Máu lửa hơn mọi trận chung kết, dữ dội hơn mọi cuộc chiến danh hiệu, khi những màn đối đầu không còn gói gọn ở cuộc chơi trên sân cỏ, mà đã trở thành sự xung đột về lẽ sống, tư tưởng và văn hóa. Trận đấu mà niềm tin, danh dự, lịch sử và cả bản sắc văn hóa được dồn nén trong 90 phút nghẹt thở. Ở đó, người ta không đơn thuần thi đấu vì điểm số – mà là để bảo vệ màu cờ, tiếng nói của quê hương xứ sở, hay lời thề máu của giai cấp, cộng đồng.
Từ những con phố huyên náo tại Buenos Aires đến khán đài sôi sục lửa căm hờn ở Istanbul, từ ánh hào quang của Bernabeu và Nou Camp, đến hơi thở rực cháy tại La Bombonera – bóng đá thế giới đã chứng kiến những trận derby không dành cho kẻ yếu tim.
Với lịch sử trải dài gần 150 năm, bóng đá chuyên nghiệp từ lâu đã vượt ra ngoài phạm trù thể thao, giải trí. Môn thể thao vua đã trở thành một nét văn hóa trong nhiều cộng đồng dân cư, nhiều vùng miền, và thậm chí trở thành “tôn giáo” của nhiều quốc gia. Và kéo theo hành trình vươn tầm ảnh hưởng đó, bản thân những trận đấu cũng không còn mang một giá trị đơn thuần, mà trong nhiều trường hợp, nó còn là nơi tranh đấu giữa những cộng đồng khác biệt về giai cấp, văn hóa và tín ngưỡng. Những trận Derby chính là minh chứng sống cho những màn đối đầu ấy, nơi người ta mượn bóng đá để cất lên tiếng nói cộng đồng, cất lên những bản hùng ca bùng cháy nhất.

Đầu tiên, chúng ta hãy điểm qua khái niệm về 1 trận Derby. Bạn đã từng nghe qua một câu lạc bộ có tên là Derby County chưa? Đội bóng này có trụ sở tại thị trấn Derby, thuộc hạt Derbyshire, nằm ở miền Trung nước Anh. Vào thế kỷ 12, tại vùng đất này, người dân địa phương hình thành một truyền thống gọi là “trận bóng Royal Shrovetide”. Đây là trận đấu bóng đá giữa 2 khu dân cư riêng biệt của thị trấn Derby, và điểm đặc biệt của nó chính là việc không có giới hạn luật lệ, không giới hạn người chơi.
Quy tắc duy nhất được đặt ra chỉ là bạn phải tìm mọi cách để đưa bóng vào khung thành đối phương. Và dĩ nhiên, với tính chất của một trận đấu như vậy, thì mỗi lần Royal Shrovetide diễn ra, là một lần hỗn chiến giữa hai cụm dân cư. Bạo lực, xô xát kèm theo những tiếng hò reo phấn khích, đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng này.
Sau này, khi bóng đá hiện đại ra đời, cái tên của thị trấn Derby đã được người Anh sử dụng để gọi những trận đấu giữa các đối thủ trong cùng một vùng, một địa phương, nhưng lại tồn tại những mối xung đột sâu sắc về cội nguồn và lý tưởng bóng đá, văn hóa, lịch sử…
Khái niệm này sau đó cũng được áp dụng và nhân rộng theo sự phổ biến của ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, mỗi trận Derby của các quốc gia, vùng miền khác nhau trên thế giới, vẫn sẽ có những tên gọi đặc trưng riêng. Và sau đây là Top 10 trận derby kinh điển nhất hành tinh – nơi những con tim yêu bóng đá không còn giữ được nhịp điệu, và mọi giới hạn cảm xúc đều bị phá vỡ.
Top 1 – El Clasico – Real Madrid vs Barcelona (Tây Ban Nha)
Trận chiến của 2 câu lạc bộ vĩ đại nhất thế giới, niềm tự hào của Tây Ban Nha, biểu tượng bất diệt của bóng đá, đó chỉ là một trong số ít những mỹ từ để mô tả về El Clasico – Trận Derby nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử túc cầu giáo, giữa hai câu lạc bộ Real Madrid và Barcelona.

