Trong thế giới bóng đá hiện đại, nơi công nghệ, chiến thuật và dữ liệu lên ngôi, thật khó tin khi một câu chuyện đậm màu sắc huyền bí lại trở thành chủ đề nghiêm túc được bàn luận – đó là “giai thoại Pogba yểm bùa Man United“. Một câu chuyện tưởng chỉ là trò đùa mạng xã hội, nhưng từng làm rúng động làng túc cầu, và khi chứng kiến MU ngày càng lún sâu vào bộn bề khủng hoảng ở thời điểm hiện tại, rốt cuộc thì người ta cũng phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng câu lạc bộ này đang thực sự bị “nguyền rủa”?
Giai thoại này bắt đầu từ một drama gia đình căng như dây đàn giữa Paul Pogba và người anh trai Mathias Pogba vào năm 2022.
Mathias bất ngờ đăng tải hàng loạt đoạn video lên mạng xã hội, tố em trai mình đã “thuê thầy pháp” để yểm bùa… Kylian Mbappe, trong thời gian hai người cùng khoác áo tuyển Pháp. Nhưng đáng chú ý hơn cả là lời ám chỉ rằng Pogba đã dùng “tà thuật” để thao túng và ảnh hưởng đến Man United, nơi anh từng thi đấu.

Mathias thậm chí còn đe dọa sẽ công khai “sự thật động trời” khiến Paul Pogba “không còn được người hâm mộ và HLV tin tưởng nữa”. Theo những lời bóng gió, Pogba từng lén nhờ một “pháp sư Hồi giáo” tại châu Phi để phù phép, với mục đích: Bảo vệ bản thân khỏi chấn thương, thao túng tâm lý trong phòng thay đồ.
Cộng đồng mạng sau đó “ghép nối” với phong độ phập phù của MU mỗi khi Pogba có mặt: Những trận thua kỳ lạ, những pha xử lý thiếu tập trung, phòng thay đồ bất ổn, rò rỉ thông tin, Pogba chơi hay cho tuyển Pháp nhưng gần như “biến mất” ở Man United. Tất cả bỗng… “hợp lý đến khó tin” trong mắt những người mê thuyết âm mưu.
Việc Pogba bị tố mời thầy bùa để tránh chấn thương từng bị mang ra làm trò cười, bởi thực tế trong 6 năm gắn bó với MU, quãng thời gian nằm viện của anh chàng này cũng tương đương với thời lượng ra sân thi đấu. Dẫu vậy, mọi chuyện trở nên “sáng tỏ” khi tiền vệ người Pháp bị bóc mẽ thường xuyên “khai báo sai” về tình trạng chấn thương, nhằm kéo dài thời gian nghỉ ngơi điều trị, và mục đích của hành động này không có gì khác ngoài việc tranh thủ ăn chơi trác táng.
Vụ việc lùm xùm giữa Pogba và Jose Mourinho cũng từng được đưa ra làm minh chứng cho việc cầu thủ này đã thao túng tâm lý cả ban lãnh đạo Man United. Khi ông thầy người Bồ công khai chỉ trích Paul Pogba là con vi-rút gây hại cho đội bóng, thì giới chủ MU lại đưa ra quyết định vô cùng khó hiểu: Sa thải Người Đặc Biệt và dành trọn niềm tin cho Pogba. Để rồi, những diễn biến tiếp sau đó, như người ta thường nói, đã trở thành một phần của lịch sử.
Công bằng mà nói, dù Mourinho có ở lại, thì chưa chắc MU đã tốt hơn, nhưng việc sa thải ông và công khai ủng hộ Pogba của ban lãnh đạo đội bóng, đã tạo nên một nét văn hóa cực kỳ độc hại trong phòng thay đồ, khi các cầu thủ khoác áo Quỷ Đỏ bắt đầu học theo Pogba, tự cho mình cái quyền thi đấu theo ý thích và cảm hứng, đồng thời đưa ra những yêu sách vô lý về lương thưởng.
Gác lại câu chuyện truyền kỳ chưa có hồi kết về Paul Pogba, thứ khiến người hâm mộ MU cảm thấy khó hiểu nhất trong nhiều năm qua, và cũng là bằng chứng để người ta buộc phải tin rằng câu lạc bộ này thực sự bị “nguyền rủa”, đó chính là việc phần lớn các cầu thủ từng khoác áo Man United và bị chỉ trích thậm tệ vì những màn trình diễn thảm họa, lại tỏa sáng một cách khó hiểu khi chia tay Old Trafford để gia nhập đội bóng mới.
