Ricardo Quaresma: Từ “siêu sao highlights” đến biểu tượng của bóng đá Bồ Đào Nha

ricardo quaresma euro 2016

Những cú trivela sấm sét và tuyệt mỹ, những đường bóng cong vút đầy ma thuật, với ánh hào quang chẳng khác nào cầu vồng sau cơn mưa. Nhắc đến Ricardo Quaresma, là nhắc đến những tuyệt phẩm để đời, nhắc đến một cầu thủ mà chỉ cần vung chân thôi ngẫu hứng thôi cũng đủ để tạo nên những siêu phẩm để đời, khiến danh hiệu Puskas 2018 của Salah phải lấy gièm che mặt vì thẹn chẳng bằng.

Nhưng liệu bạn có thắc mắc rằng tại sao một cái tên quái kiệt như vậy, lại chẳng để lại chút ấn tượng nào trong những biên niên sử của các huyền thoại bóng đá hay không? Câu trả lời rất đơn giản, ngoài những pha highlights đó ra, Quaresma chẳng có gì nữa. Ngay cả trong kỷ nguyên của thứ mà người ta vẫn gọi là bóng đá đẹp, thời kỳ mà những số 10 cổ điển còn đang tung hoành trên khắp các sân cỏ châu Âu, các cầu thủ đồng thời cũng là những nghệ sĩ, và chiến thuật chặt chẽ, khô khan chưa bó buộc con người ta vào một khuôn khổ, thì Ricardo Quaresma, vẫn chẳng có cửa chung mâm với những cầu thủ tấn công số má khác.

Sự nghiệp của ngôi sao đồng trang lứa với Cristiano Ronaldo thậm chí có thể được tổng kết gói gọn chỉ trong một clip highlights chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Từng khoác 3 ông lớn hàng đầu châu Âu, nhưng chưa bao giờ, chàng nghệ sĩ sân cỏ này để lại những dấu ấn tích cực trong sự nghiệp thi đấu tại câu lạc bộ. Sự thiếu ổn định, lười biếng, và tùy hứng của Quaresma đã trực tiếp đưa sự nghiệp đầy triển vọng của anh tụt dốc không phanh theo năm tháng.

Ricardo Quaresma nổi tiếng với những pha xử lý kỹ thuật trên YouTube. Ảnh: Internet
Ricardo Quaresma nổi tiếng với những pha xử lý kỹ thuật trên YouTube. Ảnh: Internet

Tuy vậy, ở cái tuổi 33 tưởng chừng như đã là dấu chấm hết cho những tháng năm lay lắt của nghiệp quần đùi áo số, Ricardo Quaresma lại bất ngờ tìm thấy ánh hào quang chói lọi nhất sự nghiệp – Chức vô địch UEFA Euro 2016, nơi mà anh cùng những gã trai “tuổi băm” khác của xứ Bồ Đào Nha, như Nani, Pepe, hay Cristiano Ronaldo, đã chơi một giải đấu để đời, và rồi tận hưởng vinh quang tột đỉnh. Mùa hè 2016 trên đất Pháp, cũng là nơi người ta chứng kiến một Quaresma rất khác biệt – Một hình bóng mà những người yêu mến anh đã mong ngóng từ lâu, một nghệ sĩ với trái tim và tinh thần của chiến binh, của người con dân tộc.

Khởi đầu sự nghiệp, Quaresma chính là một trong 2 tài năng trẻ đầy triển vọng của Sporting Lisbon vào đầu những năm 2000, cùng với Cristiano Ronaldo. Thời điểm đó, có một chi tiết ít ai để ý rằng, chuyến viếng thăm của Sir Alex Ferguson và bộ sậu Man United trong trận giao hữu giữa MU và Sporting vào năm 2003, nhân dịp khai trương sân vận động mới của đội bóng thủ đô Bồ Đào Nha, là để xem giò Ricardo Quaresma – Tài năng trẻ đang nổi như cồn tại châu Âu thời điểm ấy, chứ không phải Cristiano Ronaldo – Một cái tên dù cũng tài năng, nhưng kém danh tiếng hơn. 

