thế giới

Ngày 4/2/2023, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt đưa tin về việc tiền vệ Mesut Ozil đã chính thức giã từ sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 34, sau khi xảy ra những bất đồng với CLB chủ quản Istanbul Basaksehir.

Lời giã biệt của Mesut Ozil xảy đến vô cùng đột ngột, nhưng nếu là người yêu mến tiền vệ người Đức, hẳn các bạn sẽ không quá bất ngờ với quyết định của anh, bởi từ lâu, trái tim và tâm trí của cựu sao Arsenal đã không còn dành trọn cho trái bóng tròn. Những năm tháng cuối sự nghiệp, hình bóng của một tiền vệ tấn công hào hoa phiêu lãng, đã dần bị thay thế bởi sự nổi loạn, những lùm xùm phát ngôn ngoài lề và cả tính khí ngôi sao thất thường, để rồi như một lẽ tất yếu, Mesut Ozil đã tự đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình theo cái cách không thể tồi tệ hơn.

Dẫu vậy, đối với những tín đồ trung thành của túc cầu giáo, có lẽ, việc Ozil giải nghệ không đơn thuần chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà nó còn là cột mốc đặt dấu chấm hết chính thức cho kỷ nguyên tồn tại của một khái niệm xưa cũ: Sự lụi tàn của những số 10 cổ điển.

Mesut Ozil - Số 10 cổ điển cuối cùng của bóng đá thế giới. Ảnh: Internet
Mesut Ozil – Số 10 cổ điển cuối cùng của bóng đá thế giới. Ảnh: Internet

Nói về sự nghiệp của Mesut Ozil, anh là một trong những ngôi sao vụt sáng sau kỳ FIFA World Cup 2010 được tổ chức tại Nam Phi, nơi mà đội tuyển quốc gia Đức đã có một cuộc cách mạng nhân sự mạnh mẽ, bằng việc mang tới lục địa đen đội hình có tuổi đời trung bình trẻ nhất lịch sử. Và Mesut Ozil chính là một trong những nhân tố tỏa sáng rực rỡ nhất, trong hành trình giúp tuyển Đức non trẻ giành Huy chương đồng ở kỳ World Cup năm ấy. 

Với màn trình diễn ấn tượng trong cả màu áo tuyển quốc gia lẫn Câu lạc bộ Werder Bremen, Ozil ngay lập tức lọt vào mắt xanh của “Người đặc biệt” Jose Mourinho, khi ấy đang giữ chức huấn luyện viên trưởng Real Madrid. Trong công cuộc xây dựng Dải ngân hà 2.0, Jose đã nhắm tới Ozil như một sự thay thế cho Kaka – Khi Thiên thần đã đánh mất chính mình sau những chấn thương dai dẳng. 

Trở thành một hạt nhân của Galacticos vĩ đại, Ozil đã dần chứng minh được bản thân và chiếm 1 suất đá chính trong đội hình toàn sao của Kền Kền Trắng. Không mất quá nhiều thời gian để Ozil tỏa sáng ở ngay mùa giải đầu tiên. Ozil đã chia sẻ danh hiệu vua kiến tạo tại La Liga cùng Leo Messi với 18 đường chuyền dọn cỗ cho đồng đội. Chính Ronaldo là người được hưởng lợi nhiều nhất khi mà Real mang về một tiền vệ kiến thiết đẳng cấp.

Khép lại mùa giải ra mắt cực kỳ thành công, Ozil được Jose Mourinho trao cho chiếc áo số 10 ở mùa giải tiếp theo. Một minh chứng chứng tỏ Jose Mourinho cực kỳ tin tưởng và giao cho Ozil vai trò lĩnh xướng và dẫn dắt lối chơi của toàn đội. Anh cùng với những đồng đội tại đây xác lập kỷ lục đạt 100 điểm qua đó lên ngôi vô địch La Liga lần thứ 32 trong lịch sử.

Dưới thời Jose Mourinho tại Real Madrid, Ozil thi đấu cực kỳ thăng hoa. Ảnh: Internet
Dưới thời Jose Mourinho tại Real Madrid, Ozil thi đấu cực kỳ thăng hoa. Ảnh: Internet

Với lối chơi thông minh cùng nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Ozil chính là số 10 cổ điển hay nhất thế giới thời điểm đó. Anh kết hợp cùng với Ronaldo để tạo thành bộ đôi ăn ý. Chỉ trong 3 năm thi đấu cho Real, Ozil đã tạo ra 27 đường kiến tạo cho CR7. Không có ngôi sao nào phối hợp với siêu sao người Bồ tốt tới như vậy trong suốt sự nghiệp của anh.