Sự xung đột toàn diện và tuyệt đối giữa 2 đội bóng Real và Barca, chính là chất xúc tác biến El Clasico trở thành cuộc thư hùng đáng chú ý nhất của thế giới bóng đá, và thậm chí, trong kỷ nguyên hoàng kim của El Clasico, khi Messi và Ronaldo còn hiện diện, nhiều chuyên gia còn khẳng định rằng trận đấu này sở hữu sức hút còn hơn cả Chung kết World Cup.
El Clasico trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “trận đấu kinh điển”. Nó không đơn thuần là một trận đấu mà “đội A gặp đội B”. Nó là biểu tượng của cuộc đối đầu giữa hai thực thể xã hội – chính trị – văn hóa lớn của Tây Ban Nha:
Một bên là Barcelona – biểu tượng của xứ Catalonia. Xứ tự trị Catalonia có ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử riêng biệt, và luôn mang trong mình khát vọng độc lập khỏi Tây Ban Nha. Barcelona vì thế không chỉ là CLB, mà còn là biểu tượng của tinh thần Catalan: “Més que un club” – “Hơn cả một CLB”. Hoặc nói một cách thực tế và phũ phàng hơn, thì đội bóng này chính là một con bài chính trị, một món vũ khí không sát thương, mà Chính quyền Catalonia sử dụng để đối đầu với Chính phủ Tây Ban Nha.
Mà đại diện cho quyền lực của Hoàng gia và chính phủ trung ương xứ bò tót, trên mặt trận giải trí, văn hóa, không phải cái tên nào khác, chính là Real Madrid. Trong thời kỳ độc tài của tướng Franco (1939–1975), Real Madr id được xem là đội bóng “ưu ái” của chính quyền trung ương. Franco đàn áp văn hóa Catalan, cấm tiếng Catalan, và nhiều người xem việc Real Madrid thống trị thời đó là công cụ tuyên truyền chính trị.
Cho đến tận ngày nay, Real Madrid vẫn là một trong những đội bóng được Hoàng tộc Tây Ban Nha trao tặng danh hiệu “đội bóng Hoàng gia”, và cũng tương tự như Barca, nó trở thành công cụ, minh chứng cho sự thống trị tuyệt đối của Hoàng gia và Chính phủ trung ương, đối với các vùng đất đòi ly khai tại Tây Ban Nha.
Xung đột chính trị sâu sắc biến mọi trận El Clasico trở thành cuộc chiến không tiếng súng. Còn xét về những khái niệm trong bóng đá, hai đội bóng này cũng đại diện cho hai trường phái, triết lý đối lập nhau: Real Madrid chủ trương quy tụ những ngôi sao hàng đầu thế giới, áp dụng những chiến thuật bóng đá thực dụng, với mục tiêu cuối cùng là gặt hái mọi danh hiệu.
Trong khi Barcelona luôn chú trọng công tác đào tạo, ươm mầm tài năng trẻ, và đồng thời luôn bị ám ảnh bởi bóng đá đẹp. Đối với họ, chiến thắng thôi là chưa đủ, đó phải là một thắng lợi hoa mỹ, đẹp mắt và chiếm trọn tình cảm của khán giả.
Mối xung đột và thù hận của hai đội bóng càng bị đào sâu sau những sự kiện cụ thể, đầu tiên là thương vụ chuyển nhượng Di Stefano.

Năm 1953, cả Barcelona và Real Madrid đều muốn chiêu mộ huyền thoại Alfredo Di Stefano. Barca đạt thỏa thuận trước, nhưng sau đó, bằng các thủ thuật hậu trường (được cho là có bàn tay của Franco), Real giành được Di Stefano. Ngôi sao người Argentina sau đó trở thành biểu tượng giúp Real thống trị châu Âu, còn Barca rơi vào khủng hoảng trầm trọng vì thiếu vắng nhân tài. Vụ việc để lại vết rạn lịch sử, thổi bùng thù hận giữa 2 đội bóng.