Dẫu vậy, ngay trước ngày lên đường, Sir Alex Ferguson nhận được mật báo rằng Liverpool cũng đang cử tuyển trạch viên đến Lisbon, nhưng mục tiêu của họ không phải Quaresma, mà là CR7. Bằng trực giác thiên tài, Ngài Máy Sấy Tóc ngay lập tức chuyển đối tượng thăm dò, và như chúng ta đã biết, Sir Alex cuối cùng đã hoàn toàn bị Ronaldo mê hoặc, trong khi Ricardo Quaresma bị đánh giá là quá rườm rà và lười chạy. 

Cứ như vậy, sự nghiệp và cuộc đời của hai tài năng trẻ sáng giá nhất bóng đá Bồ Đào Nha, đã lần lượt rẽ theo những bước ngoặt khác nhau, vào mùa hè 2003. Ronaldo cập bến Man United, bất chấp sự mời gọi từ Liverpool và Arsenal, Quaresma cũng không cần phải chờ đợi quá lâu, khi Barcelona đã chiêu mộ anh về với sân Nou Camp sau đó chỉ vài tuần.

HLV Frank Rijkaard hy vọng anh là sự thay thế xứng đáng cho người đồng hương Luis Figo và sẽ tạo ra đôi cánh huyền ảo cùng với Ronaldinho. Tuy vậy, thay vì chăm chỉ luyện tập để thích nghi với đội bóng mới, Quaresma tự cho mình cái quyền đòi hỏi, liên tục đưa ra yêu sách với HLV Rijkaard về một vị trí tự do trên hàng công, vốn dĩ là đặc quyền chỉ dành cho Ronaldinho. Thậm chí, cựu ngôi sao Sporting Lisbon còn lên báo công khai chỉ trích nhà cầm quân người Hà Lan đã cố tình gò ép anh vào những hệ thống chiến thuật khô khan. Rất nhanh chóng, anh phải rời khỏi xứ Catalan chỉ sau một mùa giải và hồi hương khoác áo Porto. 

Sau vết trượt tại Nou Camp, Quaresma còn được trao cơ hội thử sức trong màu áo Chelsea và Inter – 2 ông lớn khác của bóng đá châu Âu. Nhưng thêm nhiều lần nữa, ngôi sao người Bồ Đào Nha đã không thể tỏa sáng đúng như kỳ vọng khi khoác áo một CLB lớn. Giống như tại Barca, anh đã bày tỏ thái độ bất hợp tác với chiến thuật của HLV và phải nhận danh hiệu Thùng rác vàng dành cho bản hợp đồng thất bại nhất của mùa giải tại Serie A. 

Ricardo Quaresma từng chơi bóng cho Chelsea. Ảnh: Internet
Ricardo Quaresma từng chơi bóng cho Chelsea. Ảnh: Internet

Từ đó trở đi, sự nghiệp tại cấp CLB của Quaresma dần đi xuống khi chỉ khoác áo các đội bóng làng nhàng trước khi giải nghệ vào năm 2022. Có thể nói, Quaresma là một cầu thủ sở hữu tài năng xuất chúng và dị biệt, nhưng cái tôi cao ngất ngưởng cùng thói vô kỷ luật đã khiến anh mãi mãi không thể vươn mình trở thành một cầu thủ giỏi, chứ đừng nói tới là một siêu sao như những người yêu mến anh từng kỳ vọng.

Thế nhưng, có duy nhất một lần mà Quaresma chấp nhận hạ thấp cái tôi của mình xuống, và khiến cả thế giới phải ngạc nhiên, khi chứng kiến anh chàng này bỗng dưng biết tuân thủ theo chiến thuật của HLV. Đó chính là hành trình chinh phục chức vô địch Euro 2016 cùng Bồ Đào Nha. 

Việc HLV của Bồ Đào Nha khi đó là Fernando Santos triệu tập Quaresma vào danh sách tham dự Euro 2016 vốn dĩ đã là một động thái bất ngờ. Anh đã 33 tuổi, chỉ khoác áo một đội bóng làng nhàng như Besiktas và trước đó chưa bao giờ thể hiện màn trình diễn tốt khi được góp mặt tại Euro 2008 và 2012. Không nhiều người hâm mộ tin rằng thần đồng một thời của Sporting Lisbon sẽ làm nên chuyện trên đất Pháp.

