Michel Platini – Từ huyền thoại trở thành kẻ phản diện trong thế giới bóng đá

“Một là bạn hi sinh như người hùng, hoặc là bạn sống đủ lâu để trở thành kẻ phản diện.” – Đó là một công thức điện ảnh được áp dụng rộng rãi như một trào lưu nghệ thuật mới, để xây dựng hình tượng về những nhân vật phản diện của Hollywood. Nhưng trong thế giới bóng đá, hình tượng ấy vốn dĩ đã xuất hiện từ lâu, và đáng buồn thay, nó lại đến từ một trong những tên tuổi vĩ đại nhất lịch sử – Michel Platini.

Xuyên suốt sự nghiệp quần đùi áo số, Platini được biết đến với tư cách là một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của bóng đá Pháp và thế giới. Ông không chỉ thành công rực rỡ ở cấp độ Câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, mà còn là một biểu tượng của bóng đá nghệ thuật: sáng tạo, hiệu quả và đầy cảm hứng. Ông là đại diện tiêu biểu cho thế hệ cầu thủ chơi bóng bằng bộ não thiên tài, và vẫn được coi là một trong những tiền vệ tấn công vĩ đại nhất mọi thời đại.

Michel Platini trong màu áo tuyển Pháp. Ảnh: Internet

Di sản Platini để lại không chỉ là các danh hiệu, mà còn là tầm ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử bóng đá Pháp và châu Âu. Chẳng những vậy, ông còn để lại dấu ấn sâu đậm khi bước vào nghiệp quản lý và điều hành bóng đá. Tuy nhiên, đáng buồn thay, thứ được gọi là “dấu ấn” ấy, cũng chính là căn nguyên hủy hoại tên tuổi và sự nghiệp của ông, để rồi giờ đây, bên cạnh tư cách của một huyền thoại, Platini cũng bị coi như một kẻ tội đồ đẩy thế giới bóng đá vào vũng lầy tham nhũng và bê bối.

Cùng với Johan Cruyff và Marco van Basten, Platini là 1 trong 3 siêu sao hiếm hoi từng 3 lần chiến thắng danh hiệu quả bóng vàng, tính đến trước kỷ nguyên Messi – Ronaldo. Trong sự nghiệp quần đùi áo số, ông từng dành Cúp quốc gia Pháp (Coupe de France) năm 1978 cùng Nancy, và sau đó vô địch Ligue 1 mùa 1980 – 1981 cùng Saint-Etienne (Xanh Ê tiên).

Bỏ lại buổi bình minh rực rỡ trong giai đoạn đầu sự nghiệp tại Pháp, Platini gia nhập Juventus – Một trong những đội bóng hùng mạnh nhất châu Âu thời đó, và quãng thời gian gắn bó cùng Bà Đầm Già, đồng thời cũng là giai đoạn huy hoàng nhất trong nghiệp bóng đá của ông.

Platini đã ghi tới 104 bàn trong 223 trận, là Vua phá lưới Serie A 3 mùa liên tiếp (1983–1985), dù chỉ là một tiền vệ. Ông đã cùng Juve gặt hái mọi danh hiệu cao quý, với 2 chức vô địch Serie A (mùa 1983 – 1984 và 1985 – 1986). Vô địch Cúp C1 châu Âu (Champions League) mùa 1984 – 1985, đây cũng là danh hiệu C1 đầu tiên trong lịch sử đội bóng thành Turin. Bên cạnh đó là những lần đăng quang Cúp Liên lục địa năm 1985, Cúp C2 châu Âu: 1983 – 1984 và Siêu cúp châu Âu 1984.

Platini cùng Juventus gặt hái mọi danh hiệu cao quý tại Serie A. Ảnh: Internet
Platini cùng Juventus gặt hái mọi danh hiệu cao quý tại Serie A. Ảnh: Internet

Trong màu áo đội tuyển quốc gia, Platini là nhạc trưởng của đội hình tuyển Pháp vô địch EURO 1984. Ông ghi 9 bàn thắng chỉ sau 5 trận đấu, nắm giữ kỷ lục ghi bàn trong một mùa giải EURO vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Danh hiệu vô địch châu Âu năm 84 cũng là danh hiệu lớn đầu tiên trong lịch sử bóng đá Pháp, và là chất xúc tác đưa Platini bước lên đỉnh cao danh vọng rực rỡ nhất của đời cầu thủ.

