Trong phần 1, chúng ta đã điểm qua 3 trận Derby nổi tiếng nhất của bóng đá thế giới. Dẫu vậy, đó vẫn chỉ là một góc rất nhỏ của bức tranh bóng đá muôn màu, và trên khắp các sân cỏ toàn cầu, vẫn còn vô số những trận Derby khét tiếng về mức độ cạnh tranh và thù địch không kém.
Và ngày hôm nay, hãy cùng nhau bước đến chặng cuối của hành trình khám phá những trận Derby kinh điển nhất của bóng đá thế giới.
Top 4 – Old Firm Derby: Celtic vs Rangers (Scotland)
Không có trận derby nào ở châu Âu vừa cổ xưa, vừa bạo liệt, lại vừa phức tạp về xã hội như Old Firm Derby giữa Celtic và Rangers. Từ hơn một thế kỷ trước, đây đã không còn là một cuộc chơi bóng đơn thuần – mà là biểu tượng của sự chia rẽ sâu sắc về tôn giáo, sắc tộc, và quan điểm chính trị giữa hai cộng đồng sống chung trên đất Scotland.
Đây không chỉ là trận bóng, mà là cuộc đối đầu sắc tộc – tôn giáo – chính trị kéo dài hơn một thế kỷ. Celtic đại diện cho cộng đồng Công giáo, ủng hộ Ireland; Rangers đại diện cho Tin Lành, ủng hộ Vương quốc Anh.

Với những tính chất đối đầu nhạy cảm, cặp đấu giữa Celtic và Rangers bị coi là một trong những trận derby nguy hiểm và thù hận nhất thế giới, khi đã từng có những cuộc bạo loạn, thậm chí là thương vong liên quan đến cổ động viên.
Celtic FC được thành lập năm 1887 bởi cộng đồng người Ireland theo Công giáo nhập cư vào Glasgow, nhằm gây quỹ giúp người nghèo. Trong khi đó, Rangers FC đã tồn tại từ 1872, và nhanh chóng trở thành biểu tượng của cộng đồng người Scotland theo đạo Tin Lành, vốn trung thành với Vương quốc Anh.
Những năm đầu thế kỷ 20, Rangers có phần lấn lướt, nhưng kể từ đầu thế kỷ 21, Celtic dưới thời Neil Lennon, Brendan Rodgers… đã vươn lên mạnh mẽ.
Một cột mốc chấn động là năm 2012, Rangers phá sản và bị đánh rớt xuống giải hạng Tư Scotland. Nhiều CĐV Celtic cho rằng đối thủ đã “chết”, và các trận derby sau này đều mất đi giá trị vốn có. Nhưng khi Rangers trở lại, ngọn lửa kình địch bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Old Firm Derby có thể không sở hữu những ngôi sao triệu đô như El Clasico, nhưng bù lại là tính truyền thống, tính biểu tượng và bầu không khí độc nhất vô nhị. Cầu thủ nước ngoài khi lần đầu ra sân trong trận này đều mô tả là “shock văn hóa”, bởi tiếng la hét, căng thẳng và áp lực sân cỏ không khác gì chiến trường.
Nếu El Clasico là một cuộc chơi chính trị, thì Old Firm lại được xem như một trận chiến của tôn giáo, bản sắc dân tộc. Đây không chỉ là 90 phút trên sân cỏ – mà là cuộc va chạm của lịch sử, niềm tin và một dân tộc bị chia đôi bởi màu áo.
Top 5 – Der Klassiker: Bayern Munich vs Borussia Dortmund (Đức)
Ở Đức, nếu như các trận derby vùng Ruhr (Dortmund vs Schalke) hay derby Bavaria (Bayern vs Nurnberg) mang tính địa phương, thì Der Klassiker là trận chiến mang tính toàn quốc. Đây là nơi mà đế chế hùng mạnh Bayern Munich đối đầu với biểu tượng phản kháng Borussia Dortmund, trong một cuộc so găng đại diện cho hai thái cực văn hóa, tài chính và tham vọng bóng đá.
