Tần Thủy Hoàng, Alexander Đại Đế, Napoleon Bonaparte, hay một ví dụ gần gũi nhất, chính là Quang Trung Hoàng Đế. Bạn có nhận ra một điểm chung của những nhân vật vĩ đại này hay không? Họ đều là những bậc đế vương kiệt xuất, những nhà quản trị tài ba, đã gây dựng nên những đế chế, những triều đại lưu danh thiên cổ. Thế nhưng, những vương triều mà họ đã dành tâm huyết một đời để gây dựng nên, lại dễ dàng sụp đổ, nhanh chóng bị vùi lấp trong dòng chảy thời gian, chỉ ít lâu sau khi họ rời khỏi vũ đài chính trị.
Sau hàng trăm năm nghiên cứu và đúc kết bài học lịch sử, người đời đều đi đến một kết luận chung rằng: Sự sụp đổ của những vương triều hùng mạnh, được tạo nên bởi những bậc đế vương này, đều xuất phát từ một nguyên nhân – Thiếu đi sự kế thừa xứng đáng. Những thế hệ lãnh đạo kế cận của những Tần Thủy Hoàng, Alexander, Napoleon hay Hoàng đế Quang Trung, đều không thể đạt được đến tầm vóc vĩ đại của bậc cha ông.
Hay nói ở một khía cạnh khác, họ đã bị chính cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm che lấp ánh hào quang, và đôi vai họ bị đè nặng bởi chính sự kiệt xuất, toàn năng mà những vị quân chủ ấy từng áp dụng để tạo nên những quốc gia hùng mạnh. Và trong thế giới bóng đá đương đại, người ta cũng đang được chứng kiến một hình ảnh tương tự – Một đế chế bóng đá đang bước vào giai đoạn suy tàn, thậm chí có thể là những chương cuối của ánh hào quang, sau khi không thể tìm được một người thừa kế xứng đáng, cho sự ra đi của một chiến lược gia vĩ đại. Chiến lược gia ấy, là Sir Alex Ferguson, và dĩ nhiên, cái đế chế mục ruỗng mà chúng ta đang nhắc đến, chính là Manchester United.

Cho đến thời điểm hiện tại, việc chỉ trích nhà Glazers và đổ vấy mọi trách nhiệm về sự sa sút của Man United cho gia tộc tài phiệt này chỉ là những lời nói dư thừa, bởi mọi chuyện đã quá rõ ràng, có phân tích thêm cũng chẳng được lợi ích gì. Thế nhưng, nếu để mạn đàm về phần chìm của tảng băng trôi, và để dễ liên tưởng hơn về tình cảnh của Man United, so với những đế chế hùng mạnh trong lịch sử nhân loại, thì chúng ta chắc chắn phải nhắc tới cái tên Sir Alex Ferguson.
Việc Ngài máy sấy tóc ra đi khiến Man United rơi vào tình trạng hỗn loạn và suy yếu, là câu chuyện đã sáng tỏ như ban ngày. Nhưng nguồn cơn của sự hỗn loạn ấy từ đâu mà ra? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hình dung lại vai trò thực sự của Ngài Alex khi còn tại vị ở Man United.
Trong phần lớn thời gian nắm quyền tại Old Trafford, Sir Alex Ferguson nắm giữ cương vụ Manager – Tức là Nhà quản lý, chứ không đơn thuần chỉ là một huấn luyện viên. Để dễ hình dung, thì vai trò này tương tự như của Jurgen Klopp tại Liverpool, và Pep Guardiola của Manchester City. Họ là những người vừa chịu trách nhiệm trực tiếp huấn luyện, chỉ đạo cầu thủ, nhưng đồng thời cũng có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong hậu trường, và được quyền can thiệp vào mọi vấn đề chuyên môn – Từ chính sách tuyển trạch đội trẻ, quản lý đội học viện, cho tới công tác chuyển nhượng.
Trong khi đó, những trường hợp như của Arne Slot, Carlo Ancelotti, hay Enzo Maresca – chỉ đảm nhiệm cương vị huấn luyện viên thuần túy, và bị giới hạn rất nhiều trong công tác vận hành đội bóng.
Jurgen Klopp, Pep Guardiola và Sir Alex Ferguson là những huấn luyện viên hiếm hoi có đặc quyền được gây áp lực lên ban lãnh đạo đội bóng để yêu cầu chiêu mộ hoặc bán một cầu thủ bất kỳ. Tuy nhiên, trong số 3 người này, Sir Alex chính là cái tên quyền lực nhất. Nếu như Jurgen Klopp và Pep Guardiola, về vị thế, vẫn ngang hàng với Giám đốc Thể Thao và dưới quyền Chủ tịch Bóng đá trong câu lạc bộ, thì với Sir Alex Ferguson, Giám đốc thể thao của Man United cũng chỉ là cấp dưới của ông mà thôi.
Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, Alex Ferguson là người đàn ông duy nhất tại Man United, nắm toàn quyền quyết định về những vấn đề liên quan đến chuyên môn bóng đá. Ngoại trừ Chủ sở hữu câu lạc bộ, tất cả những người còn lại tại Man United, đều dưới quyền người đàn ông này.
