Vì sao đội tuyển Brazil và nền bóng đá nước này đi xuống?

Thảm bại 1-4 trước đại kình địch Argentina tại vòng loại World Cup 2026 khu vực Nam Mỹ, trở thành trò cười trên truyền thông bởi những màn “gáy trước bước không qua”, làm mình làm mẩy theo kiểu “thắng làm vua, thua lôi cúp ra đếm” của các ngôi sao, đội tuyển Brazil đang phô bày một bộ mặt không thể nào tệ hại hơn, xuyên suốt lịch sử bóng đá nước này.

Thậm chí, ngay cả trong khoảnh khắc họ để người Đức hạ nhục ngay trên sân nhà với tỉ số 1-7 tại Bán kết World Cup 2014, người hâm mộ bóng đá xứ sở Samba cũng không cảm thấy tuyệt vọng như trong tình cảnh hiện tại. 

Một thất bại trước Argentina, không quá ảnh hưởng đến cơ hội tham dự World Cup của Brazil, nhưng để thua tới 1-4, trong một cục diện trận đấu mà các nhà Đương kim vô địch thế giới thậm chí không có Lionel Messi, nhưng những cái bóng vàng xanh thì vẫn dễ dàng bị vùi dập, hạ nhục không thương tiếc.

Tuyển Brazil thua Argentina tại vòng loại World Cup 2026 khu vực Nam Mỹ. Ảnh: Internet
Tuyển Brazil thua Argentina tại vòng loại World Cup 2026 khu vực Nam Mỹ. Ảnh: Internet

Leon Paredes – Một trong những cầu thủ thi đấu ấn tượng nhất bên phía đội tuyển Argentina trong trận siêu kinh điển Nam Mỹ vừa qua, thậm chí còn tuyên bố rằng: “Nếu Messi không vắng mặt, chúng tôi thừa sức cho Brazil trải nghiệm một trận thua 1-7 nữa.” Trong khi đó, thứ duy nhất mà các ngôi sao bên phía Selecao có thể làm, là đổ lỗi cho truyền thông về việc đưa tin sai lệch câu chuyện “gáy khét” trước trận của Raphinha, trong khi Vinicius, được cho là lại… đem cúp Champions League và 5 chức vô địch thế giới ra để hù dọa đối thủ.

Lạ lùng thật đấy! Champions League thì liên quan gì đến đội tuyển quốc gia? Còn 5 chiếc cúp thế giới ư? Lần gần nhất Brazil vô địch World Cup, đã cách đây 23 năm, và dĩ nhiên là trong đội hình hiện tại của họ, chẳng một ai đóng góp chút công sức nào vào 5 lần đăng quang ấy. Vậy là, bóng đá Brazil, từng được biết đến như tượng đài vĩ đại nhất của làng túc cầu thế giới, nổi tiếng với lối chơi hào hoa và sản sinh ra nhiều huyền thoại như Pele, Zico, Romario, Ronaldo, Ronaldinho, giờ đây, lại phải dùng đến võ mồm để hơn thua với đối thủ.

Mà ngay cả võ mồm, họ cũng bị đè bẹp không thương tiếc. Messi, người đã vắng mặt trong trận đại thắng tưng bừng của Argentina trước địch thủ truyền kiếp, chỉ đăng tải một dòng trạng thái trên mạng xã hội cá nhân với thông điệp rất đơn giản: “Hãy dùng bóng đá để nói chuyện về bóng đá.”

Brazil – Xứ sở của những đôi chân màu nhiệm, của những thế hệ cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử, giờ đây, bị những kẻ mà họ từng coi là chiếu dưới, dậy cho những bài học, cả về tư duy chơi bóng và phong cách hành xử.

Trong vài thập kỷ qua, bóng đá Brazil dường như đang dần thụt lùi so với bóng đá châu Âu. Sự sa sút này không chỉ thể hiện qua thành tích quốc tế mà còn qua hệ thống đào tạo trẻ, chất lượng giải đấu quốc nội, và tầm ảnh hưởng toàn cầu của các câu lạc bộ Brazil. 

Tuy nhiên, nếu như việc so sánh giữa nền bóng đá Brazil và châu Âu có thể khiến nhiều người hâm mộ không cảm thấy thuyết phục. Thì lại có một thực tại còn nghiệt ngã hơn đang chờ họ đối mặt: Thất bại tại vòng loại World Cup, chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc nền bóng đá Brazil, đã bị Argentina bỏ lại quá xa.