Khác với những trận derby khác vốn hình thành từ lịch sử lâu đời hoặc mâu thuẫn địa phương, Der Klassiker chỉ thực sự nổi lên từ thập niên 1990 – khi Dortmund vươn mình mạnh mẽ, trở thành đội bóng đủ sức thách thức sự thống trị tuyệt đối của Bayern. Sự đối lập giữa “gã khổng lồ tài chính” và “chiến binh đường phố” là mạch ngầm cho mối quan hệ kình địch này.

Tính đến năm 2024, cả 2 đội đã có hơn 135 lần đối đầu chính thức. Bayern chiếm ưu thế tuyệt đối với hơn 70 chiến thắng, Dortmund khoảng 30, số còn lại là hòa. Năm 1997, Dortmund vô địch Champions League lần đầu tiên trong lịch sử, trong khi Bayern lại thất bại đau đớn tại trận Chung kết 1999 huyền thoại. Và đó cũng là cột mốc đánh dấu sự kiện Dortmund dần trở thành một thế lực thách thức Bayern Munich, cả ở đấu trường quốc nội lẫn châu Âu.
Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính hạn hẹp, Dortmund không duy trì được vị thế quá lâu. Phải cho đến kỷ nguyên vàng của Jurgen Klopp, đội bóng này mới một lần nữa thách thức được Bayern, khi vượt mặt “Hùm xám” để đăng quang ngôi vương Bundesliga 2 lần liên tiếp. Dẫu vậy, chiến thắng 2-1 tại Wembley, trong trận Chung kết Champions League 2012 – 2013 của Bayern Munich trước Dortmund, đã chính thức dập tắt giấc mơ soán vị của đội bóng áo vàng đen.
Bayern được ví như “FC Hollywood”, giàu có, luôn có quyền lực trong ban tổ chức Bundesliga và thậm chí hay có thói quen “gạ gẫm” các ngôi sao từ đối thủ về sân Allianz Arena. Những vụ chuyển nhượng “hút máu” như Mario Götze (2013), Robert Lewandowski (2014), Mats Hummels (2016) khiến CĐV Dortmund phẫn nộ.
Der Klassiker ngày nay không chỉ là biểu tượng nước Đức, mà còn là một trong những trận cầu lớn nhất châu Âu. Không cần thù hận tôn giáo, không cần chung thành phố. Der Klassiker đơn giản là đại diện cho hai linh hồn khác biệt: một khao khát thống trị, một khao khát lật đổ. Và ở giữa, là ngọn lửa không bao giờ tắt của bóng đá Đức.
Top 6 – North West Derby: Manchester United vs Liverpool (Anh)
Bóng đá Anh có nhiều trận derby hấp dẫn, nhưng không có cuộc chạm trán nào sánh được với Manchester United vs Liverpool. Đây không chỉ là trận đấu của hai CLB vĩ đại nhất xứ sở sương mù, mà còn là biểu tượng cho mâu thuẫn kéo dài hàng thế kỷ giữa hai thành phố: Manchester và Liverpool. Một cuộc đối đầu vượt ngoài khuôn khổ thể thao, thấm đẫm màu sắc văn hóa và truyền thống địa phương, cũng như sự kình địch không khoan nhượng.
Cuộc chiến giữa Liverpool và Manchester bắt đầu từ thế kỷ 19, với cuộc cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp. Manchester là trung tâm công nghiệp sầm uất nhất nước Anh, xuất khẩu bông vải. Trong khi Liverpool là hải cảng lớn nhất thời bấy giờ, nơi trung chuyển hàng hóa ra thế giới.
Sự đối đầu lên đến đỉnh điểm khi Manchester xây dựng kênh đào Ship Canal năm 1894, giúp hàng hóa tới thẳng châu Âu mà không cần qua cảng Liverpool. Thành phố cảng cảm thấy bị “phản bội”, và từ đó, hận thù lan ra đến bóng đá – nơi hai CLB lớn nhất đại diện cho hai thành phố “ghét nhau ra mặt”.
Trong văn hóa địa phương Anh, cặp đấu này được biết đến với tên gọi “Derby vùng Tây Bắc”, tuy nhiên, với thế giới túc cầu giáo, người ta đã quen thuộc hơn với một danh xưng mang tầm vóc quốc tế hơn – Derby nước Anh. Bởi một lẽ đơn giản, đó là trận đấu giữa 2 đội bóng vĩ đại nhất lịch sử xứ sở sương mù.