“Anh Long hàng hiệu” – Antony, là một ví dụ điển hình. Trong màu áo Real Betis, cầu thủ người Brazil tỏa sáng rực rỡ khi liên tục ghi bàn và kiến tạo, góp công lớn vào chuỗi 6 trận thắng liên tiếp của đội bóng xứ Andalucia, và từ vị trí giữa bảng xếp hạng, Betis giờ đây thậm chí đang cạnh tranh gay gắt cho vị trí top 5 La Liga – một vị trí đủ để giành vé dự Champions League mùa sau.

Màn trình diễn của Antony thuyết phục đến nỗi, Isco – Ngôi sao số 1 của Real Betis, còn kêu gọi Ban lãnh đạo đội bóng nỗ lực mua đứt tiền đạo này, trong khi cộng đồng cổ động viên thì tuyên bố sẵn sàng gây quỹ quyên góp để đáp ứng số tiền 40 triệu bảng mà MU yêu cầu, nhằm ký hợp đồng với chân chạy cánh người Brazil.
Marcus Rashford, cái tên từng là biểu tượng của Old Trafford, giờ đây cũng đang trở thành nhân tố không thể thiếu trong đội hình của Aston Villa. Ngôi sao người Anh thậm chí còn xát muối vào trái tim người hâm mộ Quỷ đỏ khi chia sẻ trên truyền thông rằng, anh chỉ cảm thấy hạnh phúc và tìm được niềm cảm hứng chơi bóng, kể từ khi cập bến Villa Park.
Scott McTominay, một cựu “quỷ đỏ” khác, cũng đang sống trong những ngày tháng thăng hoa nhất sự nghiệp, khi cùng Napoli cạnh tranh ngôi vô địch Series. Xa xôi hơn nữa, chúng ta có những trường hợp của Angel Di Maria – Một trong những siêu sao đẳng cấp thế giới hiếm hoi cập bến Old Trafford trong 12 năm sau thời Sir Alex.
Gia nhập MU với mức giá kỷ lục nước Anh năm 2014, Angel Di Maria chỉ trụ lại đúng 1 mùa giải, bị gắn mác “bỏ cuộc”, “thiếu khát khao”, “không phù hợp với Ngoại hạng Anh”.
Rời Old Trafford, Di Maria thăng hoa tại PSG, trở thành một trong những chân chuyền hay nhất châu Âu, giành hàng loạt danh hiệu quốc nội và là người hùng của Argentina tại Copa America 2021 và World Cup 2022.
Hay một cái tên khác từng bị coi là “chân gỗ” ở MU – Romelu Lukaku. Tiền đạo người Bỉ gia nhập Quỷ Đỏ trong một thương vụ đầy drama, khi MU và Chelsea liên tục khuấy động thị trường chuyển nhượng trong việc cạnh tranh 2 thương vụ Lukaku và Morata. Man United thành công “nẫng tay trên” mục tiêu số 1 của Chelsea, dẫu vậy, bản hợp đồng bom tấn trị giá 75 triệu bảng ấy cũng sớm phải ra đi trong sự mỉa mai.
Nhưng rồi, khi trở lại Inter Milan, AS Roma, hay hiện tại là Napoli, anh trở thành cơn ác mộng của mọi hàng thủ. Lukaku từng ghi 64 bàn sau 95 trận trong giai đoạn đầu gia nhập Inter, và giúp đội bóng vô địch Serie A sau hơn một thập kỷ.

Việc một cầu thủ thi đấu vật vờ trong màu áo MU, rồi lại tỏa sáng rực rỡ khi chuyển sang đội bóng khác, diễn ra nhiều tới mức, nó đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của các cổ động viên đội bóng. Và bản thân những chuyên gia bóng đá cũng chẳng thể nào lý giải hết tất cả các nguyên nhân, rằng tại sao những Antony, McTominay, Lukaku – Những cầu thủ trình diễn phong độ như những kẻ nghiệp dư tại Old Trafford, lại lột xác một cách đáng kinh ngạc như vậy, chỉ sau vài trận đấu bước sang môi trường mới.
Và chính vì sự khó hiểu đó, mà người ta rốt cuộc cũng chỉ có thể đổ thừa cho những thế lực tâm linh đang ám quẻ Old Trafford. Tuy nhiên, hiện tượng kỳ lạ này không phải là không có lời giải một cách khoa học.