Tuy vậy, ở trận giao hữu cuối cùng trước thềm Euro 2016 gặp Estonia, Quaresma đã nhắc lại cho chúng ta thấy rằng vì sao anh từng được coi là tài năng trẻ sáng giá hơn cả Ronaldo. Ngoài việc ghi 2 bàn thắng cùng 2 đường kiến tạo, anh còn xông xáo trong nhiệm vụ phòng ngự – điều mà trước đây chúng ta không bao giờ thấy.

Quan trọng hơn cả, là ngay cả khi phải chạy nhiều hơn, phải thi đấu gò ép vào khuôn khổ chiến thuật hơn, Quaresma vẫn có đủ năng lượng để thực hiện vô số những pha bóng đầy ngẫu hứng, như là cú trivela trứ danh dẫn đến bàn mở tỷ số của CR7 hay một vài lần chuyền bóng kiểu rabona. Có thể nói, màn trình diễn của Quaresma trong chiến thắng này còn làm lu mờ cả Ronaldo và giúp cho cổ động viên của đội tuyển áo bã trầu có thêm niềm tin về sự trở lại của thần đồng một thời.

Nhìn kỹ lại, có thể nói hành trình lên ngôi của Bồ Đào Nha tại Euro 2016 tương đối kỳ lạ và không giống bất kỳ đội bóng nào. Selecao được xếp vào một bảng đấu tương đối dễ thở với những đối thủ kém tiếng tăm hơn rất nhiều là Áo, Iceland và Hungary. Tuy vậy, Bồ Đào Nha đã để bị cầm hòa trong cả 3 trận đấu, chỉ ghi được 4 bàn và cũng để thủng lưới 4 lần. Đoàn quân của HLV Fernando Santos chỉ được đi tiếp với tư cách là 1 trong 4 đội đứng thứ 3 có thành tích tốt nhất. Rõ ràng, với thành tích như vậy, không ai nghĩ rằng đội tuyển áo màu đỏ thẫm có thể làm nên chuyện khi bước vào vòng loại trực tiếp của giải đấu. 

Ricardo Quaresma tỏa sáng tại Euro 2016. Ảnh: Internet
Ricardo Quaresma tỏa sáng tại Euro 2016. Ảnh: Internet

Thế nhưng, Bồ Đào Nha càng vào sâu thì càng thi đấu gắn kết hơn với đầu pháp phòng ngự phản công cực kỳ hợp lý. Bước vào trận đấu vòng 1/8 gặp Croatia, HLV Santos đã chỉ đạo các học trò tập trung phòng ngự lùi sâu và chờ đợi các cơ hội phản công. Và đó cũng chính là lúc mà Quaresma được tung vào sân để đóng vai người hùng. Phút thứ 117, sau một tình huống phản công chớp nhoáng nơi trung lộ, Ronaldo đón đường căng ngang bên cánh trái của Nani rồi tung cú dứt điểm quyết đoán từ góc hẹp. Thủ môn Subasic đẩy bóng ra nhưng Quaresma đã có mặt ở vị trí thuận lợi và đánh đầu bồi vào lưới trống, mở tỉ số cho Bồ Đào Nha. Đó cũng chính là bàn thắng duy nhất của trận đấu. 

Pha lập công này của Quaresma khác rất nhiều so với phong cách thường thấy của anh. Đó không phải là một tình huống đi bóng qua 2-3 cầu thủ rồi ghi bàn, hay là một cú trivela đẹp mắt. Quaresma của những ngày trẻ trung sẽ không bao giờ xâm nhập sâu vào vòng cấm chỉ để tung ra một cú dứt điểm bồi đơn giản. Lãnh địa của anh ở phạm vi bên ngoài vòng cấm, nơi những tố chất kỹ thuật của cầu thủ này có đất diễn, bất chấp việc nó có mang lại hiệu quả cho đội bóng của anh hay không. 