Không cần sự thù hận tôn giáo như Old Firm, không cần sự chênh lệch tài chính như Der Klassiker – North West Derby là cuộc chiến thuần túy về danh dự, lịch sử, thành tích và quyền lực.
Ở đó, mỗi bàn thắng, mỗi pha vào bóng, mỗi lần ăn mừng – đều mang theo 130 năm oán hận và tự hào. Đây không chỉ là 90 phút. Đây là trận chiến không có hồi kết giữa hai biểu tượng – nơi thất bại đồng nghĩa với bị cả thành phố, quê hương xứ sở quay lưng, và chiến thắng là khúc khải hoàn vang vọng khắp thế giới.
Một yếu tố nữa khiến mối thù hận giữa 2 đội bóng cứ thế ngày một bị đào sâu, đó là việc Man United và Liverpool chưa từng ở cùng một đẳng cấp cao nhất trong 50 năm qua. Cứ khi nào một trong 2 đội bóng bước vào thời hoàng kim, thì đội còn lại sẽ tiến vào giai đoạn suy thoái. Nó như một lời nguyền ám ảnh từ câu chuyện giữa 2 thành phố, khi Manchester trở nên thịnh vượng với sự ra đời của kênh đào Ship Canal, thì cảng Liverpool cũng suy tàn theo năm tháng.
Và việc vừa phải chứng kiến đội bóng của mình sa sút, đồng thời lại phải muối mặt nhìn cảnh đại kình địch gặt hái vinh quang, đã khiến cộng đồng người hâm mộ Man United lẫn Liverpool càng thêm hận thù chồng chất.
Top 7 – Intercontinental Derby: Fenerbahce vs Galatasaray (Thổ Nhĩ Kỳ)
Istanbul, thành phố nằm trên cả hai lục địa Á – Âu, là nơi duy nhất trên thế giới có một trận derby bóng đá… xuyên châu lục. Nhưng điểm đặc biệt ấy chỉ là bề nổi. Bên dưới mặt nước Bosphorus là hàng thế kỷ đối đầu, hận thù, và những xung đột không bao giờ lắng dịu giữa Galatasaray và Fenerbahce – hai biểu tượng vĩnh cửu của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ.
Galatasaray thành lập năm 1905 bởi các học sinh của Trường Trung học danh giá Galatasaray Lycee (một môi trường giáo dục mang xu hướng Tây hóa). Đóng tại khu châu Âu của Istanbul. Đại diện cho tầng lớp trí thức, có học, trung – thượng lưu.
Còn Fenerbahce thì thành lập năm 1907 bởi người dân lao động khu Kadikoy, nằm ở phần châu Á của thành phố. CLB mang tinh thần dân tộc mạnh mẽ, đại diện cho giới bình dân, cứng rắn, bảo thủ.

Galatasaray tự hào là “người châu Âu”, cởi mở, hào hoa. Fenerbahce thì lại mang đậm tinh thần Á Đông: gai góc, bền bỉ, dân tộc chủ nghĩa.
CĐV hai đội căm thù nhau tận xương tủy. Bạo lực trước – trong – sau trận đấu diễn ra thường xuyên, từ ẩu đả, ném pháo sáng, đốt xe cho tới đổ máu. Trong một số trận ddaaus, cảnh sát buộc phải chia khu vực khán đài bằng hàng rào thép, cấm CĐV đội khách đến sân để tránh hỗn loạn.
Trận derby này được CNN, BBC, ESPN và The Guardian xếp vào Top 3 trận đấu bóng đá nguy hiểm nhất thế giới. Tại đây, cầu thủ ngoại thường được… “cảnh báo” trước về mức độ thù địch của trận đấu. Một số thậm chí không dám rời sân một mình.
Fenerbahce vs Galatasaray không phải trận derby của riêng Istanbul. Đó là cuộc nội chiến văn hóa, nơi những giá trị cũ – mới, Tây – Đông, học thức – bình dân chạm trán trên sân cỏ.
Mỗi bàn thắng là một tiếng sét, mỗi lần ăn mừng là một “cuộc chiến tâm lý”. Và ở đó, dù kết quả ra sao, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mãi rực cháy như pháo sáng giữa trời đêm Bosphorus.