Tưởng chừng như mối tình giữa Ozil và Real Madrid sẽ có cái kết đẹp, thì Jose Mourinho lại bất ngờ rời khỏi chiếc ghế nóng tại đội bóng hoàng gia sau 3 năm cầm quyền. Carlo Ancelotti là người được thay thế. Huấn luyện viên người Ý lại giành sự tin tưởng cho tân binh Isco – Một số 10 hiện đại, chạy nhiều hơn, đa năng hơn, giàu tốc độ và năng lượng so với Ozil. 

Tới kỳ chuyển nhượng hè 2013, giới mộ điệu tỏ ra bất ngờ khi xuất hiện thông tin Real Madrid và Arsenal đạt thỏa thuận chuyển nhượng Ozil với giá 42.5 triệu bảng – Kỷ lục chuyển nhượng của Pháo thủ thời điểm đó. Cùng với đó là mức lương 170.000 bảng/tuần, là người hưởng lương cao nhất đội bóng. 

Có thể thấy ban lãnh đạo Pháo thủ và huấn luyện viên Arsene Wenger đã tin tưởng và kỳ vọng vào ngôi sao người Đức nhiều như thế nào. Họ muốn anh sẽ giúp đội bóng có được danh hiệu sau nhiều năm trắng tay. Trong niềm hân hoan của người hâm mộ Pháo thủ, Cristiano Ronaldo lại bực tức ra mặt và tỏ rõ thái độ không hài lòng với chính sách chuyển nhượng của Real Madrid. Anh phát biểu: “Mesut Ozil ra đi là một tin cực kỳ xấu với bản thân tôi. Cậu ấy là cầu thủ hiểu cách di chuyển để ghi bàn của tôi nhất tại Bernabeu. Real Madrid đã bán một ngôi sao có thể một mình định đoạt số phận trận đấu”. 

Ronaldo đánh giá rất cao Ozil khi cả hai thi đấu cùng nhau tại Real Madrid. Ảnh: Internet
Ronaldo đánh giá rất cao Ozil khi cả hai thi đấu cùng nhau tại Real Madrid. Ảnh: Internet

CR7 hoàn toàn không nói quá về người cộng sự thân thiết của mình, khi Ozil đã kết thúc hành trình tại Đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha với 27 bàn thắng và 85 đường kiến tạo.

Tới môi trường Ngoại hạng Anh được đánh giá là vô cùng khắc nghiệt. Ozil nhanh chóng trở thành cầu thủ quan trọng bậc nhất trong lối chơi của Pháo thủ. Vẫn là lối đá thông minh của khả năng chuyền bóng thượng hạng, Ozil trở thành nhân tố chính giúp cho Pháo thủ chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài suốt 8 năm, khi mang về chiếc cúp FA tại mùa giải 2013 – 2014.

Sau đó, anh tiếp tục mang về thêm 2 chiếc cup FA ở các mùa giải 2014 – 2015 và 2016 – 2017. Tiền vệ người Đức đã hợp cùng những Alexis Sanchez, Jack Wilshere, Aaron Ramsey, Olivier Giroud, Santi Cazorla… đã cùng nhau tạo nên một hàng tấn công hủy diệt của Pháo thủ, nơi mà lối đá ban bật đẹp mắt mang thương hiệu “Wenger ball” được hồi sinh bởi những đôi chân ma thuật, với niềm cảm hứng mang tên Mesut Ozil.

Không lâu sau khi chuyển sang Arsenal, Mesut Ozil lại tiếp tục đón nhận niềm vui, khi anh cùng đội tuyển đức chính thức có được cup vàng World Cup sau 24 năm chờ đợi, với việc đánh bại Argentina của “Thánh” Lionel Messi tại trận Chung kết FIFA World Cup 2014.

Tưởng chừng như với tất cả những gì đã đạt được, Ozil sẽ sớm có được một sự nghiệp viên mãn, thế nhưng bước ngoặt đã xảy đến vào năm 2018, biến giai đoạn này thành thời khắc đen tối nhất trong nghiệp quần đùi áo số của ngôi sao này.

Đầu tiên có thể kể tới chiến dịch World Cup 2018, nơi mà người Đức đang là nhà đương kim vô địch. Thế nhưng với một tập thể già nua, cùng với đó là phong độ yếu kém, những cỗ xe tăng Đức bị loại ngay tại vòng bảng. Và để đổ lỗi cho thất bại của đội nhà, người hâm mộ đội tuyển Đức dồn hết sự tức giận lên ngôi sao đang thuộc biên chế Arsenal. 

