Nhà Glazer và con đường hủy hoại MU cận kề bờ vực diệt vong

Nếu Roman Abramovich là ông chủ được yêu thích nhất thế giới bóng đá hiện đại, thì có lẽ ở thái cực trái ngược, những kẻ tài phiệt khiến người hâm mộ túc cầu khinh ghét và ngán ngẩm nhất, không phải cái tên nào khác, mà chính là gia tộc Glazer – Những người đang nắm giữ quyền sở hữu câu lạc bộ Manchester United

Từ cuối năm 2003, Malcolm Glazer nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,17% lên 15%, và tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong năm 2004. Đến tháng 5 năm 2005, bằng việc mua lại 28,7% cổ phần từ John Magnier và JP McManus, Glazer đã kiểm soát 57% câu lạc bộ, vượt mức quy định để thực hiện đấu thầu tiếp quản. Chỉ trong vài ngày, ông đạt quyền sở hữu 75% cổ phần, cho phép rút câu lạc bộ khỏi thị trường chứng khoán, và sau đó nắm giữ 98% cổ phần thông qua công ty mẹ Red Football, hoàn tất thương vụ trị giá gần 800 triệu bảng Anh.

Cột mốc Malcolm Glazer thâu tóm MU đánh dấu bước lùi lịch sử của "Quỷ đỏ".
Cột mốc Malcolm Glazer thâu tóm MU đánh dấu bước lùi lịch sử của “Quỷ đỏ”. Ảnh: Internet

Một phần lớn số tiền mà Glazer sử dụng để mua Manchester United đến từ các khoản vay, phần lớn trong số đó được thế chấp bằng tài sản của chính câu lạc bộ và phải trả lãi suất hơn 60 triệu bảng mỗi năm. Ngoài ra, một số khoản vay khác thuộc dạng PIK (Payment-in-Kind Loans), sau này được bán cho các quỹ đầu cơ. Mặc dù PIK không phải là khoản nợ trực tiếp của câu lạc bộ, nhưng lãi suất lên đến 14,25%/năm cũng đã tạo áp lực tài chính lớn đói với đội bóng. 

Nhà Glazer không thanh toán bất kỳ khoản PIK nào trong năm năm đầu tiên nắm quyền, cho đến khi Manchester United phát hành 500 triệu bảng trái phiếu vào tháng 1 năm 2010 để tái cấp vốn. Đến tháng 11 năm 2010, toàn bộ khoản PIK đã được tất toán bằng những phương thức không được tiết lộ.

Việc nhà Glazer tiếp quản Manchester United vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người hâm mộ, đặc biệt khi câu lạc bộ vốn không có nợ trong nhiều năm trước đó. Lo ngại về khoản nợ khổng lồ mà đội bóng phải gánh, một nhóm CĐV trung thành đã quyết định thành lập FC United of Manchester vào năm 2005 – một câu lạc bộ do người hâm mộ sở hữu, thi đấu ở các giải hạng dưới của bóng đá Anh.

Tổ chức Manchester United Supporters Trust (MUST) cũng đã nỗ lực tìm kiếm các phương án giành lại quyền kiểm soát đội bóng từ tay nhà Glazer. Năm 2010, một nhóm các nhà đầu tư giàu có được gọi là “Red Knights” đã đàm phán để đưa ra một giá thầu trị giá hàng tỷ bảng Anh nhằm mua lại câu lạc bộ. Tuy nhiên, thương vụ này cuối cùng thất bại do Red Knights không thể đáp ứng mức định giá mà gia đình Glazer đưa ra.

Mặc dù vấp phải nhiều chỉ trích, nhà Glazer vẫn tiếp tục nắm giữ Manchester United, với các thành viên trong gia đình như Avram, Joel, Bryan và Edward Glazer đóng vai trò chủ chốt trong ban lãnh đạo câu lạc bộ.

Thành viên gia đình Glazer chia chác lợi nhuận từ MU.
Thành viên gia đình Glazer chia chác lợi nhuận từ MU. Ảnh: Internet

Có thể thấy, ngay từ khi tiếp quản quyền sở hữu Man United bằng một phương thức vô cùng “ma giáo”, nhà Glazers đã ngay lập tức trở thành cái gai trong mắt của những người hâm mộ Quỷ Đỏ. Nhân tố duy nhất khiến gia tộc này vẫn trụ vững sau hơn 20 năm cầm quyền tại Old Trafford, cũng như không vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ người hâm mộ, chính là Sir Alex Ferguson.

Trái với mối lo ngại của phần lớn cổ động viên Man United, những “hậu quả nhãn tiền” từ việc để nhà Glazers nắm quyền sở hữu câu lạc bộ, không xuất hiện một cách rõ rệt, ngay cả cho tới thời điểm hiện tại. Một trong những nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ việc vị huấn luyện viên huyền thoại Sir Alex Ferguson đã quá khéo léo trong việc gồng gánh một Man United với diện mạo mới, duy trì vị thế bá chủ nước Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Glazers nắm quyền (từ 2005 – 2013).