Top 8 – Fla-Flu: Flamengo vs Fluminense (Brazil)
Trên khán đài Maracanã, hai biển người – đỏ đen của Flamengo và đỏ trắng xanh của Fluminense – hát vang những giai điệu đối lập. Trên sân cỏ, không có chỗ cho tình bạn. Chỉ có máu lửa, bản sắc và khát khao thống trị Rio. Đó là Fla-Flu, một trong những trận derby có lịch sử kỳ lạ và lãng mạn nhất thế giới bóng đá.
Trái với những trận derby khởi đầu bằng thù hận, Fla-Flu lại bắt đầu bằng… một cuộc chia ly “anh em”, và vì vậy, nó mang nhiều nét tương đồng với Derby Milano hay Derby Merseyside.
Năm 1911, một nhóm cầu thủ bất mãn với cách điều hành của CLB Fluminense (được xem là CLB của giới thượng lưu) đã tách ra để thành lập đội bóng đá cho bộ phận thể thao của CLB đua thuyền Flamengo – đội vốn không có truyền thống bóng đá. Một năm sau, trận Fla-Flu đầu tiên diễn ra (7/7/1912) – Fluminense thắng 3-2, khai sinh nên cuộc đối đầu dài hơn một thế kỷ.
Và từ đó, bạn cũ thành địch thủ, một thành phố – hai niềm tin, và một trận derby không thể thiếu trong mọi mùa bóng Brazil. Flamengo là CLB của “người dân”, của tầng lớp lao động, nghèo khó nhưng đông đảo và cuồng nhiệt. Fluminense được xem là biểu tượng của tầng lớp trung – thượng lưu, trí thức và những giá trị truyền thống.

Một bên “nghèo mà đông” – một bên “ít nhưng sang”, tạo nên trận derby giai cấp – nơi mỗi bàn thắng như một lời tuyên ngôn xã hội. Không trận derby nào sở hữu sân nhà “chung” hoành tráng hơn Fla-Flu.
Mỗi cuộc so tài là một vũ hội màu sắc, pháo sáng, băng rôn, biểu ngữ và những lời ca đậm chất samba. Các nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn Brazil từng gọi Fla-Flu là “trận derby của nghệ thuật”. Nhà báo Nelson Rodrigues ví Fla-Flu như “một thiên thần say rượu chơi violin giữa lò lửa” – vừa lãng mạn, vừa điên cuồng.
Dù ít được truyền thông quốc tế quảng bá như El Clásico hay Der Klassiker, Fla-Flu luôn là một trong những trận derby giàu bản sắc nhất hành tinh, nơi cảm xúc, lịch sử và văn hóa bản địa thăng hoa tột độ.
Fla-Flu không phải trận đấu giữa hai CLB, mà là cuộc đối thoại giữa hai tâm hồn của Brazil: một hoang dã – phóng khoáng – nhiệt huyết, một điềm đạm – truyền thống – tự tôn. Và ở giữa, là trái bóng tròn – như một cái cớ để Rio bật khóc, hò reo, hát và sống trọn từng nhịp đập cùng bóng đá.
Top 9 – Le Classique: Paris Saint-Germain vs Olympique Marseille (Pháp)
Ở Pháp, người ta có thể bất đồng quan điểm về chính trị, thời trang hay ẩm thực, nhưng sẽ luôn đồng tình về một quan điểm: PSG vs Marseille là trận đấu không thể bỏ qua. Đây là trận derby quốc gia duy nhất tại Pháp, mang trong mình thù hận sâu sắc về địa lý, giai cấp và bóng đá, vượt xa khỏi ranh giới 90 phút trên sân cỏ.
Nguồn gốc của cặp Derby này xuất phát từ sự thù địch giữa thủ đô và thành phố cảng.
Paris – Kinh đô ánh sáng, là trung tâm chính trị, kinh tế, thời trang của nước Pháp. Biểu tượng của sự hào nhoáng, thượng lưu, đầy quyền lực. Marseille – thành phố cảng lớn nhất, nơi cư dân đa sắc tộc, bụi bặm và tự hào với bản sắc riêng biệt.
Tầng lớp lao động, và thậm chí là quý tộc địa phương tại Marseille, từ hàng trăm năm qua, đã nhìn Paris như một thế lực áp đặt, xa cách và kệch cỡm.