Phải thừa nhận rằng, bản thân Ozil đã có một kỳ World Cup không thành công, nhưng cái cách mà người hâm mộ bóng đá Đức chỉ trích Ozil với những ngôn từ kỳ thị sắc tộc sâu sắc, thậm chí đòi tước quốc tịch Đức của anh cũng như một số cầu thủ nhập cư khác vì “không có tinh thần” Đức, thực sự đã khiến cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ lẫn người hâm mộ của anh bàng hoàng đau đớn.

Thất bại của Đức tại World Cup 2018 khiến Ozil bị chỉ trích dữ dội. Ảnh: Internet
Thất bại của Đức tại World Cup 2018 khiến Ozil bị chỉ trích dữ dội. Ảnh: Internet

Bất mãn với sự đối xử bất công, Ozil đã gửi tâm thư lên Ban lãnh đạo đội tuyển cùng với đó là quyết định từ giã đội tuyển quốc gia. Câu nói mà chính Ozil đã chua chát thốt lên: “Khi chiến thắng họ gọi tôi là người Đức. Khi thua họ gọi tôi là gã nhập cư”.

Cơn ác mộng vẫn chưa dừng lại, khi ở cấp độ câu lạc bộ, người thầy tâm đắc của Ozil – Giáo sư Arsene Wenger, nói lời chia tay sân Emirates. Vị cha già cuối cùng của thời đại cũ ra đi, cũng mang theo những chấp niệm về vị trí số 10 cổ điển. Thay thế ông là Unai Emery – Một chiến lược gia đại diện cho trường phái bóng đá hiện đại, và điều đó đồng nghĩa với việc, tại Arsenal, đã không còn chỗ cho Ozil.

Mùa giải 2019 – 2020 diễn ra trong bối cảnh anh tiếp tục phải làm bạn với băng ghế dự bị dù không hề bị chấn thương. Khi mà huấn luyện viên Unai Emery bị sa thải và người thay thế là đồng đội cũ của Ozil – Mikel Arteta, tình hình vẫn không khả quan hơn.

Vị HLV người Tây Ban Nha sẵn sàng gạch tên anh và thay thế bằng cầu thủ khá vô danh Emile Smith Rowe. Bên cạnh phong độ không tốt, Ozil còn dính tới nhiều lùm xùm xung quanh những phát ngôn liên quan tới chính trị và tôn giáo, trực tiếp khiến Arsenal vấp phải làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc. Ozil ngay lập tức trở thành cái tên bị “phong sát” tại đất nước tỷ dân. Anh sẽ không được chơi bóng ở mọi đội bóng ở Trung Quốc, không được đón nhận tại mọi đội bóng có chủ là người Trung Quốc hoặc các đội bóng có nhà tài trợ muốn làm việc tại đất nước tỷ dân này.

Hai nhà đài lớn nhất Trung Quốc về thể thao CCTV và PP Sports từ chối mua bản quyền các trận đấu của Arsenal. Ban lãnh đạo Arsenal khi đó đã gần như phát điên, bởi ai cũng biết rõ thị trường Trung Quốc tác động lớn tới doanh thu đội bóng nhiều như thế nào. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa Ozil và ban lãnh đạo rạn nứt.

Đỉnh điểm hơn là đại dịch Covid-19 nổ ra tác động tới mọi mặt trên thế giới. Bóng đá cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, các trận đấu phải nghỉ thi đấu, dẫn tới doanh thu của các câu lạc bộ giảm xuống mức thấp nhất chưa từng có. Việc giảm lương là điều mà mọi đội bóng yêu cầu. Thế nhưng Ozil lại từ chối giảm lương và có những chất vấn với ban lãnh đạo về mục đích của chính sách cắt giảm này. Anh tự hỏi liệu số tiền đó có thực sự giúp đỡ cho các nhân viên trong giai đoạn đại dịch bùng phát?

Sự bướng bỉnh của Ozil còn tiếp tục thể hiện khi anh bày tỏ sự chống đối vụ GUNNERSAURUS. Khi mà câu lạc bộ thông báo sẽ chia tay Jerry Quy, một cổ động viên lâu năm của Pháo thủ, và là người đảm nhận công việc hóa trang thành linh vật chú khủng long của Arsenal. 