50 năm sau, sự kiện Luis Figo – Đội trưởng của Barcelona, bất ngờ chuyển sang khoác áo Real Madrid năm 2002, được xem là đỉnh điểm biến El Clasico thành một trận đấu ngập tràn thù hận, kéo theo nguy cơ bùng nổ bạo lực.
Dẫu vậy, đỉnh cao danh vọng của El Clasico, chỉ bắt đầu từ giai đoạn 2005, và kéo dài tới 2015, khi một khái niệm mới được khai sinh: “Ronaldinho, Messi đối đầu Galacticos”. Khi bố già Perez hai lần vực dậy Real Madrid với chính sách Dải Ngân Hà, thì Barcelona cũng tự hào với trang sử vẻ vang khi sở hữu lần lượt 2 thiên tài xuất chúng nhất của lịch sử bóng đá: Ronaldinho, và người kế thừa anh, thậm chí còn vĩ đại hơn – Lionel Messi.
Rô vẩu và Messi là 2 ngôi sao biểu tượng cho bóng đá nghệ thuật mà Barcelona luôn tự hào, đối địch với tư duy bóng đá thực dụng và lạnh lùng, với dàn siêu sao trứ danh của Real Madrid. Chỉ cần tưởng tượng thôi, bất kỳ người hâm mộ nào cũng sẽ không thể bỏ lỡ bữa tiệc bóng đá tuyệt đối điện ảnh như vậy, và đó chính là quãng thời gian mà mỗi trận El Clasico, còn được mong đợi hơn cả Chung kết Champions League hay Chung kết World Cup, với trung bình 600 triệu lượt người xem trong mỗi trận đấu, kéo dài xuyên suốt 1 thập kỷ.
Top 2 – Superclasico: Boca Juniors vs River Plate (Argentina)
Nhắc đến những trận Derby, chúng ta sẽ không thể bỏ qua Superclasico – trận đấu máu lửa, dữ dội và điên rồ bậc nhất thế giới bóng đá giữa hai gã khổng lồ của Argentina: Boca Juniors và River Plate.
Đây là trận đấu mà người Argentina không xem đơn thuần là bóng đá – mà là cuộc chiến giai cấp, niềm kiêu hãnh bản sắc, và thậm chí là vấn đề sống còn của một phần dân tộc.

Cả Boca Juniors và River Plate đều được thành lập tại khu phố La Boca – một khu cảng nghèo mang đậm văn hóa nhập cư Ý ở thủ đô Buenos Aires. Nhưng vào năm 1923, River Plate chuyển về khu vực thượng lưu Nunez, mang theo hình ảnh “giàu có, quý tộc, sang chảnh”.
Trong khi đó, Boca Juniors vẫn ở lại La Boca, đại diện cho tầng lớp lao động, công nhân cảng, nhập cư nghèo. Từ đây, cuộc chiến giữa hai đội vượt xa bóng đá – mà trở thành biểu tượng của sự đối lập: Giàu và Nghèo – Quý tộc và Bình dân – của sắc Trắng đỏ và Xanh vàng.
Chỉ nhìn vào biệt danh mà hai đội bóng này tự đặt cho nhau, cũng đủ hiểu sự khác biệt và tư duy và văn hóa sâu sắc đến mức nào. Trong khi Boca Juniors tự xưng là “Xeneizes” (Di nai zét) – hậu duệ của người nhập cư Genoa, Ý, (Giơ Noa)
Thì River Plate lại tỏ ra vô cùng kiêu ngạo khi tự gọi mình “Los Millonarios” – “những gã triệu phú”. Màn đối đầu giữa Boca và River, từ lâu đã không còn là câu chuyện riêng của khu phố La Boca, mà còn là minh chứng sống cho vấn đề phân hóa giàu nghèo sâu sắc của xã hội Argentina.