Dù chưa thể trở thành nhà vô địch World Cup, nhưng trong mắt người hâm mộ bóng đá xứ lục lăng, Platini luôn là cái tên gắn liền với điểm khởi đầu của vinh quang bất tận. Ông cùng những đội bóng “tí hon” như Nancy gặt hái danh hiệu, đưa những đội bóng hùng mạnh như Juventus hay tuyển Pháp chạm tới đỉnh cao vinh quang sau hàng thập kỷ kém duyên với những danh hiệu lớn. 

Đối với những tín đồ yêu bóng đá Pháp, nói Platini là cha đẻ của thời kỳ hoàng kim mà nền bóng đá nước này đang sở hữu, kéo dài trong suốt 40 năm qua, có lẽ cũng không ngoa. 

Sự nghiệp quần đùi áo số vinh quang là vậy, nhưng khi bắt đầu lui vào hậu trường, mọi thứ dường như lại trở nên khó khăn với Michel Platini. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pháp vào giai đoạn 1988 – 1992, Platini không để lại dấu ấn đáng kể nào và bị buộc phải rời cương vị chỉ sau 4 năm ngắn ngủi. 

Ông bắt đầu dấn thân vào chính trường bóng đá, và chính thức đắc cử ghế chủ tịch UEFA vào ngày 26 tháng 1 năm 2007. Ông đã đánh bại đương kim Chủ tịch UEFA khi đó là Lennart Johansson trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội UEFA tổ chức ở Dusseldorf (Đu sen đóp), Đức, trở thành người Pháp đầu tiên giữ chức vụ này.

Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, Platini giương cao khẩu hiệu chống tham nhũng, được ghi nhận một cách tích cực sau những nỗ lực cải cách cơ cấu giải đấu, hoàn thiện hệ thống cúp châu Âu cấp Câu lạc bộ. Ông cũng là người đề xướng mở rộng quy mô của EURO từ 16 lên 24 đội, và điều lệ này sau đó đã chính thức được áp dụng tại kỳ EURO 2016, nơi Bồ Đào Nha – đội bóng đăng quang ngôi vô địch năm ấy, đã trực tiếp hưởng lợi nhờ việc trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử, vô địch châu Âu dù chỉ xếp thứ 3 tại vòng đấu bảng.

Platini hiện thực hóa việc đưa EURO từ 16 lên 24 đội. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, những sự vụ bê bối bắt đầu xuất hiện xoay quanh Platini, chỉ 4 năm sau khi ông cầm quyền. Michel Platini bị phát hiện đã nhận 2 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 1,8 triệu euro) từ Chủ tịch FIFA Sepp Blatter vào năm 2011. Khoản tiền này được cho là “thanh toán trễ cho công việc tư vấn” mà Platini thực hiện cho FIFA từ 1998 – 2002, nhưng không có hợp đồng bằng văn bản.

Hệ quả là cả Platini và Blatter đều bị cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm (sau đó giảm còn 4 năm cho Platini). Bê bối này cũng khiến Platini mất cơ hội tranh cử Chủ tịch FIFA năm 2016, dù từng là ứng viên sáng giá thay Blatter. Dù phủ nhận sai phạm, Platini buộc phải từ chức Chủ tịch UEFA vào năm 2016 sau gần 9 năm tại vị.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 18/6/2019, Michel Platini bị cảnh sát Pháp bắt giữ để điều tra cáo buộc tham nhũng và hối lộ liên quan đến việc Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Giới điều tra nghi ngờ Platini có thể đã nhận được lợi ích bất chính để ủng hộ Qatar trong cuộc bỏ phiếu của FIFA năm 2010.