Chúng ta có thể đúc rút được một luận điểm khá dễ hiểu: Các bản hợp đồng thất bại của Man United thực chất không quá tệ, thứ vượt mức tệ hại ở đây chính là nội bộ đội bóng này. Một đội bóng mục nát từ cơ sở hạ tầng, văn hóa quản trị, cho đến sự thiếu hiểu biết về bóng đá của giới chóp bu. Khi hội tụ tất cả những điều đó, thì chẳng lời nguyền nào có thể sánh bằng, bởi tự bản thân Man United đã hủy hoại chính mình rồi.
Kể từ khi Sir Alex giải nghệ, MU trải qua quá nhiều biến động, với 10 đời HLV khác nhau, tính cả những cái tên tạm quyền, mỗi người theo đuổi một triết lý bóng đá riêng, kéo theo việc cầu thủ không có thời gian thích nghi hoặc liên tục bị “lỗi hệ thống”.
Marcus Rashford chính là một nạn nhân của vấn đề này. Anh ra mắt và tỏa sáng dưới thời Louis Van Gaal, được rèn luyện bởi Mourinho, vươn tầm đẳng cấp dưới thời Ole Solsa, nhưng rồi, khi Erik Ten Hag cập bến, mang theo triết lý bóng đá tấn công hoàn toàn khác biệt so với lối chơi phòng ngự phản công của các đời HLV trước, Rashford ngay lập tức trở nên lạc lối, và “đánh mất động lực” chơi bóng.

Và nếu có ai đó đặt lời nguyền lên MU, thì chắc chắn đó không chỉ riêng Pogba, mà còn là giới lãnh đạo đội bóng này. MU từng “săn” những cái tên đình đám vì thương mại hơn là phù hợp chuyên môn. Các cầu thủ tài năng có thể bị sử dụng sai vị trí, thiếu người hỗ trợ phù hợp, hoặc không có lộ trình phát triển rõ ràng.
Về phía các cầu thủ, một bản hợp đồng gia nhập MU luôn mang theo sức ép từ truyền thông, fan và chính nội bộ. Khi không đáp ứng được ngay lập tức, họ dễ bị gạt bỏ, đánh mất sự tự tin. Những cái tên tiềm năng như Sancho, Antony… cập bến MU khi chưa bước vào độ chín của sự nghiệp, nhưng lại gánh chịu áp lực phải tỏa sáng ngay lập tức, và phải thay đổi bộ mặt đội bóng trên sân cỏ. Họ sống trong một môi trường đầy độc hại và mâu thuẫn: Người hâm mộ thì kỳ vọng cao, trong khi giới chủ thì chẳng biết làm gì ngoài việc vứt cho họ một xấp tiền, rồi bảo rằng “Hãy tỏa sáng đi!”.
Bất kỳ một cầu thủ bình thường nào, rồi cũng sẽ bị cái môi trường độc hại ấy tha hóa. Họ nhận mức lương hàng trăm nghìn bảng, nhưng không ai yêu cầu cụ thể họ phải làm gì, và thế là các cầu thủ MU cứ thế thi đấu theo ý mình, lâu lâu tỏa sáng thì hướng mắt lên khán đài và đòi hỏi sự tung hô của người hâm mộ. Còn nếu không tỏa sáng ư? Đăng ảnh lên Instagram kèm dòng trạng thái: “Nỗ lực hơn nữa vào lần sau”. Và sau đó là kéo nhau đi ăn chơi nhảy múa.
Nhà văn Nam Cao đã từng có một trích dẫn rằng: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”, và với tư cách những nhà quản trị của một đội bóng hàng đầu thế giới, những vị chủ tịch, giám đốc thể thao của MU trước đây, đích thị là những kẻ bất lương, bởi họ đã ném hàng tỉ bảng của đội bóng này ra ngoài cửa sổ, trong tâm thế của những kẻ chẳng biết gì về bóng đá.
Như vậy, nói đến đây, chúng ta có lẽ đã có thể đưa ra kết luận rằng: Chẳng có bất kỳ lời nguyền nào đủ sức hủy hoại cả một đội bóng. Thực tại ở MU chỉ đơn giản là một sự mục nát không thể cứu vãn, là hệ lụy của hơn 1 thập kỷ ăn bám vào hào quang quá khứ, mà không chịu thay đổi, không chịu phát triển. Và bài học đến từ những Antony, Rashford hay McTominay cũng là một thông điệp nhắc nhở giới lãnh đạo Man United rằng: Ngay cả những câu lạc bộ như Real Betis, Aston Villa hay Napoli, giờ đây còn ra dáng một câu lạc bộ hàng đầu, hơn là tập hợp những cái tên hổ lốn đang hiện diện tại Old Trafford.
Leave a Reply