Người Argentina có câu nói nổi tiếng: “Bạn có thể đổi chính trị, tôn giáo, thậm chí đổi vợ – nhưng không bao giờ được phép đổi phe trong Superclasico.”
Đó là một trận đấu bóng đá, nhưng không hề có chỗ cho sự hòa nhã, tinh thần thể thao hay thông điệp hòa bình nào. Nó là chiến trường, là nơi máu, nước mắt và danh dự được dồn vào mỗi pha chạm bóng. Tại Nam Mỹ, nếu một trận Superclasico diễn ra suôn sẻ, mà không có bất kỳ cổ động viên nào bị thương, bị hành hung, hay không có bất kỳ cuộc bạo loạn nào nổ ra, thì đó chính là dấu hiệu thế giới đến ngày tàn lụi.
Trẻ con ở Argentina, nếu sinh ra trong gia đình có truyền thống là fan của Boca Junior hay River Plate, chúng sẽ được dạy cách căm thù, ghét bỏ và phỉ báng đối thủ, trước khi được dạy tập đọc, tập viết – vì đơn giản, đó là bản sắc, là văn hóa của cộng đồng người hâm mộ hai đội bóng này.
Nếu El Clasico là “cuộc chiến vì danh vọng và chính trị”, thì Superclasico, có những ý nghĩa dung dị, đơn thuần hơn, nhưng cũng bao hàm và mang tính xã hội rộng rãi hơn. Đó là cuộc đối đầu giai cấp, sự xung đột giàu nghèo, là trận chiến vì máu, vì linh hồn và trái tim của hàng triệu con người, vốn từng chung lưng đấu cật, rũ bùn đứng lên, nhưng nay đã trở thành những kẻ đối địch, bị ngăn cách bởi chính những giai tầng xã hội.
Top 3 – Derby della Madonnina: Inter Milan vs AC Milan (Ý)
Derby della Madonnina, hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn: Derby thành Milano, là cuộc đối đầu giữa 2 câu lạc bộ thành công bậc nhất của bóng đá Ý trong thế kỷ 20 – Inter Milan và AC Milan.

Derby della Madonnina được đặt theo bức tượng Đức Mẹ (Madonnina) trên đỉnh mái nhà thờ Duomo di Milano, biểu tượng linh thiêng của thành phố Milan – nơi hai đội cùng đặt đại bản doanh.
Ngọn nguồn xung đột bắt đầu từ quá trình hình thành câu lạc bộ Inter Milan. Năm 1899, CLB AC Milan được thành lập bởi các thương nhân người Anh tại Milan. 9 năm sau, vào năm 1908, một nhóm thành viên bất đồng quan điểm với chính sách “chỉ sử dụng cầu thủ Ý” của AC Milan đã ly khai và lập nên Internazionale (Inter Milan) – với tôn chỉ đa quốc tịch, cởi mở với cầu thủ ngoại.
Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm, 2 đội bóng vĩ đại bậc nhất lịch sử đã lần lượt được khai sinh, và ngay lập tức hình thành một mối quan hệ thù địch, xuất phát từ xung đột tư tưởng và triết lý vận hành.
Kéo theo sự trỗi dậy của hai thế lực đỏ đen và xanh đen, người dân Milan thậm chí đã lựa chọn trở thành cổ động viên của một trong hai đội bóng, như một cách trực quan nhất để thể hiện quan điểm và tư duy cuộc sống của bản thân:
Inter Milan: Gắn với tầng lớp trung lưu, trí thức, mở cửa toàn cầu. Những người hâm mộ Inter cũng theo đuổi tư duy cấp tiến, ủng hộ phong trào toàn cầu hóa, tiếp thu tư tưởng giáo dục, văn hóa, nghệ thuật thế giới.
AC Milan: Gắn với tầng lớp lao động, công nhân, mang màu sắc “quần chúng”. Người hâm mộ AC Milan nổi tiếng về sự “bảo thủ”, tôn thờ truyền thống một cách cực đoan. Đội bóng này cũng gắn liền với những giai thoại về các hội cổ động viên xuất thân từ Mafia, hoặc những kẻ có tư duy chính trị mang hơi hướng quân phiệt, phát xít.