Các tài năng trẻ của bóng đá Brazil sớm từ bỏ giải quốc nội để sang châu Âu thi đấu. Ảnh: Internet
Các tài năng trẻ của bóng đá Brazil sớm từ bỏ giải quốc nội để sang châu Âu thi đấu. Ảnh: Internet

Một trong những nguyên nhân chính khiến bóng đá Brazil không thể duy trì vị thế hàng đầu là việc các tài năng trẻ xuất sắc rời quê hương quá sớm để sang châu Âu thi đấu. Hệ quả của việc này là giải quốc nội Brazil, đặc biệt là giải vô địch quốc gia Serie A, mất đi những cầu thủ giỏi nhất, khiến chất lượng của các trận đấu giảm sút và khó có thể cạnh tranh với các giải đấu hàng đầu châu Âu.

Ở tuổi đôi mươi, các cầu thủ Brazil như Neymar, Vinicius Junior, Gabriel Jesus, và nhiều người khác đã tìm kiếm cơ hội tại các câu lạc bộ châu Âu. Điều này không chỉ làm yếu đi giải đấu quốc nội mà còn khiến cho sự phát triển toàn diện của các cầu thủ bị ảnh hưởng. Khi các tài năng này ra đi quá sớm, họ thiếu cơ hội để trưởng thành ở môi trường bóng đá bản địa và không phát triển được mối liên kết sâu sắc với văn hóa bóng đá Brazil.

Hệ thống đào tạo trẻ của Brazil, từng được xem là nơi sản sinh ra những tài năng kiệt xuất, hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các lò đào tạo tại châu Âu. Trước đây, Brazil tự hào với những học viện nổi tiếng như Santos, Flamengo, Corinthians, nơi đã tạo ra các siêu sao toàn cầu. Tuy nhiên, với sự đầu tư mạnh mẽ từ châu Âu, các học viện hàng đầu như La Masia (Barcelona), Học viện Ajax, hay học viện của Manchester City đang chiếm ưu thế.

Bóng đá Argentina, dù cũng chẳng khá khẩm hơn khi phải hứng chịu những làn sóng cạnh tranh tương tự đến từ châu Âu, nhưng bản thân những cầu thủ đến từ xứ Tango lại tỏ ra thích nghi một cách nhanh chóng với triết lý bóng đá châu Âu. Từ Lionel Messi, Angel Di Maria, Kun Aguero, cho tới những nhân tố của “thế hệ hoàng kim” như Enzo Fernandez, Julian Alvarez, Alexis MacAllister, hay Emiliano Martinez… đều là sản phẩm độc đáo được kết hợp từ triết lý bóng đá hiện đại của châu Âu, và nền tảng kỹ thuật thượng thừa của những cầu thủ Nam Mỹ.

Bóng đá hiện đại đã thay đổi rất nhiều về mặt chiến thuật, và các đội bóng châu Âu đã nhanh chóng bắt kịp với những xu hướng này. Bóng đá châu Âu hiện đại ưu tiên việc xây dựng đội hình có tính kỷ luật cao, dựa trên những chiến thuật pressing, phòng ngự khu vực và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến.

Bản thân các cầu thủ thuộc thế hệ hiện tại của Argentina, thậm chí lại sở hữu những yếu tố then chốt mà người Brazil không có: Đó là tinh thần đoàn kết và sự kỷ luật. Lionel Messi có thể không được tôn thờ như Maradona tại Argentina, nhưng ít nhất, với những người đồng đội của anh tại đội tuyển quốc gia, Leo là vị thánh sống, là nguồn cảm hứng chơi bóng và chinh phục vinh quang của họ.

Bóng đá Brazil từ lâu thiếu một người thủ lĩnh như những gì Messi đang làm tại Argentina. Ảnh: Internet
Bóng đá Brazil từ lâu thiếu một người thủ lĩnh như những gì Messi đang làm tại Argentina. Ảnh: Internet

Chính nhờ cái tinh thần đoàn kết “mọi người vì một người” ấy, mà Argentina thiết lập được một tác phong kỷ luật thép, với sự tuân thủ chiến thuật tuyệt đối, mà chẳng cần đến một cuộc cách mạng nào trong phòng thay đồ, trong khi vẫn đảm bảo được tính sáng tạo và linh hoạt nhờ tố chất thiên bẩm của những ngôi sao gốc gác Nam Mỹ.