Nhưng Quaresma tại Euro 2016 không còn là tài năng trẻ với độ ngông và cái tôi cao ngút trời nữa mà là một lão tướng 33 tuổi đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong sự nghiệp. Anh đã biết hạ cái tôi xuống, biết tuân thủ chiến thuật, biết chiến đấu vì tập thể, Quaresma năm ấy vẫn lười chạy, nhưng đã biết chịu khó di chuyển theo khối đội hình hơn, đặc biệt là việc giữ cự ly hợp lý với CR7 trên hàng công. Hay nói cách khác, gã nghệ sĩ lang bạt này, bằng một cách thần kỳ nào đó, bất ngờ trở nên “ngoan ngoãn” và biết tuân thủ những yếu tố chiến thuật cơ bản của bóng đá, thay vì làm màu làm mè, làm mình làm mẩy. 

Chính vì vậy, trong khoảnh khắc chọc thủng lưới của Croatia ở hiệp phụ, cựu thần đồng này chính là người hùng đích thực giúp cho Bồ Đào Nha đi tiếp. 

Sau đó, Selecao lần lượt vượt qua Ba Lan sau loạt sút luân lưu cân não tại tứ kết và chiến thắng 2-0 trước Xứ Wales tại vòng bán kết. Trong trận đấu cuối cùng gặp chủ nhà Pháp, Bồ Đào Nha bị đánh giá thấp hơn rất nhiều nhưng lại thi đấu vô cùng kiên cường. Để rồi khi Eder ghi bàn thắng quý hơn vàng ở trong hiệp phụ, những người yêu quý Selecao đã vỡ òa trong sung sướng. Khoảnh khắc Ronaldo ôm lấy Quaresma thực sự để lại dấu ấn khó phai, khi mà 2 cầu thủ trẻ hàng đầu ngày nào nay đã là những lão tướng dẫn dắt Bồ Đào Nha lần đầu lên ngôi vô địch châu Âu.

Có thể nói chiếc cúp Euro 2016 chính là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Ricardo Quaresma. Anh đã từng đăng quang UEFA Champions League trong màu áo Inter Milan, nhưng đó chỉ là một thắng lợi đầy chua chát, khi cầu thủ này chẳng khác nào kẻ thừa thãi trong hành trình vinh quang của nửa xanh – đen thành Milano.

Hình ảnh khiến CĐV đội tuyển Bồ Đào Nha nhớ mãi tại Euro 2016. Ảnh: Internet
Hình ảnh khiến CĐV đội tuyển Bồ Đào Nha nhớ mãi tại Euro 2016. Ảnh: Internet

Mỗi khi nhắc tới Quaresma, chúng ta thường xuyên dành nhiều sự tiếc nuối cho một tài năng thiên bẩm với lối chơi hoa mỹ và những cú trivela đẹp như tranh vẽ, nhưng cũng đồng thời nhắc tới một cầu thủ bất kham, với sự nghiệp làng nhàng và tính cách khó ưa. Nhưng sau khi trải qua một sự nghiệp với rất nhiều thăng trầm, Quaresma đã từng ít nhất một lần được vỗ ngực tự hào vì những gì mà mình đã cống hiến cho bóng đá Bồ Đào Nha trong mùa hè 2016 diệu kỳ ấy, nơi mà việc anh vứt bỏ cái tôi cao ngút, lại bất ngờ trở thành chìa khóa giúp anh được thỏa ước nguyên vinh quang, lần đầu tiên và cũng là sau cuối.

Còn với những người đã theo dõi, đã trót yêu mến Quaresma từ thuở thiếu thời, khi chứng kiến “vũ khúc cuối cùng” của gã nghệ sĩ ngang tàng này trên sân cỏ nước Pháp năm ấy, chắc hẳn nhiều người sẽ phải chửi thẳng vào mặt gã: “Sao không đá như thế từ hồi 20 tuổi đi? Sao không chơi bóng cho tử tế, để người đời không phải chứng kiến sự lụi tàn của một thiên tài độc nhất vô nhị?”

Nhưng biết sao được, không ngang tàng phá phách, không tự hủy hoại sự nghiệp, thì đâu phải là cá tính của Quaresma.