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà người ta có thể nhìn thấy, là từ năm 2005 trở đi, tần suất nổ bom tấn trên thị trường chuyển nhượng của Quỷ Đỏ ngày càng giảm sút dưới thời Sir Alex, trừ bản hợp đồng mua Dimitar Berbatov từ Tottenham với giá 30 triệu bảng năm 2008, MU gần như vắng bóng trong các cuộc đua tranh những bản hợp đồng kỷ lục châu Âu – Điều mà họ đã thực hiện rất thường xuyên trong giai đoạn 1992 – 2004.

Việc phải tằn tiện chi tiêu và để mặc giới chủ hút máu là điều ngày một hiện rõ, nhưng dưới tư cách người hâm mộ, khi mà Man United của Ngài Alex vẫn bon bon mang về thêm tới 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh, cùng việc đăng quang danh hiệu Champions League danh giá trong giai đoạn này, khiến cho những mối hiểm họa mang tính chiến lược lâu dài mà MU đang phải đối mặt, dần bị phai nhòa, cũng như khiến phần lớn cổ đông của họ không ý thức được hậu quả thực sự của nó.

"Quỷ đỏ" dần bị nhà Glazer hủy hoại.
“Quỷ đỏ” dần bị nhà Glazer hủy hoại. Ảnh: Internet

Và cuối năm 2024, những nhân vật từng đóng vai trò cộm cán tại Old Trafford đã hé lộ rằng, Sir Alex Ferguson không hề có ý định nghỉ hưu vào năm 2013. Nguyên nhân lớn nhất khiến vị cha già của Man United giã từ sự nghiệp, là bởi bản kế hoạch thay máu đội hình của ông, với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là yêu cầu Ban lãnh đạo đội bóng chi 200 triệu bảng để đưa Cristiano Ronaldo trở lại, đồng thời ký hợp đồng với Gareth Bale, không được thông qua.

Nhà Glazers tỏ ra cứng rắn trong chính sách chi tiêu của Man United, với tôn chỉ “vốn ít lời cao”. Họ ý thức một cách rõ ràng rằng ngay từ khi nắm quyền sở hữu MU vào năm 2003, họ đã có cho mình một cỗ máy đào vàng, có khả năng sinh lời tự động mà không cần phải đầu tư quá nhiều.

Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi quyền sở hữu MU thuộc về nhà Glazer, nhưng gánh nặng tài chính vẫn đè nặng lên CLB và đặc biệt là người hâm mộ. Trong khi đó, gia đình Glazer đã bỏ túi hơn 1 tỷ bảng Anh, thông qua việc bán cổ phiếu, thu về lợi tức cổ tức cũng như những chi phí quản lý do chính họ đặt ra để rút tiền từ CLB.

Chỉ 5 năm sau khi tiếp quản MU, khoản vay PIK (thanh toán bằng hiện vật) 236 triệu bảng đã đẩy CLB vào tình trạng nợ nần chồng chất với lãi suất lên đến 16,25%. Riêng mùa giải 2009-10, MU phải trả tới 67 triệu bảng tiền lãi vay, một con số khổng lồ trong bối cảnh CLB phải duy trì sự cạnh tranh ở đỉnh cao châu Âu. Tất nhiên, gia đình Glazer không hề bỏ tiền túi để chi trả những khoản này, mà MU phải tự xoay sở bằng doanh thu của mình.

Năm 2015, câu lạc bộ chính thức bắt đầu trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông, trong đó 6 anh em nhà Glazer hưởng lợi khoảng 100 triệu bảng. Đến tài khóa 2020, dù doanh thu giảm 118 triệu bảng, MU vẫn phải trả 23 triệu bảng tiền lãi cổ tức, trực tiếp góp phần vào khoản lỗ tài chính của CLB. Nếu không có những khoản chi này, MU hoàn toàn có thể đã hòa vốn hoặc thậm chí có lãi.

Gia đình chủ sở hữu "hút máu" nửa đỏ thành Manchester.
Gia đình chủ sở hữu “hút máu” nửa đỏ thành Manchester. Ảnh: Internet

Dù nhìn trên khía cạnh tích cực, gia tộc Glazers vẫn có công lớn trong việc duy trì và phát triển danh tiếng thương mại của Man United, giúp đội bóng duy trì mức doanh thu cao ngất ngưởng – từ 600 đến 900 triệu USD trong 10 năm qua, ngay cả khi thành tích của đội bóng ngày càng trở nên bết bát. 

Tuy nhiên, dưới góc độ vận hành bóng đá, thì điều này hoàn toàn vô nghĩa. Năm 2024, MU vẫn báo cáo khoản thua lỗ lên tới 148 triệu USD, dù đạt doanh thu kỷ lục 886 triệu USD. Khoản lỗ này trên thực tế đều đến từ việc đội bóng phải chi trả các khoản nợ của nhà Glazers. Và để rồi, khi đạo luật cân bằng tài chính ập đến, thì chính đội bóng mới là phía phải hứng chịu hậu quả từ “đòn bẩy tài chính” của giới chủ quản.