Trong khi đó, bóng đá Brazil vẫn giữ lối chơi truyền thống dựa trên kỹ thuật cá nhân và sự sáng tạo. Tuy nhiên, sự thiếu thích nghi với những thay đổi về chiến thuật đã khiến các đội bóng Brazil gặp khó khăn khi đối đầu với các đội bóng châu Âu. Trong những cuộc đụng độ quốc tế, đặc biệt là tại các giải đấu như FIFA Club World Cup hay trong các kỳ World Cup, các đội bóng Brazil thường bị lép vế trước những chiến thuật hiện đại của châu Âu.

Điều này cũng ảnh hưởng đến hệ thống đào tạo trẻ. Các cầu thủ Brazil khi ra nước ngoài thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với lối chơi đòi hỏi tính chiến thuật và kỷ luật cao. Đôi khi, sự tự do trong lối chơi tại Brazil lại khiến họ không có đủ sự chuẩn bị để thi đấu ở những môi trường khắc nghiệt hơn.

Có một nghịch lý khó tin rằng, trong số những ứng viên Quả bóng vàng 2025 tính đến thời điểm hiện tại, Brazil sở hữu tới 2 cái tên: Vinicius Junior và Raphinha. Con số này bên phía Argentina là 0. Nhưng cũng chính 2 ngôi sao này, lại là điểm đen lớn nhất trong trận thảm bại của Brazil vừa qua. Vô hại, bế tắc và nhiều lời, cả Vini lẫn Raphinha đều đã chứng minh được họ là những nghệ sĩ sân cỏ, vấn đề ở đây là nghệ sĩ hài chứ không phải vũ công samba, như các thế hệ đàn anh.

Lý giải cho vấn đề này thì rất đơn giản, ở cấp câu lạc bộ, Vinicius lẫn Raphinha, ngoài phong độ cá nhân xuất sắc, còn được thi đấu bên cạnh những ngôi sao hàng đầu khác. Trong khi đó, họ lại không có được điều kiện tương tự khi lên tuyển Brazil. Hàng tiền đạo và vị trí thủ môn là những vị trí hiếm hoi của Selecao, đạt được đến đẳng cấp thế giới, trong khi hệ thống tiền vệ và hậu vệ của họ lại cực kỳ khan hiếm tài năng.

Raphinha quá đơn độc trên tuyển Brazil. Ảnh: Internet
Raphinha quá đơn độc trên tuyển Brazil. Ảnh: Internet

Và trong thời đại mà tuyến tiền vệ đang trở thành “xương sống” của mọi hệ thống chiến thuật, thì việc phải đối đầu với những ngôi sao tuyến giữa hàng đầu của Argentina, như Paredes, Enzo Fernandez hay MacAllister, chẳng khác nào một buổi tra tấn. Và khi thiếu đi một hệ thống tiền vệ đủ năng lực, sẽ không có gì khó hiểu khi khung thành của Brazil cứ thế phơi bày cho các cầu thủ Argentina bắn phá, trong khi tuyến tiền đạo thì đói bóng trầm trọng.

Nói đi nói lại, câu chuyện của nền bóng đá Brazil, có lẽ cũng đang chịu chung số phận với người Ý. Họ là nền bóng đá số 1 thế giới, nhưng sự chậm thích nghi, cùng những lý do khách quan và chủ quan bên lề chuyên môn, đang dần khiến đội bóng của những vũ công Samba trở nên tầm thường.

Brazil là đội bóng duy nhất trong lịch sử, chưa từng vắng mặt tại bất cứ một kỳ World Cup nào. Nhưng cũng chưa bao giờ, Brazil tốn nhiều thời gian để có được một tấm vé tham dự World Cup như ở thời điểm hiện tại. Dẫu vậy, liệu việc giành vé dự World Cup có nên trở thành mục tiêu đủ để khiến Selecao hài lòng? Hay đã đến lúc, họ phải hứng chịu một cú sốc lớn, như việc không thể vượt qua vòng loại World Cup chẳng hạn, để “tái nạp” lại tinh thần và chuẩn bị cho một cuộc cải tổ toàn diện?

Bởi lẽ, dẫu cho có thành công giành được tấm vé đến Bắc Mỹ vào mùa hè 2026 tới, thì cũng chẳng ai dám đảm bảo rằng, Brazil sẽ không thoát khỏi thảm cảnh thất bại với tỉ số không tưởng, nếu phải đối đầu với những Tây Ban Nha, Anh, Pháp, hay Argentina, khi họ vẫn thể hiện một bộ mặt nhợt nhạt như ở hiện tại.