Chính vì vậy, nếu xét về tầm vóc và sức ảnh hưởng, người ta sẽ không chỉ ca ngợi Alex Ferguson về những danh hiệu mà ông đạt được. Mà còn bởi ông là vị huấn luyện viên duy nhất trên thế giới, có đủ tài năng và quyền uy, để trở thành một “nhà độc tài” thống lĩnh cả một đội bóng.

Trong 26 năm cầm quyền tại Old Trafford, tên tuổi của Sir Alex Ferguson gắn liền với những bản hợp đồng chuyển nhượng đình đám bậc nhất thế giới, xét trên cả phương diện thành công lẫn thất bại. Ông là người kiên quyết yêu cầu Ban lãnh đạo MU chiêu mộ Cristiano Ronaldo và Wayne Rooney, đồng thời cũng đưa tối hậu thư buộc ban lãnh đạo đội bóng phải chi ra tới 24 triệu bảng để mua lại 1 năm hợp đồng của Robin Van Persie và năm 2012, dù Vua phá lưới Ngoại hạng Anh khi ấy đã sắp bước sang tuổi 30.
Những bản hợp đồng với giá chuyển nhượng kỷ lục của Veron, Rio Ferdinand, Berbatov… cũng do chính tay Sir Alex đưa về. Trong khi đó, ông cũng là người phải chịu trách nhiệm chính cho những thương vụ “kỳ cục” như trường hợp của Bebe – Cầu thủ được MU đưa về với mức giá lên tới 7 triệu bảng, nhưng thực tế lại không đủ trình độ thi đấu cho bất kỳ đội bóng tầm trung nào tại Ngoại hạng Anh.
Vị giám đốc thể thao nổi tiếng nhất của MU trong giai đoạn này là Carlos Queiroz – Một “đệ tử chân chuyền” của Ferguson. Mối quan hệ này đi ngược hoàn toàn với khuôn mẫu vận hành của một đội bóng thông thường, khi Giám đốc thể thao thường là người nắm cương vị ngang hàng, hoặc thậm chí là cấp trên của Huấn luyện viên. Man United đã có một chu kỳ 20 năm thành công rực rỡ với cơ cấu bộ máy mà Sir Alex tạo nên, nhưng như đã nói, chính cơ cấu này, về sau sẽ là chất xúc tác khiến đế chế United sụp đổ, bởi người duy nhất có thể hiểu rõ bản chất và đủ khả năng vận hành bộ máy ấy, đã chia tay sân cỏ vào năm 2013.
Có một thực tế mà nhiều người thường nhầm lẫn, đó là việc Man United của Sir Alex không có thói quen sử dụng siêu sao. Sự tô vẽ của truyền thông khiến ngay cả một bộ phận người hâm mộ Quỷ Đỏ cũng lầm tưởng rằng Man United trước đây là đội bóng nổi tiếng được tập hợp bởi những tài năng trẻ. Sự thành công của thế hệ 1992 đã khiến Lò đào tạo Carrington được tâng bốc lên tận mây xanh. Dẫu vậy, sự thật là trong kỷ nguyên thành công của Sir Alex, kéo dài từ giai đoạn 1992 – 2013, Man United luôn nằm trong tốp những đội bóng có ngân sách chuyển nhượng lớn nhất thế giới.
Những bản hợp đồng bom tấn như Sebastian Veron, Rio Ferdinand, Wayne Rooney, Dimitar Berbatov… thường xuyên được Sir Alex đưa về, kết hợp với những tài năng trẻ được bộ phận tuyển trạch của ông tìm kiếm trên khắp châu Âu, mà Cristiano Ronaldo là một trong số đó, để tạo dựng bộ khung hoàn hảo, dung hòa giữa sức trẻ, kỷ luật, bản sắc và phẩm chất ngôi sao.
Có thể nói, phong cách chuyển nhượng của MU thời Sir Alex không có nhiều nét đặc sắc so với các đội bóng lớn khác. Thứ khiến đội bóng của ông trở nên khác biệt là kỷ cương và phép tắc. Với Alex Ferguson, không cầu thủ nào được phép lớn hơn câu lạc bộ. David Beckham – Cái tên từng được ca tụng là Michael Jackson của bóng đá, cũng bị Ngài máy sấy tống cổ không thương tiếc, chỉ vì ham yêu đương và dấn thân vào showbiz, thay vì tập trung chơi bóng.
Ruud van Nistelrooy – Cỗ máy săn bàn số 1 châu Âu thời bấy giờ, cũng chịu chung số phận, khi anh bị phát hiện có hành vi bắt nạt Ronaldo, khi ấy đang còn là một ngôi sao trẻ.
Sự nghiệp của Sir Alex Ferguson chỉ có 2 ngoại lệ hiếm hoi, khi ông gạt bỏ nguyên tắc của mình để xuống nước đáp ứng yêu sách của cầu thủ. Lần thứ nhất là với Ronaldo, khi anh kiên quyết ra đi theo tiếng gọi của Real Madrid, sau khi cùng MU đăng quang chức vô địch Champions League 2008. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Sir Alex đã xác nhận sẽ không ký hợp đồng với Carlos Tevez, và nếu để mất thêm Ronaldo, ông hiểu rõ hậu quả xảy ra sẽ nghiêm trọng đến thế nào.