Một nét đáng chú ý, và cũng là câu chuyện độc đáo nhất về Derby Milano, đó chính là việc cả hai đội đều dùng sân San Siro (Giuseppe Meazza) làm sân nhà. Chỉ riêng việc gọi tên sân vận động này thôi, cũng đủ khiến cổ động viên hai bên có cớ đánh nhau sứt đầu mẻ trán.
Tên chính thức của sân vận động này là Stadio Giuseppe Meazza – Được đặt theo tên của huyền thoại bóng đá từng khoác áo cả Inter lẫn AC trong quá khứ. Dẫu vậy, xét về cống hiến, Meazza có nhiều đóng góp hơn cho màu áo của Inter Milan, và được đội bóng xanh đen đặt tên cho sân nhà của họ.
Trong khi đó, khi sử dụng Stadio Giuseppe Meazza, AC Milan sẽ đổi tên sân thành San Siro – Tên gọi của quận San Siro, nơi sân vận động này tọa lạc. Nói một cách ngắn gọn, các cổ động viên Inter Milan “dẫn trước 1-0” trước AC Milan, bởi tên sân của họ được chọn làm tên gọi chính thức.

Dẫu vậy, cũng chính vì việc dùng chung sân, nên cuộc chiến màu cờ sắc áo trên các khán đài của các trận Derby Milano luôn diễn ra vô cùng thú vị và căng thẳng. Khi AC Milan làm chủ nhà, San Siro sẽ được nhuộm màu đỏ rực; khi Inter Milan thi đấu trên sân nhà, sắc xanh đen phủ kín khán đài. Đã từng xảy ra không ít vụ việc, các cổ động viên hai bên “trà trộn” lẫn vào nhau, chỉ để nhằm mục đích “đổi màu” khán đài, gây nên những cuộc xung đột nảy lửa.
Đỉnh điểm của những màn đụng độ trên khán đài giữa cổ động viên 2 bên, diễn ra ở trận đấu giữa Inter Milan vs AC Milan ở bán kết Champions League mùa 2004 – 2005. Trận đấu đã bị hủy giữa chừng vì pháo sáng ném xuống sân khiến thủ môn Dida (AC Milan) suýt gặp chấn thương nặng.
Cảnh sát ngay lập tức được huy động, nhưng không thể xoa dịu tình hình, hàng loạt vật thể lạ bị ném xuống mặt sân, trận đấu buộc phải tạm dừng khi những quả pháo khói và pháo sáng đã lấp kín sân đấu. Inter Milan sau đó bị xử thua 0-3 trong trận lượt về, đồng thời phạt 200.000 euro và phải thi đấu 4 trận sân nhà không có khán giả tại Cúp châu Âu.
Dẫu vậy, ký ức vẹn nguyên nhất và đẹp đẽ nhất của người hâm mộ trong đêm San Siro kinh hoàng năm ấy, lại là hình ảnh Marco Materazzi khoác vai Rui Costa. Một cầu thủ Inter, và một cầu thủ AC Milan, một gã đồ tể, một nghệ sĩ sân cỏ, đứng chung một khung hình, như một khoảnh khắc biểu tượng mang ý nghĩa xóa nhòa mọi ranh giới thù địch trong bóng đá.
So với El Clasico hay Superclasico, Derby della Madonnina không ẩn chứa quá nhiều yếu tố cảm xúc tiêu cực, mà trái lại, nó từ lâu đã trở thành một biểu tượng đầy thi vị của bóng đá Ý, khi hội tụ sự hòa quyện của một tinh thần máu lửa, nhưng vẫn nung nấu trong đó những khoảnh khắc đậm chất thơ.
Ở số tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đến với những cái tên tiếp theo trong danh sách những trận Derby kinh điển của bóng đá thế giới. Và nếu bạn có ấn tượng về những trận Derby nào, hãy để lại bình luận góp ý ngay bên dưới.
Leave a Reply