Từ sự đối lập ấy, Le Classique được ra đời như một trận derby mang màu sắc của… cách mạng xã hội, nơi Marseille đại diện cho dân chúng nổi loạn, còn Paris là biểu tượng của giới tinh hoa thống trị.

Dù bị lấn át bởi El Clasico hay Der Klassiker trên truyền thông quốc tế, nhưng Le Classique vẫn là viên ngọc văn hóa của Ligue 1, mang bản sắc Pháp đậm đặc: nội chiến giữa hai linh hồn của đất nước.
Trong quá khứ, Marseille luôn là cái tên chiếm ưu thế vượt trội trước PSG, và đó càng trở thành nguyên cớ sâu xa để đào sâu thêm mối thù địch giữa hai thành phố. Thế nhưng, trong những năm đầu thập niên 2010, sự kiện giới chủ Qatar mua lại PSG và rót hàng tỉ bảng đầu tư vào đội bóng này, đã khiến mọi thứ đảo chiều.
PSG vươn mình trở thành một đại gia châu Âu, nhờ túi tiền không đáy của những ông chủ Trung Đông, họ áp đảo hoàn toàn về cả thành tích đối đầu lẫn danh hiệu quốc nội. Sự tham gia của những siêu sao thế giới (Neymar, Mbappe, Messi…) cũng góp phần khiến Le Classique trở thành trận cầu không thể thiếu mỗi mùa.
Thế nhưng, ngay cả khi đã trở thành một gã khổng lồ của bóng đá châu Âu, PSG vẫn trở thành cái tên bị các cổ động viên Marseille châm biếm không thương tiếc, bởi họ chưa từng đăng quang Champions League, điều mà cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có đội bóng đất cảng là câu lạc bộ Pháp duy nhất đạt được.
Top 10 – Derby of Eternal Enemies: Olympiacos vs Panathinaikos (Hy Lạp)
Trong trái tim của Athens – cái nôi của văn minh phương Tây – tồn tại một cuộc chiến vĩnh hằng, như cái cách mà thần thoại Olympus vẫn luôn trường tồn cùng thời gian: hai đội bóng đại diện cho hai tầng lớp xã hội đối lập, hai triết lý sống trái ngược, và hai lực lượng CĐV xem nhau như… kẻ thù không đội trời chung.
Đó chính là Olympiacos và Panathinaikos. Hai biểu tượng bóng đá Hy Lạp, hai linh hồn thù nghịch của cùng một thành phố. Và cũng như phần lớn các trận Derby giữa những đối thủ cùng thành phố khác, cuộc đối đầu của 2 ông lớn Hi Lạp, có căn nguyên sâu xa từ vấn đề xung đột giai cấp và phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Panathinaikos thành lập năm 1908, đại diện cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu Athens, mang màu xanh lá – biểu tượng cho “quý tộc thể thao”. Olympiacos thành lập năm 1925, xuất thân từ cảng Piraeus – nơi sinh sống của giai cấp lao động, công nhân, ngư dân – mang màu đỏ rực máu chiến đấu.
Ngay từ những ngày đầu, Panathinaikos mang hình ảnh “con nhà giàu học trường tư”, còn Olympiacos là “đứa con phố chợ, tay lấm chân bùn”. Sự đối lập về xuất thân chính là nguyên liệu vĩnh cửu cho cuộc chiến không khoan nhượng. Đây là trận derby có tỷ lệ bạo động sau trận cao nhất châu Âu. Các trận đấu thường xuyên bị tạm hoãn, hoãn vô thời hạn hoặc tổ chức không có khán giả vì lo ngại an ninh. CĐV hai đội thường xuyên dùng dao, pháo sáng, bom khói, thậm chí “tổ chức phục kích nhau” trước và sau các trận đấu.
Không có dàn sao triệu đô, nhưng Derby of Eternal Enemies vẫn là một trong những trận đấu nóng nhất hành tinh – nơi mọi cú tắc bóng có thể dẫn đến cuộc nổi loạn cả sân. Truyền thông phương Tây gọi đây là “derby địa ngục” – nơi trái bóng lăn trên lằn ranh giữa đam mê và máu lửa.
Leave a Reply