Sir Alex đã thành công thuyết phục CR7 ở lại Man United thêm một mùa giải nữa, để gồng gánh hàng công của Quỷ đỏ, với lời tiên đoán rằng, chỉ cần anh tiếp tục tỏa sáng trong mùa giải tiếp theo (mùa 2008 – 2009), Real Madrid sẽ phải trải thảm đỏ mời gọi anh với tư cách siêu sao bóng đá số 1 thế giới.
Lần thứ 2 là với Wayne Rooney. Vào giai đoạn 2010, MU lúc này đã mất gần hết những ngôi sao tấn công, Rooney dù vẫn giữ được phong độ nhưng lại bất ngờ dính chấn thương nặng hồi đầu năm, cộng thêm vụ bê bối ngoại tình chấn động của cầu thủ này, khiến anh bị người hâm mộ quay lưng.
Gã hàng xóm Man City khi ấy đã đánh hơi được cơ hội, sẵn sàng vung số tiền lên tới 50 triệu bảng, cùng mức lương kỷ lục thời điểm đó – 250 ngàn bảng/tuần, để chiêu mộ ngôi sao số 1 của đại kình địch. Cực chẳng đã, Sir Alex cuối cùng đã phải nhượng bộ với yêu sách của Rooney, tăng lương cho anh lên 300 ngàn bảng/tuần, cùng lời hứa sẽ trao chiếc băng đội trưởng của MU cho tiền đạo người Anh, sau khi bộ đôi Vidic – Ferdinand rời đội.
Dẫu vậy, sự thiếu nhất quán của Sir Alex, lại càng tôn lên sự vĩ đại của ông, với tư cách một nhà quản trị tài ba. Sir Alex chỉ chịu nhượng bộ khi nhận ra tình hình MU khi ấy đã không thể cứu vãn, và điều đó càng cho thấy ông không phải là một người cứng nhắc, ỷ lại vào danh tiếng quá khứ, mà ngược lại, vô cùng linh hoạt và mềm dẻo khi cần thiết.
Những nỗ lực của Sir Alex Ferguson trong việc nhượng bộ những cậu học trò ngỗ nghịch, đã giúp MU kéo dài chu kỳ thành công thêm 5 năm nữa, sau chiến tích Moscow 2008. Và nói tới đây, chúng ta sẽ trở lại câu chuyện, vì sao sự vĩ đại của Sir Alex Ferguson, lại là thứ giết chết MU?

Thứ nhất, sự toàn năng của ông đã biến phần còn lại của bộ máy bóng đá tại MU, thành những kẻ bù nhìn, hay nói cách khác, khi chủ tướng đã quá tài ba, thì những thuộc hạ dưới quyền ông ta, dẫu có chân tài thực học đến đâu, cũng không có đất dụng võ, rồi tài năng cũng sẽ dần bị mài mòn theo thời gian.
Thứ hai, Man United đã quá phụ thuộc vào Sir Alex, và để rồi khi ông ra đi, thì trên thực tế, MU không chỉ để trống chiếc ghế huấn luyện viên, mà còn để mất đi bộ não của cả một thực thể. Những quy trình từ tuyển trạch, đàm phán chuyển nhượng, đào tạo trẻ, lên giáo trình tập luyện, từ trước đến nay đều do một tay Sir Alex kiểm tra và phê duyệt, thì sau khi ông ra đi, tất cả những chu trình vận hành nói trên, đều không tìm được người đảm đương một cách hoàn hảo.
Sự mục ruỗng và thối nát của Man United trong kỷ nguyên Hậu Sir Alex, cũng giống như cái cách mà Đế quốc Đại Tần của Tần Thủy Hoàng bước vào bờ vực diệt vong. Ánh hào quang mà vị chiến lược gia người Scotland tạo nên là quá rực rỡ, và cũng chính nó là ánh sáng soi đường cho MU trong kỷ nguyên thành công hơn 20 năm qua. Nhưng rồi, khi ánh sáng ấy tắt đi, thì chính những người Man United mới ngỡ ngàng nhận ra rằng họ sẽ chẳng là gì nếu không có sự dẫn dắt của người đàn ông ấy.
Đáng tiếc rằng, với cương vị của những người lãnh đạo đội bóng, hay thậm chí cả những cầu thủ ngôi sao, những huấn luyện viên kế nhiệm tại Man United, sự tự mãn và khát khao chứng minh năng lực của họ luôn là thứ che mờ lý trí, khiến họ vô tình hoặc cố ý, phủi bỏ những di sản mà Sir Alex để lại. Và rồi như một lẽ tất yếu của dòng chảy lịch sử, sự lụi tàn là điều không thể tránh khỏi, và cũng là thứ duy nhất đang chờ đợi Man United ở phía trước.
Leave a Reply