Ngay lập tức Ozil đã công khai can thiệp và hứa sẽ trả toàn bộ lương để Jerry Quy tiếp tục tới sân với bộ đồ khủng long. Điều này khiến cho Ban lãnh đạo và cả huấn luyện viên đều không hài lòng. Nó đi ngược với quy tắc chung của đội bóng: Những hành động của đội bóng và cầu thủ phải hòa hợp, gắn bó chặt chẽ trong mọi trường hợp.

Mâu thuẫn giữa HLV Arteta và Ozil tại Arsenal lên đến đỉnh điểm. Ảnh: Internet

Chính huấn luyện viên trưởng đồng thời là người đồng đội cũ của anh – Mikel Arteta cũng đã nhiều lần bóng gió nói với Ozil: “Hãy làm những điều đúng đắn”. Thế nhưng phớt lờ những lời nhắc nhở, Ozil vẫn luôn cho rằng mình chẳng hề sai, mà chính Arsenal mới là phía phải “nâng cao trách nhiệm đấu tranh vì lẽ phải.” 

Sau hàng loạt nhưng bất đồng với chính ban lãnh đạo và cả huấn luyện viên, ngôi sao người Đức thường xuyên làm bạn trên băng ghế dự bị. Ban lãnh đạo đã nhiều lần muốn tống khứ chính ngôi sao của mình nhưng vì vấn đề mức lương quá cao, khó có đội bóng nào có thể đáp ứng, nên Ozil vẫn tiếp tục ngồi trên băng ghế dự bị, trước khi chính thức chia tay Arsenal vào tháng 1 năm 2021, và “an hưởng giai đoạn cuối sự nghiệp” tại nơi chôn rau cắt rốn – Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong giai đoạn cuối sự nghiệp, Ozil chỉ có vỏn vẹn 5 lần ra sân thi đấu cho Istanbul Basaksehir, và thậm chí từng có lần bị đẩy xuống đội trẻ do thái độ tập luyện không tốt. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc anh quyết định chấm dứt hợp đồng với CLB này và tuyên bố giã từ sự nghiệp.

Trong suốt những năm tháng cuối cùng gắn bó cùng trái bóng tròn, tất cả những gì mà người hâm mộ nhìn thấy ở Ozil chỉ là một hình bóng vật vờ, uể oải và thiếu sức sống.

Thế nhưng, điều đó có lẽ cũng không thể làm lu mờ đi phẩm chất và tài năng tuyệt vời mà cầu thủ này sở hữu trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Ozil có thể không phải là một tiền vệ giỏi tranh chấp hay điều tiết lối chơi, nhưng lại sở hữu nhãn quan thi đấu và kỹ năng chuyền bóng cực kỳ sắc bén.

Chẳng nói đâu xa, cái danh xưng “Đệm vương” của Cristiano Ronaldo, cũng là nhờ Ozil mà có. Bởi khi còn thi đấu tại Real Madrid, với Ozil trên sân, công việc ghi bàn của Ronaldo trở nên dễ dàng tới nỗi anh chỉ cần chạy chỗ, bóng sẽ tự tới chân, và phần việc còn lại chỉ là đệm quả bóng ở cự ly gần.

Trong bất kỳ tình huống nào, Ozil cũng có thể dễ dàng thực hiện những đường chọc khe xuyên phá hàng phòng ngự đối phương, hoặc đưa ra những pha chuyền bóng ở cự ly trung bình để chuyển hướng tấn công một cách cực kỳ chính xác.

Với tư cách của một “số 10 cổ điển”, Ozil chưa thể so sánh được với những tiền bối như Zinedine Zidane, Guti, Riquelme, hay Michel Platini, nhưng trong thế hệ của mình – Thế hệ cuối cùng của những tiền vệ kiến thiết hào hoa, Ozil đích thực là ngôi sao sáng nhất, tỏa ra hào quang rực rỡ nhất, nhưng đồng thời, cũng hứng chịu cái kết buồn tủi nhất.

Thực tế thì Ozil không hẳn là số 10 cổ điển cuối cùng còn sót lại. Chúng ta vẫn còn đó Philippe Coutinho, James Rodriguez vẫn còn đang thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xét trên phương diện cảm xúc, có lẽ nhiều người hâm mộ đều có chung một nhận định rằng, phong cách và cá tính của Mesut Ozil, chính là minh chứng rõ nét nhất về sự hiện diện của một “số 10 cổ điển” cuối cùng, đạt đến đẳng cấp siêu sao, giữa dòng chảy bóng đá hiện đại.