Theo dự tính của UEFA, Man United sẽ không được phép chi tiêu quá nhiều trên thị trường chuyển nhượng, có thể chỉ dao động dưới 100 triệu bảng mỗi phiên chợ đông và hè, kể từ năm 2025. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với những cáo buộc và án phạt liên quan. Số tiền này sẽ chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu cấp thiết trong việc thay máu lực lượng. 

Đế chế MU lao đao. Ảnh: Internet

Dù vẫn là một đội bóng có doanh thu cao, nhưng MU lại thiếu đi những nguồn thu trực tiếp từ hoạt động bóng đá. Một trong số đó là doanh thu từ việc xuất khẩu tài năng trẻ, những sản phẩm từ lò đào tạo câu lạc bộ. Bên cạnh đó, giá trị thanh khoản của những cầu thủ hiện tại trong đội hình Man United cũng vô cùng thấp, và nếu chấp nhận bán những Antony, Jadon Sancho hay Rasmus Hojlund, họ sẽ phải chấp nhận lỗ vốn một khoản rất lớn. 

3 cầu thủ nói trên đã tiêu tốn của Man United xấp xỉ 200 triệu phí chuyển nhượng, nhưng dự tính sẽ chỉ mang về được 80 triệu nếu chia tay đội bóng. Trường hợp của Rashford hay Casemiro cũng tương tự, dù phí chuyển nhượng không quá cao, nhưng hai cầu thủ này cũng tiêu tốn tới hàng chục triệu bảng tiền lương mỗi mùa, và nếu bán đi thì MU cũng chỉ dự kiến thu về được khoảng 60 triệu bảng mà thôi.

Việc thiếu nguồn thu trực tiếp từ hoạt động bóng đá khiến các báo cáo tài chính của MU hoàn toàn bất lợi. Vấn đề bắt nguồn từ việc thiếu tầm nhìn vận hành thể thao từ nhà Glazers, khi họ có những sự bổ nhiệm nhân sự thiếu hiệu quả dưới thời Sir Alex Ferguson, dẫn tới việc ném hơn tỉ bảng Anh tiền chuyển nhượng cầu thủ, cũng như hàng trăm triệu bảng phí trả lương cho cầu thủ, ra ngoài cửa sổ.

Kèm theo đó là công tác đào tạo trẻ không được chú trọng phát triển, khiến đội bóng không còn nguồn thu đến từ học viện, cũng như không có phương án bổ sung nhân sự cho đội một.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngay cả khi đã trao quyền điều hành cho INEOS, thì việc Glazers vẫn nắm giữ tới 75% cổ phần Man United, chính là rào cản lớn nhất khiến cả hai phía – INEOS và Glazers, không tập trung đầu tư mạnh tay vào đội bóng, mà thay vào đó là thực hiện những chính sách cắt giảm chi phí vận hành, để bù qua đắp lại.

Trở ngại mang tên nhà Glazer khiến Sir Jim Ratcliffe khó tiến hành cuộc cách mạng triệt để.
Trở ngại mang tên nhà Glazer khiến Sir Jim Ratcliffe khó tiến hành cuộc cách mạng MU triệt để. Ảnh: Internet

Lý giải một cách dễ hiểu, thì INEOS lẫn Sir Jim không có lý do gì để vung tiền đầu tư vào một khối tài sản, mà về pháp lý, họ không có quyền sở hữu. Glazers thì càng không còn động lực để chi tiền, khi mà mục tiêu lớn nhất của họ giờ đây chỉ là càng kiếm về nhiều lợi nhuận càng tốt. Chính vì lẽ đó, MU hiện tại, đang trong tình trạng phải tự cắt da cắt thịt của chính mình, để duy trì công tác vận hành, một thực tại quá nghiệt ngã đối với đội bóng từng được xem là siêu câu lạc bộ của châu Âu.

Sau khi nhà Glazers từ chối đề nghị mua lại Man United với giá lên tới 6 tỉ bảng vào năm 2024, số phận của đội bóng này dường như đã rẽ sang một hướng khác. Kể từ sau khi Sir Alex ra đi, Man United đã chi hàng tỉ bảng để đầu tư và tái thiết đội hình, nhằm tìm lại vị thế, nhưng không thành công. 

Vậy thì không cần nói cũng biết, ở một tương lai không xa, khi mà họ không còn được vung tiền vô tội vạ nữa, trong khi những kẻ hút máu câu lạc bộ vẫn đang chễm chệ nắm lấy huyết mạch của đội bóng, thì viễn cảnh Man United dần dần sa sút, để trở thành một đội bóng hạng 2, như những Nottingham Forest, Leed United hay Everton, và rồi những giai thoại về con Quỷ đỏ từng đạp cả châu Âu dưới gót giày ma thuật, chỉ còn là dĩ vãng, đã không còn là một giả định viển vông nữa, mà đang hiện hữu như một nguy cơ tiềm tàng ngay trước mắt những người hâm mộ nửa đỏ thành Manchester.