Platini bị thẩm vấn suốt 15 giờ và sau đó được thả tự do, khẳng định mình trong sạch và không liên quan đến bất kỳ hành vi phạm pháp nào. Dù không bị kết tội, vụ bắt giữ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của ông trong mắt công chúng và truyền thông quốc tế.

Truyền thông Pháp từng tiết lộ: Ngay trước cuộc bỏ phiếu trao quyền đăng cai World Cup 2022, Platini đã tham dự một bữa tối tại Điện Elysee cùng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và các quan chức Qatar. Sau cuộc gặp, Platini thay đổi lập trường và ủng hộ Qatar, làm dấy lên nghi ngờ về sự can thiệp chính trị vào quyết định bỏ phiếu.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Platini. Ảnh: Internet
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Platini. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, dưới thời Platini làm Chủ tịch UEFA (2007–2015), một số quyết định tổ chức và phân bổ lợi ích tài chính của các giải đấu lớn như EURO và Champions League từng bị đặt dấu hỏi về tính minh bạch, nhưng không có kết luận chính thức nào buộc tội ông. 

Sau hàng loạt bê bối liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ, những chính sách từng được ca ngợi là “cuộc cách mạng bóng đá” mà Platini từng thực hiện đã liên tiếp bị đào xới vào săm soi. 

Platini thực hiện chính sách phân bổ lại doanh thu Champions League, ưu tiên các CLB nhỏ hơn và từ các quốc gia có nền bóng đá kém phát triển hơn. Đồng thời, hệ thống “Market Pool” (phân chia tiền dựa vào giá trị bản quyền truyền hình của từng quốc gia) vẫn được duy trì.

Dù được khen ngợi vì tính “công bằng xã hội”, nhưng nhiều CLB lớn phản ứng vì cho rằng UEFA đang đánh đổi chất lượng giải đấu lấy tính chính trị. Các báo cáo của giới tài chính chỉ ra rằng hệ thống thiếu minh bạch, không nhất quán, và một số liên đoàn nhận được mức chi trả bất ngờ cao không tương xứng với quy mô thị trường. Điều này dẫn đến cáo buộc về việc Platini đã “nhận đút lót” từ một số liên đoàn, nhằm thao túng khoản chi bản quyền giải đấu nhằm chia chác lợi nhuận.

Dự luật tăng số đội tham dự EURO từ 16 lên 24 cũng vấp phải nhiều chỉ trích, khi nhiều ý kiến cho rằng quyết định này mang tính chính trị và thương mại, nhằm mua sự ủng hộ từ các liên đoàn bóng đá nhỏ (vốn chiếm đa số phiếu bầu trong UEFA). Việc tăng số đội khiến chất lượng chuyên môn bị loãng, khi nhiều đội lọt vào vòng knock-out với chỉ 3 điểm, và điều đó dẫn đến việc chất lượng các trận đấu bị suy giảm.

Không thể phủ nhận Michel Platini là một nhà quản lý bóng đá tài ba. Ảnh: Internet
Không thể phủ nhận Michel Platini là một nhà quản lý bóng đá tài ba. Ảnh: Internet

Có thể thấy, dù Michel Platini có những bước tiến tích cực khi mở rộng tính đại diện và tạo cơ hội cho các nền bóng đá nhỏ, nhưng nhiều quyết định lớn của ông trong vai trò Chủ tịch UEFA vẫn bị nghi ngờ về tính minh bạch và công bằng. Các nghi vấn xoay quanh quyền đăng cai, phân bổ lợi ích tài chính và chính sách bản quyền đã làm dấy lên tranh cãi, dù chưa từng có kết luận chính thức nào buộc tội ông.

Nói một cách công tâm, Platini là hình ảnh tiêu biểu cho một nhà quản lý bóng đá tài ba nhưng cũng đầy tranh cãi trong thời kỳ UEFA bước vào kỷ nguyên thương mại hóa sâu rộng. Dẫu vậy, cái giá phải trả khi nắm giữ vai trò then chốt của một thời đại đổi mới ấy, chính là việc hình tượng người hùng Michel Platini đã dần phai nhạt, thế chỗ cho một kẻ gian hùng, phản diện và lũng đoạn cả một nền bóng đá.